Trao đổi với Tiền Phong về loại “thần dược” mới có thể giúp biến quả xanh thành chín chỉ qua một đêm tại làng Thu Quế, huyện Đan Phượng, Hà Nội, TS Lê Thị Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết hiện chưa có tổ chức, cá nhân, cơ quan nào đăng ký sử dụng Ethrel với mục đích bảo quản.
Cũng theo TS Oanh, Ethrel có chứa hoạt chất giúp chuyển tinh bột sang đường khiến cho củ, quả ngọt hơn. Ngoài ra độ nóng của Ethrel sẽ giúp củ, quả từ xanh ương chuyển sang chín đều rất nhanh và có mẫu mã bên ngoài rất bắt mắt.
“Theo chúng tôi được biết loại chất này chỉ được phép sử dụng đối với cây công nghiệp, loại không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chính vì vậy mọi hình thức sử dụng Ethrel trong dấm, thúc chín hoa quả như cách người dân ở làng Thu Quế đang làm rất dễ gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Hiện ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về việc sử dụng chất này trong bảo quản sẽ gây tác hại thế nào.
Việc quét chất này trên hoa quả sẽ có dư lượng và ảnh hưởng thế nào đối với sức khỏe con người thì cần phải nghiên cứu”- Đại diện Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc cho biết.
Liên quan đến việc sử dụng Ethrel trong dấm, thúc củ quả chín sớm, một nhà khoa học cũng thừa nhận nếu phun hoặc nhúng củ, quả vào hóa chất này thì dư lượng thuốc còn tồn trong củ, quả dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, Ethrel tác dụng với thành phần Nitrat trong quả sẽ tạo ra Etylenglycol dinitrat - một chất rất độc.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nếu dùng Ethrel với một lượng rất ít thì không gây độc hại, song một số nước (như Thái Lan) đã cấm sử dụng chất này vì khi dùng Ethrel mà để nước mưa thấm vào thì chúng sẽ chuyển hóa thành axit, ăn vào sẽ gây thủng dạ dày (nếu phun quá liều sẽ làm thối quả).
Về phần mình, ông Trịnh Công Toản, Chánh thanh tra Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục đang cho tiến hành làm xét nghiệm tìm xem loại thuốc này bao gồm những chất gì và gây độc hại thế nào khi sử dụng. Bên cạnh việc phân tích chất Ethrel, Cục cũng sẽ chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, tịch thu toàn bộ nếu phát hiện.
l Liên quan đến chất lượng rau Trung Quốc đang lưu hành trên thị trường, ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo triển khai chặt chẽ công tác kiểm dịch rau quả nhập khẩu qua biên giới và báo cáo bộ trưởng về việc kiểm tra, phân tích vệ sinh an toàn thực phẩm đối với rau quả nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật sớm triển khai các thủ tục để thực hiện hiệp định với Trung Quốc về kiểm dịch thực vật qua biên giới giữa 2 nước.
Được biết, trong tuần qua, để kiểm soát dư lượng trong rau Trung Quốc được bày bán trên thị trường nội địa, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra và thu thập các mẫu rau ở các chợ đầu mối nông sản của Hà Nội và Lạng Sơn để phân tích.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết Cục đang tiến hành khẩn trương phân tích các mẫu rau trên để nhanh chóng đưa ra kết quả. Về phần mình bà Lê Thị Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm khảo nghiệm và kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc cũng cho biết: “Do mình không biết họ sử dụng những hoạt chất gì nên việc phân tích rất mất thời gian, chúng tôi phải phân tích nhiều chỉ tiêu trên một mẫu rau, vì vậy rất mất thời gian”.
Dự kiến, phải cuối tuần này mới có kết quả phân tích, kiểm định về dư lượng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả có nguồn gốc Trung Quốc.
Theo Tiền Phong