Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam họp ở Việt Bắc, tháng 2/1951. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người nâng tầm, đưa hình ảnh cây tre thành lý luận, thành trường phái để đặt tên cho nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, bản lĩnh, kiên định trước mọi thử thách, khó khăn”.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy tiến trình đàm phán Hiệp định Geneva hội tụ đủ những tính chất, tinh thần của triết lý đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, đó là, kiên định trước mọi thử thách, kiên định về chủ trương nhưng linh hoạt, khôn khéo trong sách lược.
Tham gia đàm phán Hiệp định Geneva, chính phủ Việt Nam DCCH và phái đoàn tại Hội nghị đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do tính phức tạp của cục diện thế giới lúc đó và đặc biệt là tính đan xen lợi ích, quá trình lợi dụng và thỏa hiệp lẫn nhau giữa các nước
Giữ vững nguyên tắc đàm phán
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng với sự nhạy bén, sáng suốt trong xử lý, Việt Nam đã kiên định nguyên tắc trong Hiệp định Geneva là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; quân đội nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam; công việc của Việt Nam phải do chính nhân dân Việt Nam tự quyết định.
Ta đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong quá trình đàm phán, kiên trì mục tiêu chiến lược, biết nhân nhượng có nguyên tắc để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. Lập trường đàm phán của Việt Nam được nêu rõ trong bài phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tờ báo Expressen Thụy Điển ngày 26/10/1953: “Sẵn sàng đàm phán nếu Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình…”; “Cơ sở của đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”. Phương thức đàm phán là “thương lượng đình chiến chủ yếu… giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp”[1]. Về thời điểm đàm phán, ngày 1/5/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quán triệt: “Ta không đánh giá quá cao Hội nghị Geneva nhưng không bỏ lỡ cơ hội, phải tranh thủ làm cho Hội nghị Geneva bắt đầu để đi đến những các cuộc gặp khác”.
Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã trình bày lập trường tám điểm đòi Pháp phải công nhận chủ quyền, độc lập của Việt Nam trên khắp lãnh thổ Việt Nam và chủ quyền, độc lập của hai nước Lào và Campuchia[2].
Hiệp định Geneva đã giải quyết vấn đề Đông Dương theo đúng lập trường của Việt Nam DCCH là: Kiến lập hòa bình trên cơ sở tôn trọng quyền thống nhất, độc lập, dân chủ của ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia.
Nơi ở của đoàn đại biểu Việt Nam DCCH trong thời gian đdự hội nghị tại Geneva, năm 1954. |
Mềm dẻo, linh hoạt theo các điều kiện quốc tế
Trên cơ sở nắm bắt lập trường, ý đồ chiến lược của các nước lớn, Việt Nam đã xử lý mềm dẻo thông qua tiếp xúc, trao đổi thương lượng song phương hoặc đa phương trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Geneva.
Từ ngày 20/6/1954 trở đi đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, tác động lớn đến chiều hướng vận động của Hội nghị Geneva.
Trong các cuộc tiếp xúc, Việt Nam đã kiên trì lập trường về vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia, chủ trương đòi phải có đại biểu của Chính phủ Lào kháng chiến và Chính phủ Campuchia kháng chiến tham dự như các bên đàm phán, định giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam là vĩ tuyến 13, tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn sáu tháng để thống nhất nước nhà. Trong 10 ngày cuối của quá trình đàm phán tại Hội nghị Geneva, từ ngày 10 đến ngày 20/7/1954, hàng loạt vấn đề đặt ra phải thương lượng để đi đến các giải pháp cụ thể. Việt Nam đã tiến hành đàm phán song phương và đa phương với các đoàn Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Anh và đại diện Thủ tướng Ấn Độ.
Nhìn chung, mỗi bên tham gia đều có cái tối thiểu cần đạt được. Kết quả cuối cùng được thể hiện trong Hiệp định Geneva so với giải pháp tám điểm mà ban đầu Việt Nam đưa ra có khoảng cách đáng kể nhưng đây là những khoảng cách và hạn chế không thể tránh khỏi trong thời điểm lịch sử cụ thể. Mỗi lần nhân nhượng, thỏa hiệp Đảng ta đều cân nhắc kỹ, luôn thực hiện phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, luôn giữ đúng mục tiêu.
Nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đòi nhà cầm quyền Pháp chấm dứt chiến tranh, năm 1954. |
Kết hợp sức mạnh
Hiệp định Geneva được ký kết thể hiện sự ủng hộ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp dành cho nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh kênh ngoại giao chính thức, ngoại giao nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối Việt Nam vận dụng triển khai rất hiệu quả, góp phần quan trọng trong chiến thắng của ta tại bàn đàm phán Hiệp định Geneva. Sự ủng hộ của nhân dân Pháp dành cho Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam là nhân tố vô cùng quan trọng.
Các tổ chức nhân dân ta như Hội Phụ nữ, Tổng Liên đoàn Lao động đã cử các đoàn đại biểu tham dự các hội nghị, diễn đàn phụ nữ, công đoàn quốc tế để kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, giúp nhân dân Pháp nhận ra rằng, dân tộc Việt Nam sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chính nghĩa để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc mình cũng giống như dân tộc Pháp trong cuộc chiến tranh chống phát-xít Đức trước đó.
Các tổ chức chính trị - xã hội của nước Pháp như Tổng Công đoàn, Liên đoàn Phụ nữ, Liên đoàn Thanh niên có nhiều hình thức đấu tranh khác nhau rất sáng tạo, như lấy chữ ký đòi hòa bình ở Việt Nam để trao cho các ủy viên Hội đồng thành phố, các nghị sĩ, bộ trưởng, tổng thống…; tiến hành mít-tinh, biểu tình trên khắp nước Pháp, nhất là tại các thành phố lớn; tổ chức những buổi họp mặt mang tên “Vì Việt Nam”… Người lao động tại nhiều nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi như Angeria, Morocco, Tunisia, Madagascar… đã tích cực ủng hộ và chi viện cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam bằng nhiều hình thức.
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng (trái) tiễn Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Nam Nhật tại sân bay Geneva, Thụy Sỹ, năm 1954. |
Công nhân các bến cảng ở Bắc Phi tổ chức đình công không chuyển vũ khí xuống tàu sang Việt Nam. Tại các nước Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar và một số nước tư bản như Tây Đức, Áo, Australia… đã dấy lên mạnh mẽ phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa và rất anh dũng của nhân dân Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế như Liên hiệp Công đoàn thế giới, Hội đồng Hòa bình thế giới… đã ra các nghị quyết cực lực lên án thực dân Pháp xâm lược và đòi chấm dứt ngay cuộc chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Thắng lợi của Hiệp định Geneva đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì những mục tiêu lớn của thời đại, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ của quốc tế đối với hoạt động đối ngoại của Việt Nam và là động lực mạnh mẽ cho đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam sau này.
Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm |
Hiệp định Geneva đã mang lại nhiều bài học quý báu về ngoại giao, đó là, phải đánh giá chính xác tình hình thế giới, nhất là chiến lược của các nước lớn, đồng thời tìm ra đối sách phù hợp trong từng thời điểm, cho từng vấn đề, bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc. Ngoại giao phát huy vai trò và công dụng trên nền tảng sức mạnh tổng hợp của đất nước; trong đàm phán đối ngoại cần giữ vững nguyên tắc và có thể nhân nhượng theo phương châm dĩ bất biến ứng vạn biến, trong đó hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ là bất biến.
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Geneva được ký kết, triết lý đối ngoại, ngoại giao cây tre đã và đang được vận dụng một cách sáng tạo dựa trên điều kiện đặc thù của bối cảnh địa chính trị và được lãnh đạo các đảng chính trị, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.
Đề cập triết lý ngoại giao cây tre Việt Nam trong thời đại ngày nay, ông Amiad Horowitz, Ủy viên Ban Quốc tế, Ủy viên Ban hòa bình và Đoàn kết Đảng Cộng sản Mỹ đánh giá: “Trường phái ngoại giao mang “bản sắc cây tre Việt Nam” của Việt Nam cung cấp mô hình tốt hơn cho các quốc gia trên thế giới, một mô hình vừa không gây ra tổn hại đến sức mạnh và nguyên tắc của ngoại giao, vừa có tính linh hoạt và tiếp tục theo đuổi hòa bình. Các nhà ngoại giao và những cường quốc trên thế giới phải học cách tiếp cận độc đáo của Việt Nam để có được nhiều bài học áp dụng cho các tình huống cụ thể để có một tương lai hòa bình hơn”.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.168-169.
[2] Ngày 10/4/1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong báo cáo trước Quốc hội về chủ trương và phương án đấu tranh của ta tại Hội nghị Geneva đã nhấn mạnh: “Lập trường của nhân dân và Chính phủ Việt Nam DCCH về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương là: Hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ”.
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam "...Hiệp định Geneva là một cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được Đảng ta kế ... |
| Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, ... |
| Hiệp định Geneva: thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam và những bài học còn vẹn nguyên giá trị Cách đây 68 năm, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký ... |
| Ngoại giao hoà mục, hòa hiếu trong dựng nước và giữ nước (kỳ 1) Hòa mục, hòa hiếu luôn là một bản sắc xuyên suốt trong các hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ thời đại phong kiến ... |
| 70 năm Hiệp định Geneva: Nghệ thuật chiến thắng từng bước Hội nghị Geneva 1954 về Đông Dương khẳng định đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng, biết dừng, biết tiến và tiến vững chắc ... |