TIN LIÊN QUAN | |
“Đất nước trông đợi ở các Giáo sư, Phó Giáo sư" | |
Để không bị tụt hậu thì phải giỏi tiếng Anh? |
Đó là chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhung (Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) với TG&VN.
Thưa Giáo sư, được biết ở Israel có trường tên là Israel Arts and Science Academy (IASA). Học sinh trường này thường phải tự học, tự nghiên cứu, khi không hiểu mới hỏi thầy giáo. Lớp 10 và lớp 11 đã học chương trình như đại học. Điều đáng nói các học sinh trong trường đều đang theo đuổi dự án riêng của mình. Có nhiều học sinh lớp 12 đã được đăng bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học rồi. Học sinh được tự do diễn thuyết, phản biện còn thầy cô chăm chú lắng nghe. Giáo sư có nghĩ rằng đó là mô hình giáo dục mà nước ta nên học tập?
Gia đình, nhà trường và xã hội tạo nền tảng giáo dục cho một đứa trẻ, tạm gọi là tam giác giáo dục. Tuy nhiên để thành người thì đứa trẻ phải có khả năng tự học, tự thẩm thấu và hoàn thiện mình. Khả năng tự học này được biểu diễn bởi đỉnh của tứ diện (giáo dục), nó nằm ở bên trên đáy của tam giác giáo dục. Thể tích của tứ diện giáo dục biểu thị khả năng tự học. Người không có khả năng tự học thì đỉnh tự học nằm ở đáy và thể tích bằng không.
Israel là đất nước đặc biệt và thông minh. Những người có nguồn gốc từ đây nhận rất nhiều giải Nobel trên thế giới. Mô hình giáo dục của họ rất hay, xem khả năng tự học tập, tự vươn lên của học sinh, sinh viên là quan trọng, là mấu chốt. Nhưng không phải học sinh, sinh viên nào cũng làm được việc đó. Tôi nghĩ trong 100 người nhiều lắm là 10 người, nếu không muốn nói là 5 hay là 1 người làm được xuất sắc việc đó thôi. Thực chất đây là mô hình đào tạo người tài, đào tạo những lãnh đạo cho tương lai rất toàn diện. Nhưng đầu vào rất cao, việc dạy dỗ và tổ chức phải rất giỏi, rất khoa học, rất giáo dục.
Tuy nhiên, cũng đừng nghĩ rằng Việt Nam chưa thử nghiệm một mô hình tương tự. Năm 1965, khi cuộc chiến tranh đang khốc liệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ủng hộ đề xuất của GS Hoàng Tụy, GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Cảnh Toàn và GS Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cho mở lớp chuyên Toán phổ thông đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lớp Ao khóa I tại trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐHQGHN).
Mô hình đó và hệ thống trường chuyên của ta hiện nay phần nào giống Israel nhưng giáo dục Israel toàn diện, tổng hợp hơn và nhiều tiền hơn gấp bội. Còn ta vẫn chủ yếu tập trung vào toán và các môn khoa học tự nhiên, xã hội, ngoại ngữ, nghệ thuật, thể dục thể thao…
Nói đúng hơn là chúng ta chưa đào tạo một cách toàn diện và chưa chú ý nhiều đến xây dựng kỹ năng sống của công dân toàn cầu hóa. Israel có mục đích sâu và xa hơn, đó là đào tạo một lớp những người trẻ tuổi và tài ba để trở thành những nhà khoa học, giáo dục và lãnh đạo tương lai xuất sắc cho quốc gia Do Thái.
Theo tôi, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cần phải học hỏi mô hình giáo dục của nước này. Vấn đề có học được hay không và học được bao nhiêu lại là một chuyện khác.
Giáo sư, TSKH Trần Văn Nhung. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
Khi mà chúng ta vẫn còn mải miết theo đuổi nền giáo dục điểm số, thi đua, thành tích thì nhiều nền giáo dục trên thế giới lại đánh giá “nết ăn nết ở” của từng học sinh. Họ chú trọng nhiều đến tính cách, đạo đức, cách cư xử của học sinh, đó mới ăn điểm chứ không phải giải được bao nhiêu bài toán, viết được bao nhiêu bài văn. Nhìn lại và đối chiếu với phương pháp giáo dục của nước ta thì ông có suy nghĩ gì?
Thế giới văn minh hiện nay rất chú ý đến việc đào tạo thế hệ trẻ một cách toàn diện. Ngay từ ngày xưa, cha ông và Bác Hồ luôn xem trọng sự hài hòa của “trí, đức, thể, mỹ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói từ năm 1949 và UNESCO đã khuyến cáo giáo dục toàn thế giới trong thế kỷ XXI: “Học để có kiến thức, học để ra làm việc, học để chung sống với nhau và học để làm người”.
Như vậy, mục đích của giáo dục hiện đại là tạo ra thế hệ mới phát triển toàn diện, hài hòa, có đạo đức, đậm nét nhân văn cội nguồn, biết cư xử và có kỹ năng sống của công dân toàn cầu hóa.
Nhiều lần, khi nói chuyện với học sinh, sinh viên và thanh niên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (và trước đây là nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân) luôn nhấn mạnh: Thế hệ trẻ Việt Nam cần phải học tập, tu dưỡng và phấn đấu để trở thành những công dân toàn cầu, có thể chung sống, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả được với cả thế giới. Chúng ta cần ghi nhớ công thức thời đại ngày nay: Tiếng Anh + Công nghệ thông tin + bộ óc tốt = tất cả.
Thực tế, cái đích của nhà trường không phải là giải thưởng mà phải hướng đến việc trẻ đam mê học, đam mê nghiên cứu và hứng thú khám phá. Còn giáo viên thì phải làm sao để học sinh tự đứng trên đôi chân mình, hiểu mình muốn gì, biết được thế mạnh và điểm yếu của mình. Đó mới là giáo dục thành công. Ý kiến của Giáo sư?
Đúng như vậy. William A.Ward đã nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.
Sứ mệnh cao cả của giáo dục không phải chỉ là A+B = C mà thầy phải truyền cho các em ngọn lửa đam mê, thầy dạy 1 nhưng trò học 10. Chất men say mê khoa học sẽ theo suốt cuộc đời học trò. Vì thế, người thầy giỏi và một nền giáo dục đúng nghĩa phải truyền ngọn lửa đam mê cho học trò và thế hệ trẻ.
Trẻ em ở các nước được “hành” nhiều hơn học, được học các kỹ năng ứng phó với thất bại, hiểm nguy, được học cách ứng xử, đạo đức thì trẻ nước ta lại phải học ngày học đêm, học thêm. Để trẻ được tự nguyện lựa chọn chứ không phải học và thi theo ý bố mẹ, dạy chuyên môn hay dạy làm người luôn là niềm trăn trở của phụ huynh. Đến bao giờ thì tình trạng này mới chấm dứt, thưa Giáo sư?
Có câu ngạn ngữ về học và hành mà tôi rất tâm đắc: “Cái tôi nghe rồi tôi sẽ quên, cái tôi đọc rồi tôi sẽ nhớ, cái tôi làm rồi tôi sẽ hiểu”.
Thứ nhất, thầy dạy gì thì dạy, nhưng học trò tự học là quan trọng, đó là nguyên tắc tối thượng. Thứ hai, chúng ta phải lấy quan điểm hội nhập quốc tế, học theo mô hình tiên tiến của các nước. Trong bài thơ Thú nhàn, Cao Bá Quát (1809-1855) đã tiên đoán về toàn cầu hóa: “Kho trời chung, mà vô tận của mình riêng".
Theo tôi, lúc này cần phải thay đổi, phát huy và hiện đại hóa vai trò và sự kết hợp của cả bốn yếu tố, bốn đỉnh của tứ diện giáo dục: Gia đình, nhà trường, xã hội và tự học.
Giáo sư có thể kể một số mô hình giáo dục tiên tiên trên thế giới mà chúng ta nên học tập? Thực tế thì học sinh trên thế giới đang học cái gì và học như thế nào, thưa ông?
Tôi nghĩ ngay tại châu Á cũng có hai mô hình giáo dục tiên tiến mà chúng ta nên học tập như Singapore và Hàn Quốc.
Ngay khi mới lập nước, năm 1965, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã dùng sách giáo khoa phổ thông về khoa học tự nhiên, công nghệ của nước Anh cho Singapore, kiên quyết đưa tiếng Anh vào nhà trường và xã hội. Sau này, các trường Đại học của Singapore cũng sử dụng luôn sách giáo khoa của các Đại học hàng đầu Mỹ, Anh, dạy và học bằng tiếng Anh, thi cử lấy bằng cấp quốc tế luôn.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Thầy giáo nơi đảo xa: 'Nơi đây tôi thấy như chính nhà mình' 7 năm công tác ở một trường ngoài đảo, thầy giáo Lê Bá Giáp chia sẻ với TG&VN rằng: “sự chân chất ngây thơ, hồn ... |
Trăn trở với “sản phẩm” đào tạo sư phạm 34 tuổi, là một trong ba Phó Giáo sư (PGS) trẻ nhất nước năm 2016, với Nguyễn Danh Nam, “đây chỉ là điểm khởi đầu ... |
GS Nguyễn Lân Dũng: 'Hãy xem thế giới đang dạy gì cho trẻ?' “Hãy xem thế giới người ta đang dạy những gì và vì sao trẻ em Việt Nam không được học một cách nhẹ nhàng nhưng ... |