📞
Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội nghị thượng đỉnh Tương lai 2024

Giải pháp toàn cầu, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn

Đào Mai Anh 13:00 | 20/09/2024
Với lịch sử gần 80 năm hình thành và phát triển, Liên hợp quốc hiện là diễn đàn đa phương quan trọng hàng đầu để các quốc gia đối thoại, cùng thúc đẩy giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 10/9 tại New York. (Nguồn: UN)

Liên hợp quốc (LHQ) là tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới được thành lập ngày 24/10/1945 với 51 thành viên ban đầu. Hiện LHQ có 193 thành viên chính thức với nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế và làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế hướng đến các mục tiêu chung.

LHQ có trụ sở chính tại Manhattan, thành phố New York, Hoa Kỳ và các chi nhánh văn phòng khác nằm ở Geneva (Thuỵ Sỹ), Nairobi (Kenya), Vienna (Áo) và The Hague (Hà Lan).

Đại hội đồng Liên hợp quốc

LHQ gồm sáu cơ quan chính là Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng kinh tế xã hội, Hội đồng quản thác, Tòa án Công lý quốc tế và Ban thư ký LHQ. Trong đó, Đại hội đồng LHQ là cơ quan chủ chốt, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên, có chức năng đại biểu, thảo luận và xây dựng chính sách cho LHQ. Phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng được triệu tập vào ngày 10/1/1946 tại Hội trường Methodist Central Hall ở London, Vương quốc Anh với đại diện của 51 quốc gia. Ngày nay, Đại hội đồng họp thường niên dưới sự chủ trì của Chủ tịch hoặc Tổng thư ký LHQ tại tòa nhà Đại hội đồng trong trụ sở LHQ tại thành phố New York, Hoa Kỳ.

Nhiệm vụ chính của Đại hội đồng là quyết định ngân sách của LHQ, bầu các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, bầu Tổng thư ký LHQ. Đại hội đồng biểu quyết bằng cách bỏ phiếu và mỗi quốc gia thành viên đều bình đẳng với một phiếu bầu duy nhất. Hầu hết các vấn đề đều được Đại hội đồng quyết định theo đa số. Đối với một số vấn đề quan trọng (khuyến nghị về hòa bình và an ninh; ngân sách và việc bầu, kết nạp, đình chỉ hoặc trục xuất quốc gia thành viên) thì quyết định phải có hai phần ba số quốc gia thành viên có mặt biểu quyết tán thành.

Ngoại trừ các vấn đề ngân sách, bao gồm bảng tính mức đóng góp, nghị quyết của Đại hội đồng không có tính ràng buộc. Đại hội đồng có thể đưa ra khuyến nghị về mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của LHQ, ngoại trừ các vấn đề về hòa bình và an ninh thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bảo an. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng Đại hội đồng LHQ là cơ chế không thể thiếu và là con đường quan trọng hướng tới một tương lai hòa bình và bình đẳng cho tất cả mọi người.

Vào ngày 10/9, Đại hội đồng LHQ Khóa 79 đã khai mạc phiên họp toàn thể đầu tiên, dự kiến kéo dài đến ngày 30/9. Đại hội đồng LHQ khóa 79 được kỳ vọng đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới việc hoàn thành 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai

Một trong những sự kiện quan trọng nhất của LHQ trong năm 2024 là Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, diễn ra từ ngày 22-23/9 với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn”.

Đây là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về một loạt vấn đề cấp bách toàn cầu, tái khẳng định cam kết đối với các SDG và Hiến chương LHQ, đồng thời tăng cường hợp tác và đặt nền tảng cho một hệ thống đa phương với sinh lực mới. Hội nghị hướng tới sự ra đời của một Hiệp ước tương lai nhằm đẩy mạnh hợp tác toàn cầu và thích ứng với những thách thức một cách hiệu quả vì lợi ích của tất cả mọi người.

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các mục tiêu khí hậu, thống nhất các giải pháp cho các thách thức toàn cầu, củng cố quản trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng LHQ (24-30/9) với chủ đề bao trùm là “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện nay và mai sau” nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và củng cố chủ nghĩa đa phương trong đó LHQ có vị trí trung tâm, đưa ra các giải pháp toàn cầu, hướng tới xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai dự kiến thông qua các văn kiện định hướng hoạt động của hệ thống LHQ trong thời gian tới. Chuỗi văn kiện của Hội nghị được đánh giá là toàn diện nhất trong vòng gần 20 năm qua kể từ Hội nghị thượng đỉnh LHQ năm 2005, đề cập tất cả các lĩnh vực hợp tác tại LHQ từ phát triển, hòa bình an ninh, đến cả những lĩnh vực mới như hợp tác số, thanh niên và thế hệ tương lai.

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai không chỉ là sự kiện đa phương quan trọng hàng đầu của LHQ trong năm 2024 mà còn có ý nghĩa lịch sử đối với vai trò, sứ mệnh và hoạt động của LHQ trong thời gian tới. Vì vậy, quá trình chuẩn bị hội nghị kéo dài gần hai năm với chương trình nghị sự bao trùm và sâu rộng để lãnh đạo các quốc gia trao đổi và đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu, đề ra tầm nhìn chiến lược cho LHQ, định hướng phát triển tương lai, hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn cho nhân loại.

Hội nghị nhận được sự quan tâm lớn từ tất cả các quốc gia thành viên. Cho tới nay đã có hơn 150 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đăng ký tham dự và phát biểu trong các ngày diễn ra Hội nghị. Ngoài phiên họp toàn thể, bên lề Hội nghị còn có hàng trăm sự kiện do các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tổ chức nhằm hưởng ứng, lan tỏa chủ đề và thông điệp chính của Hội nghị.

Lời kêu gọi toàn cầu

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị do Tổng thống Namibia Nangolo Mbumba và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, hai nước đồng chủ trì tiến trình thương lượng các văn kiện của Hội nghị đề xướng được tổ chức ngày 12/9 dưới hình thức trực tuyến.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 79 Philemon Yang, cùng gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ đã gửi thông điệp, tạo động lực và cam kết chính trị ở cấp cao nhất trước thềm Hội nghị. Lãnh đạo các nước thành viên LHQ khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Hội nghị thượng đỉnh Tương lai và kỳ vọng hội nghị sẽ thống nhất về các giải pháp và hành động cụ thể nhằm củng cố hòa bình, hợp tác và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các SDG.

Phát biểu tại sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, các quốc gia thành viên đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng về ba thỏa thuận sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, đó là Hiệp ước vì tương lai, Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai.

Người đứng đầu LHQ kêu gọi các nước thành viên thúc đẩy mạnh mẽ các cải cách sâu sắc nhất và hành động có ý nghĩa nhất có thể. Ông nhấn mạnh, “những thách thức mà chúng ta phải đối mặt đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với khả năng giải quyết của chúng ta”. Đồng thời, Tổng thư ký LHQ khẳng định, “những thách thức của thế kỷ XXI đòi hỏi các cơ chế để giải quyết các vấn đề của thế kỷ XXI. Bởi thế, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là một bước quan trọng trong hành trình xây dựng chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ và hiệu quả hơn”.

Hưởng ứng sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gửi thông điệp ghi hình tới sự kiện. Thông điệp không chỉ thể hiện mong muốn của Việt Nam về việc Hội nghị mang đến tư duy và cách làm mới cho tương lai thế giới mà còn truyền tải các đề xuất của Việt Nam đối với các nội dung cần được đưa ra thảo luận và thống nhất tại Hội nghị.

Trong những năm qua, Việt Nam kiên trì và tích cực thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, chủ động tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Từ một quốc gia chưa có tên trên bản đồ thế giới, gánh chịu bao đau thương, mất mát và hậu quả nặng nề của chiến tranh, nghèo đói và lạc hậu, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ thành một quốc gia phát triển năng động, ổn định về chính trị - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống người dân, chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.

Đồng hành cùng LHQ tại khóa họp 79 của Đại hội đồng năm nay và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là cơ hội để Việt Nam tiếp tục chia sẻ quan điểm và giải pháp của mình đối với các vấn đề lớn toàn cầu và về vai trò của LHQ. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ Việt Nam đối với việc tham gia đóng góp vào đoàn kết quốc tế và hợp tác đa phương tại diễn đàn lớn nhất hành tinh này.