Trung Quốc và Ấn Độ đã từ chối lời đề nghị làm trung gian hòa giải của Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Lời "ngỏ" không được hoan nghênh
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 20/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng cuộc đối đầu biên giới Trung-Ấn là “một cục diện rất gian nan”, đồng thời cam kết Mỹ sẽ làm hết sức để giúp hai nước đối thoại. Giới học giả cho rằng, ông Trump muốn tranh thủ mâu thuẫn Trung-Ấn để làm cho Ấn Độ ngả về phía Mỹ, nhưng cũng có nhiều người đặt câu hỏi: Liệu Ấn Độ có điều chỉnh chính sách đối ngoại hay không?
Kể từ cuộc đối đầu Trung-Ấn tại khu vực biên giới giữa hai nước hồi đầu tháng 5/2020, ông Trump đã nhiều lần bày tỏ thái độ. Ngày 27/5, ông viết trên trang cá nhân Twitter rằng Mỹ “sẵn sàng và có khả năng” làm trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng khi đó, cả hai nước này đều từ chối.
Khi tham dự hội nghị trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ ở Copenhagen (Đan Mạch) ngày 19/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích Trung Quốc vì làm gia tăng căng thẳng ở biên giới với Ấn Độ. Trước đó, ngày 18/6, ông Pompeo cũng lên tiếng chia buồn về cái chết của những binh sĩ Ấn Độ trong cuộc đụng độ với binh lính Trung Quốc ở biên giới trước đó.
Phó Giáo sư Lý Minh Giang của Học viện Quan hệ Quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore) cho rằng Mỹ lần này hiển nhiên lựa chọn đứng về phía Ấn Độ, “tranh thủ mọi cơ hội để chỉ trích và gây sức ép đối với Trung Quốc”. Theo ông Lý Minh Giang, từ chiến lược “quay trở lại châu Á”, “tái cân bằng châu Á” thời kỳ cựu Tổng thống Barack Obama cho đến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, Mỹ đều hy vọng Ấn Độ từ bỏ chính sách ngoại giao trung lập, thế nhưng dường như Ấn Độ vẫn chưa từng dựa hoàn toàn vào Mỹ.
Trong bối cảnh xung đột Trung-Ấn, ông phân tích: “Mỹ tin rằng đây là một cơ hội tốt và không cần nhiều nỗ lực để vận động Ấn Độ, Ấn Độ cũng tự nhiên sẽ có điều chỉnh để gần gũi hơn với Mỹ, ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Mỹ muốn tranh thủ mâu thuẫn Trung-Ấn để kéo Ấn Độ về gần hơn phía mình. (Nguồn: AP) |
Mâu thuẫn chưa đủ lớn
Trương Gia Đống, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nam Á thuộc trường Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), cho rằng không có gì ngạc nhiên khi Mỹ muốn tranh thủ xung đột Trung-Ấn. Tuy nhiên, ông cho rằng với tư cách là một nước lớn trên thế giới, chiến lược ngoại giao của Ấn Độ khá ổn định và sẽ không thay đổi chỉ vì xung đột mang tính ngẫu nhiên ở Thung lũng Galwan để ngả về phía Mỹ.
Cả hai chuyên gia Lý Minh Giang và Trương Gia Đống đều cho rằng cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan là một tai nạn, chứ không phải là “khắc họa mang tính biểu tượng” về sự xấu đi trong quan hệ Trung-Ấn, đồng thời tin rằng nếu có động thủ, binh lính hai nước sẽ thận trọng hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đợt đối đầu biên giới Trung-Ấn lần này được dự báo sẽ không sớm kết thúc bởi khu vực cao nguyên giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang vào mùa hè, việc quân đội hai nước đối đầu trong hơn 2 tháng cũng không phải là vấn đề lớn, không có yếu tố khách quan cần phải chấm dứt xung đột ngay lập tức.
Trong khi đó, ông Lý Minh Giang cho rằng biên giới Trung-Ấn sẽ tiếp tục căng thẳng, nhưng ít có khả năng sẽ xảy ra một cuộc xung đột lớn khác và hai bên dự kiến sẽ thảo luận thêm để kiềm chế hơn nữa lực lượng biên phòng ở tiền tuyến, trước mắt ổn định khu vực biên giới.
Về khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Modi điện đàm về tình trạng đối đầu hiện nay, ông Lý Minh Giang phân tích: “Khả năng liên lạc trực tiếp giữa nguyên thủ hai nước là rất thấp, đặc biệt là về phía Ấn Độ, ông Modi sẽ không có ý định như vậy”.
Ông Trương Gia Đống cũng đồng tình với ý kiến trên khi nói rằng "điện đàm giữa ông Cập Cận Bình và ông Modi thời điểm này là chưa cần thiết... ông Modi và đảng cầm quyền tạm thời vẫn chưa tìm được cơ hội thuận lợi để dàn xếp ổn thỏa”.