📞

Hiện thực hoá tiềm năng

10:13 | 03/07/2012
Trong đánh giá về quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa một số quốc gia, chúng ta thường bắt gặp cụm từ "Hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng". Tại sao lại như vậy, phải chăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai đối tác còn nhiều hạn chế; phải chăng còn thiếu những biện pháp đồng bộ, từ luật pháp, chính sách đến triển khai thực hiện hay sự tham gia chưa tích cực của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, cũng như của các quan chức chính phủ và doanh nhân? phải làm gì và làm thế nào để sự hợp tác có thể "tương xứng" với tiềm năng? Chắc rằng có rất nhiều việc phải làm, song có lẽ việc đầu tiên cần làm là trao đổi thông tin hai chiều và đa chiều giữa các chủ thể tham gia hợp tác.

Sáng kiến tổ chức diễn đàn là một trong những biện pháp tích cực để thực hiện mục tiêu đó. Diễn đàn sẽ là một cơ hội tốt để các quan chức, các nhà ngoại giao và doanh nhân gặp gỡ, trao đổi thông tin tìm hiểu khả năng của mỗi bên, thiết lập quan hệ đối tác, tìm giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại-đầu tư, nhằm mục tiêu biến tiềm năng, cơ hội trở thành hiện thực.

Nhân dịp Diễn đàn Việt Nam – Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, với mong muốn được góp phần nhỏ bé vào sự kiện quan trọng này, địa bàn Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela xin chia sẻ đôi nét về một số tiềm năng của Venezuela và sự hợp tác Việt Nam-Venezuela.

Về tiềm năng dầu mỏ, theo công bố của Chính phủ Venezuela thì hiện nay Venezuela là nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới với 296,5 tỷ thùng (Viện địa chất Hoa Kỳ còn ước tính tới 513 tỷ thùng), vượt trữ lượng 264 tỷ thùng của Ả rập Xê-út, đồng thời là nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất Mỹ La-tinh, xếp hàng thứ 6 thế giới. Bên cạnh các khoáng sản quan trọng mà Venezuela sở hữu được biết đến như vàng, bạc, bô xít, than đá, quặng sắt, kim cương, kẽm…, một hợp chất quí hiếm nữa có tên là "coltán", dùng làm nguyên liệu để từ đó sản xuất các linh kiện cho máy tính, điện thoại di động…. cũng mới được phát hiện trên nền đất Venezuela.

Venezuela cũng là nơi có tiềm năng thương mại lớn do nhu cầu nhập khẩu nhiều chủng loại hàng hóa. Hàng năm, Venezuela nhập khẩu trên 55% sản phẩm lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước như ngô, lúa mì, đường và mía đường, đậu tương, đậu đen, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, sữa và các sản phẩm sữa, hải sản, gạo, hoa quả ôn đới. Ngoài ra, máy móc, thiết bị công nghệ, hàng điện tử, điện lạnh cũng là những mặt hàng thuộc diện nhập khẩu.

Về mặt chính sách, Đề án Quốc gia Simón Bolivar giai đoạn 2007-2013 của Chính phủ Venezuela đã đề ra đường lối đối ngoại chung, với nội dung đa phương, đa dạng hóa quan hệ và cụ thể hóa chính sách đối ngoại đối với Việt Nam và các nước xung quanh…

Trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau về tiềm năng và chính sách của mỗi nước, với nỗ lực và quyết tâm to lớn, Việt Nam và Venezuela đã triển khai quan hệ hợp tác song phương và đã đạt được những kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực: Hai nước đã thành lập Liên doanh Petromacareo, khai thác và nâng cấp dầu nặng tại Lô Junin 2 thuộc Dải dầu Orinoco, với thời gian hoạt động là 25 năm và có thể gia hạn thêm 15 năm nữa, nhằm mục tiêu sản xuất trước mắt 20.000 thùng dầu/ngày vào tháng 12/2012, 50.000 thùng dầu ngày vào năm 2014 và 200.000 thùng dầu/ngày vào năm 2016; trong lĩnh vực năng lượng điện, Việt Nam hợp tác với Venezuela thành lập Liên doanh Nhà máy đèn tiết kiệm điện Viet-Ven, triển khai hệ thống chiếu sáng công cộng trên các trục giao thông và khu dân cư chính ở Venezuela; trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, Việt Nam thực hiện các dự án trồng lúa, nuôi tôm-cá và trồng cao su tại Venezuela; Việt Nam cũng tham gia trong các lĩnh vực xây dựng, cung cấp dịch vụ viễn thông và phần mềm công nghệ cho các đối tác Venezuela.

Trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam xuất sang Venezuela một số mặt hàng như nguyên vật liệu (vật liệu xây dựng, cao su và các chế phẩm, chất tẩy rửa, hóa chất, nhựa và các sản phẩm nhựa…); hàng tiêu dùng (hàng dệt may, sản phẩm điện tử, sản phẩm cơ khí, dụng cụ cầm tay, máy in và linh kiện, cà phê hạt, bánh kẹo, ấn phẩm văn hóa, bàn ghế văn phòng…), đồ gia dụng và các hàng hóa khác. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê và Hải quan Venezuela năm 2011, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Venezuela ở mức 48,93 triệu USD.

Là thành viên tích cực trong nhiều tổ chức khu vực ALBA, UNASUR, PetroCaribe…, Venezuela sẽ có thể đóng vai trò đầu cầu quan trọng để giúp Việt Nam đi vào khu vực Mỹ La-tinh trong mối quan hệ hợp tác đa phương. Phát triển quan hệ hợp tác với Venezuela và Mỹ Latinh, Việt Nam có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ các mặt mạnh về kinh tế trên các lĩnh vực công-nông nghiệp, thuỷ điện, cơ khí chế tạo, chế biến nông sản; tranh thủ kỹ thuật công nghệ phù hợp trong chế biến thực phẩm, rau quả tươi, xây dựng đường sá, đóng tàu hỏa, tàu biển, khai thác dầu trên biển… nhằm phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Với những thông tin trên và với nhiều diễn đàn quan trọng khác đang và sẽ diễn ra trên thế giới (tại địa bàn có sự kiện Colombia đăng cai các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh FEALAC/FOCALAE vào tháng 10/2012 tới), có thể tái khẳng định Diễn đàn là một hình thức rất hiệu quả, đang được áp dụng phổ biến rộng rãi nhờ hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy hợp tác của nó, nhằm biến tiềm năng thành hiện thực.

Thông qua kết quả của Diễn đàn lần này, triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ La-tinh chắc chắn sẽ mở ra những trang mới. Có thể lạc quan tin tưởng rằng hiện giữa Việt Nam với Venezuela đang hội tụ các điều kiện quan trọng để phát triển quan hệ đối tác thương mại-đầu tư năng động nói riêng và với Mỹ Latinh nói chung, góp phần xây dựng nền tảng cho mối quan hệ hợp tác ổn định, bền vững và lâu dài trong tương lai.

Ông TÔ NGỌC THẠCHTham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela