Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Pháp, Hungary và Serbia trong tháng 5. (Nguồn: Reuters) |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp, Serbia và Hungary từ ngày 5-10/5.
Thương mại, đầu tư và những vấn đề liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine được cho là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận nhân chuyến công du này của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Nhiều cuộc thảo luận tại Pháp
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của ông Tập Cận Bình đến Pháp sau 5 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Phía Trung Quốc coi chuyến thăm này là cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương với Pháp lên một tầm cao mới.
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Brussels đang tăng cường các biện pháp thương mại chống lại Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh coi là chủ nghĩa bảo hộ rõ ràng của châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen từng nhận định rằng các khoản trợ cấp công nghệ xanh của Trung Quốc trải rộng trên nhiều ngành công nghiệp từ xe điện (EV) và pin lithium-ion đến tua-bin gió là hành động cạnh tranh không lành mạnh.
Do đó tại Paris, các cuộc thảo luận giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể sẽ tập trung vào vấn đề kinh tế và thương mại. Theo kế hoạch, ngày 6/5, ông Tập Cận Bình và ông Emmanuel Macron sẽ có cuộc hội đàm với bà Ursula von der Leyen.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Pháp đã tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Hiện nay, Pháp đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU) và đóng vai trò dẫn đầu trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc -EU. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Pháp trên thế giới, sau Đức, Bỉ và Italy.
Bên cạnh đó, các cuộc thảo luận tại Paris còn nhằm thuyết phục Trung Quốc giảm bớt quan hệ thương mại và công nghiệp đang ngày một tăng với Nga trong bối cảnh phương Tây lo ngại mối quan hệ đối tác kinh tế này giúp củng cố tổ hợp công nghiệp quân sự của Moscow trong cuộc xung đột với Ukraine.
Tăng cường thương mại và đầu tư với Hungary và Serbia
Lãnh đạo của cả Hungary và Serbia nằm trong số những người châu Âu ủng hộ nhiệt tình nhất cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic là 2 lãnh đạo quốc gia châu Âu duy nhất tại hội nghị thượng đỉnh BRI lần thứ ba của Trung Quốc vào năm ngoái, sự kiện cũng có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trở lại năm 2012, thủ đô Budapest của Hungary chính là nơi đã tổ chức lễ thành lập cơ chế hợp tác Trung Quốc-CEEC nhằm thúc đẩy BRI và quan hệ hợp tác với 16 quốc gia Trung và Đông Âu. Sau khi Hy Lạp gia nhập năm 2019, cơ chế này trở thành “17+1”. Tuy nhiên, sự hợp tác đã bị suy giảm trong thời kỳ đại dịch và sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Cụ thể là, Lithuania đã rời nhóm và sau đó 1 năm, Estonia và Latvia cũng làm điều tương tự.
Bất chấp bối cảnh phức tạp đó, Hungary và Serbia vẫn kiên trì xây dựng quan hệ với Trung Quốc. Một trong những dự án nổi bật nhất trong cơ chế hợp tác Trung Quốc-CEEC là tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Belgrade của Serbia với Budapest. Tuy nhiên, dự án này đã bị cản trở bởi các quy định của EU và phải đối mặt với nguy cơ bị chậm trễ cũng như rủi ro chi phí leo thang.
Tham dự hội nghị thượng đỉnh BRI của Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái tại Bắc Kinh, Thủ tướng Hungary đã ký kết một số thỏa thuận kinh tế với Bắc Kinh.
Hai tháng sau hội nghị, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD đã công bố kế hoạch thành lập một nhà máy ở miền Nam Hungary. Đây sẽ là cơ sở sản xuất ô tô chở khách đầu tiên của BYD ở châu Âu và là trung tâm của hoạt động sản xuất ở châu Âu. BYD cũng có một nhà máy ở phía Bắc Hungary để lắp ráp xe tải và xe buýt điện.
Vì Hungary là thành viên EU nên các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc hoạt động tại Hungary có thể bán hàng trực tiếp trong thị trường chung châu Âu. Điều này sẽ giúp các công ty tránh được bất kỳ loại thuế tiềm năng nào có thể phát sinh từ các cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD công bố kế hoạch thành lập một nhà máy ở miền Nam Hungary. (Nguồn: BYH) |
Ngoài ra, Hungary cũng là điểm đến chính ở châu Âu cho đầu tư của Trung Quốc vào pin xe điện. Một số nhà sản xuất pin thuộc sở hữu của Trung Quốc đang thiết lập hoạt động tại đây, bao gồm Contemporary Amperex Technology (CATL), Eve Energy và Huayou Cobalt.
Trong khi đó, tại Serbia, dòng đầu tư của Trung Quốc trong những năm gần đây đã vượt xa các nước lớn ở châu Âu như Đức và Pháp. Hiện Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư chính và lớn nhất của bang Balkan.
Đầu năm nay, Shanghai Fengling Renewables và Zijin Mining của Trung Quốc đã công bố dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời trị giá 2 tỷ Euro - khoản đầu tư lớn nhất vào năng lượng tái tạo tại Serbia.
Mặc dù Serbia là ứng cử viên chờ gia nhập EU chứ không phải là thành viên chính thức nhưng nước này đã được cấp quyền tiếp cận miễn thuế vào thị trường chung châu Âu cho hầu hết các sản phẩm của mình khi Serbia nỗ lực hướng tới việc gia nhập đầy đủ. Do đó, nỗ lực của Serbia nhằm thu hút đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô đã nhận được sự quan tâm ngày càng tăng.
Minth Automotive của Trung Quốc, công ty có nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô bằng nhôm ở Serbia, đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm sản xuất mới để sản xuất các bộ phận vỏ pin cho xe điện. Các công ty ô tô khác của Trung Quốc được thành lập tại nước này bao gồm Linglong Tyre, Mei Ta, Xingyu Automotive Lighting Systems và Yanfeng Automotive Interiors, đang cung cấp cho cả thị trường xe điện và xe hơi truyền thống của châu Âu.
Hiện các công ty Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực ô tô, khai thác mỏ và sản xuất kim loại của Serbia và ông Tập Cận Bình từng mô tả mối quan hệ này vững chắc như được “bọc sắt”.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Orban cũng nồng nhiệt đánh giá mối quan hệ song phương với Trung Quốc đang đạt đến “tầm cao chưa từng có”.