Đoàn đàm phán của VNDCCH tại phiên khai mạc hội nghị Paris, ngày 13/05/1968. |
Việt Nam đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris trong bối cảnh quốc tế vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn. Các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, bao gồm cả dư luận tiến bộ Mỹ, luôn phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Bên cạnh sự ủng hộ đó, Liên Xô và Trung Quốc cũng có những mối bận tâm riêng. Dư luận tiến bộ trên thế giới chủ yếu quan tâm đến hòa bình. Vì thế, từ khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, ném bom bắn phá miền Bắc, vấn đề đánh và đàm như thế nào luôn là tâm điểm thời sự và cũng đặt ra những thách thức lớn cho Đảng Lao động Việt Nam.
Đường lối không thể lay chuyển
Trước khi xác định quyết tâm đánh Mỹ, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có những bài học kinh nghiệm từ cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền sau Cách mạng tháng Tám 1945 và kháng chiến chống Pháp. Nhờ độc lập tự chủ, trực tiếp xử lý các vấn đề của mình, chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã vượt qua được thời kỳ có nhiều thù trong giặc ngoài, dành thời gian để xây dựng thực lực, chuẩn bị kháng chiến. Hội nghị Geneva năm 1954 là hội nghị quốc tế với sự tham gia của các nước lớn để giải quyết vấn đề Đông Dương, nên kết quả của hội nghị chủ yếu phản ánh sự thỏa hiệp giữa các nước lớn, mà không hoàn toàn như Việt Nam mong muốn.
Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam, ném bom, bắn phá miền Bắc, Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo nhân dân thực hiện “quyết tâm đánh Mỹ”. Đây là đường lối không thể lay chuyển. Lúc đó, sự giàu có về kinh tế, quân sự của Mỹ, trong chừng mực nào đó đã làm nảy sinh tâm lý “sợ Mỹ” trên thế giới. Nhiều ý kiến e ngại nhân dân Việt Nam sẽ không chịu nổi sức mạnh bạo tàn của bom đạn Mỹ. Trước khi Hội nghị Paris khai mạc, nhiều nước anh em, các nhà hoạt động của các phong trào hòa bình có thiện chí khuyên Việt Nam sớm thương lượng với Mỹ, nhưng Việt Nam chưa thể nói chuyện khi Mỹ còn ném bom bắn phá miền Bắc. Sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 của Việt Nam, Mỹ phải tuyên bố hạn chế ném bom miền Bắc (ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra) và sẵn sàng đàm phán, Việt Nam mới chấp nhận nói chuyện với Mỹ, mở đầu Hội nghị Paris.
Khi Hội nghị Paris chưa tiến triển để đi đến một giải pháp chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, từ tháng 04/1970, xuất hiện những dự định về một hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề Đông Dương, như đề nghị của Pháp, Liên Xô, Tổng thư ký Liên hợp quốc U Thant... Đề nghị đó đã bị Việt Nam bác bỏ.
Quang cảnh phòng họp lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Paris. |
Mỹ biết rõ, Liên Xô và Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam nhưng mỗi nước có mối quan tâm riêng: Liên Xô muốn phát triển quan hệ kinh tế với Mỹ, muốn duy trì xu hướng hòa hoãn Xô - Mỹ và tập trung vào các vấn đề châu Âu; Trung Quốc cần sự ủng hộ của Mỹ để có chỗ đứng ở Liên hợp quốc, giải quyết vấn đề Đài Loan và các vấn đề khác ở khu vực. Các mối quan tâm của Liên Xô và Trung Quốc chính là những con bài mà Mỹ nắm giữ, trong khi cái mà Mỹ cần là ngăn chặn Việt Nam đánh lớn và rút khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam bằng một hiệp định trên thế mạnh. Mặc dù là thành trì của chủ nghĩa xã hội, là nước viện trợ lớn cho nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ nhưng Liên Xô không muốn cuộc chiến tranh này ảnh hưởng đến tiến trình hòa hoãn Xô - Mỹ. Vì thế, trong suốt thời kỳ diễn ra Hội nghị Paris, Liên Xô trên thực tế nhiều lần làm trung gian truyền đạt ý kiến của Mỹ cho Việt Nam, nhưng cũng có hàm ý khuyên Việt Nam nhân nhượng theo quan điểm của Mỹ. Việc Mỹ sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam và mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc của chính quyền Nixon là cơ hội để Trung Quốc giải quyết vấn đề Đài Loan, xác lập địa vị của mình tại Liên hợp quốc. Trung Quốc từ chỗ khuyên Việt Nam chưa nên đàm phán với Mỹ, sau đó chuyển sang khuyên Việt Nam nên sớm đi vào giải pháp. Đó là những lý do để Tổng thống Nixon có hai chuyến đi Bắc Kinh (tháng 02/1972) và Moscow (tháng 05/1972).
Cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè năm 1972 của Việt Nam (từ 30/03/1972) sau khi Nixon thăm Trung Quốc, kéo dài cả sau khi Nixon thăm Liên Xô, cho thấy Việt Nam không phụ thuộc vào ý kiến từ bên ngoài, kể cả từ các nước đang viện trợ, đối với cuộc đấu tranh ngoại giao của mình. Nhờ giữ vững được độc lập tự chủ trong việc đề ra đường lối chiến lược, sách lược trong đàm phán trực tiếp với Mỹ mà Hiệp định Paris phản ánh đúng những kết quả của Việt Nam trên chiến trường, tạo ra thế tiến công mới cho cách mạng miền Nam, là bước thắng lợi quyết định dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH, Bộ trưởng Xuân Thủy, vẫy tay sau khi rời phòng đàm phán với đoàn Mỹ. |
Tự quyết, tự chịu trách nhiệm
Đảng ta luôn nhận thức rằng, cách mạng nước nào phải do chính nhân dân nước đó tự quyết định và đảng cộng sản của mỗi nước trước hết phải tự chịu trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc mình. Từ năm 1967, một trong ba phương châm đấu tranh ngoại giao được Đảng đề ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 là “Giữ vững tính độc lập, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em”. Mọi quyết định về thời điểm mở đầu và kết thúc, về mức độ và nội dung giải pháp của cuộc thương lượng đều là do Việt Nam đưa ra. Nếu Việt Nam lệ thuộc vào sức ép bên ngoài mà thương lượng với Mỹ khi quyết tâm xâm lược của họ đang cao với những luận điệu hòa bình giả hiệu, đòi Việt Nam thương lượng không điều kiện, thì Hội nghị Paris sẽ chỉ mang lại lợi thế cho Mỹ. Hoặc nếu Việt Nam chịu sức ép theo quan điểm không đàm mà chỉ đánh thì sẽ không tận dụng được thời cơ để đưa cuộc kháng chiến đi vào cục diện vừa đánh vừa đàm theo chủ trương của Đảng. Cách mạng miền Nam sẽ gặp khó khăn khi đấu tranh trên mặt trận quân sự không phối hợp được với mặt trận ngoại giao. Hay nếu Việt Nam chịu sức ép mà đi vào giải pháp sớm trước khi có đòn tiến công quân sự, đánh địch “đến mức độ” vào Xuân Hè 1972, thì cũng không thể ký được một hiệp định có lợi cho cách mạng miền Nam.
Chính quyền Mỹ tưởng rằng, trong cuộc thương lượng Paris, Việt Nam phải chịu sự chi phối của Liên Xô và Trung Quốc, nên họ đã chạy theo lô-gíc này trong suốt thời gian đàm phán với Việt Nam. Tuy nhiên, như J. Amter viết trong sách Lời phán quyết về Việt Nam: “Cả Bắc Việt Nam lẫn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đều không hề có bất kỳ ý định nào muốn số phận cuối cùng của họ được quyết định ở Bắc Kinh hoặc ở Moscow”.
TS. Lương Viết Sang, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. |
Tăng cường đoàn kết quốc tế
Việt Nam đã xử lý thành công mối quan hệ giữa giữ vững độc lập tự chủ trong đấu tranh ngoại giao với việc kiên trì đoàn kết quốc tế, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ to lớn của các nước anh em và các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Giữ vững độc lập tự chủ mà vẫn tăng cường đoàn kết quốc tế, từ đó có một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ
Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến tiến lên, làm cho thực lực của Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Giữ vững độc lập tự chủ trong việc đề ra đường lối không có nghĩa là bỏ qua mọi ý kiến của các đảng anh em, vì thực tế là nhân dân Việt Nam đang chiến đấu với sự viện trợ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc. Đảng Lao động Việt Nam đã tham khảo đúng mức ý kiến của các đảng anh em, tích cực khai thác những điểm đồng, thu hẹp bất đồng về mọi vấn đề. Do đó, cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris có nội dung không chỉ nằm trong khuôn khổ của một cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh mà còn là một cuộc vận động ngoại giao rộng lớn, với mục đích tạo dựng một hậu phương quốc tế vững chắc chống Mỹ. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Việt Nam vừa có thể độc lập tự chủ trong đấu tranh ngoại giao với Mỹ, lại vừa tranh thủ được sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng tiến bộ trên thế giới trong hoàn cảnh phức tạp lúc bấy giờ.