Ảnh minh hoạ |
Tiềm năng kinh tế khu vực Mỹ Latinh
Khu vực Mỹ Latinh là nơi có nguồn tài nguyên, khoáng sản quý hiếm chiếm trữ lượng lớn như dầu lửa, bạc, đồng, than đá, niken, bô xít, thiếc, sắt, khí đốt, uranium... Mỹ Latinh là một khu vực có sự liên kết kinh tế rộng rãi với nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương giữa các nước trong khu vực và ngoài khu vực được ký kết như: Mercosur, Cộng đồng Andean, Cộng đồng Caribê (Caricom), Chile-Mercosur, Bolivia-Mercosur, Thị trường chung Trung Mỹ (CACM), và các hiệp định khác.
Các nước Mỹ Latinh có đặc điểm chung là lấy phát triển kinh tế, công nghiệp hóa làm nhiệm vụ trọng tâm, coi xuất khẩu là động lực, đồng thời củng cố và thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong nước.
Trong những năm gần đây khu vực Mỹ Latinh đang trở thành điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Bằng các chính sách phù hợp, các quốc gia Mỹ Latinh đã nhanh chóng vượt qua ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 mang lại sự phát triển mạnh mẽ với tốc tăng trưởng GDP của cả khu vực Mỹ Latinh năm 2010 và 2011 lần lượt đạt 5,7% và 4,1%, cao hơn mức tăng chung của cả thế giới. Bên cạnh đó bằng các chính sách công nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế thành công, một số nền kinh tế trong khu vực đã có những bước tiến nhanh chóng về trình độ phát triển và đã tham dự vào các nhóm có nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Trong số các nền kinh tế của khu vực, Brazil là nền kinh tế hàng đầu. Vào năm 2011, Brazil đã vượt qua Vương quốc Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới. Brazil có các ngành công nghiệp phát triển cao như chế tạo máy bay, sắt thép, hóa chất, công nghệ máy tính và các hàng hóa tiêu dùng khác với các tập đoàn tầm cỡ thế giới với doanh thu hàng chục cho tới hàng trăm tỉ USD, như Petrobas (hóa dầu, 138 tỉ USD), Itaú Unibanco (ngân hàng, 71,5 tỉ USD), Gerdau (sắt thép, 23,4 tỉ USD), … Mexico đang trở thành một quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển rất thành công với sự tham gia của hầu hết các hãng xe nổi tiếng thế giới bao gồm từ các hoạt động thiết kế tới chế tạo và lắp ráp. Ngành công nghiệp điện tử của Mexico được xếp hàng thứ sáu trên thế giới về quy mô sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), và năm 2011 ngành công nghiệp này đã xuất khẩu khoảng 71 tỉ USD vào Mỹ. Cùng với Brazil và Mexico, Mỹ Latinh cũng có các nền kinh tế khác có trình độ phát triển cao. Argentina là một trong các quốc gia hàng đầu thế giới về các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò, bột mỳ, đỗ tương, …. Chile là quốc gia nổi tiếng về chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, khai khoáng, và du lịch. Venezuela cũng là nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao do có sự phát triển của các ngành công nghiệp đặc biệt là công nghiệp khai thác dầu khí. Khu vực Caribê bao gồm nhiều quốc gia biển đảo có tiềm năng du lịch to lớn với các bãi biển nổi tiếng với doanh thu từ ngành du lịch hàng năm đạt hàng chục tỉ USD.
Quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh
Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với đại đa số các nước Mỹ Latinh. Nếu như năm 2000, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với thị trường khu vực này chỉ đạt khoảng 300 triệu USD thì đến năm 2011, ước tính đã tăng gấp 16 lần, đạt khoảng 5 tỷ USD, mức tăng trưởng trung bình trên 35%/năm. Trong năm 2011, có mười nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đến các nước châu Mỹ Latinh thu được giá trị thương mại cao. Bao gồm có giày dép, đạt giá trị 630,8 triệu USD, chiếm 1/4 trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này; hải sản đạt giá trị 253,8 triệu USD (chiếm 10,4%); dệt may đạt hơn 185,9 triệu USD, trong số các mặt hàng xuất khẩu khác như túi xách, các sản phẩm nhựa và cao su, cà phê.
Mười quốc gia nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất của Việt Nam ở Mỹ Latinh trong năm 2011 bao gồm: Brazil (597,7 triệu USD), Mexico (589,7 triệu USD), Cuba (270 triệu USD), Panama (227,4 triệu USD), Argentina (148,8 triệu USD), Chile (118,1 triệu USD), Columbia (106 triệu USD), Peru (75 triệu USD), Ecuador (59 triệu USD) và Venezuela (26,9 triệu USD). Tuy nhiên, thị phần của Việt Nam tại Mỹ Latinh vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm 0,18% trong tổng giá trị nhập khẩu của khu vực này (2,4 tỉ USD trong số 1.021 tỉ USD).
Với phương châm đa phương hóa thị trường, đa dạng hóa bạn hàng việc Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào Mỹ Latinh sẽ làm giảm áp lực phụ thuộc vào các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU đang nóng lên từng ngày do hàng hóa của Việt Nam vừa phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh đã và đang xuất khẩu vào thị trường đó, vừa phải đối mặt với sự bảo hộ gia tăng, hệ thống rào cản ngày càng nhiều, tinh vi hơn. Yêu cầu của thị trường Mỹ Latinh chắc chắn sẽ không đòi hỏi cao như các nước phát triển. Giai đoạn vừa qua cho thấy, dòng hàng xuất và nhập của Việt Nam với Mỹ Latinh không bị chồng chéo mà còn bổ sung lẫn nhau. Điều này được càng minh chứng trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam vào khu vực này. Những mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ Latinh là giày dép, dệt may, gạo, cà phê... Cá basa, cá tra mới xuất sang khu vực này nhưng cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh. Ngoài những mặt hàng chính đã từng xuất khẩu sang Mỹ Latinh, hiện nay nhiều mặt hàng mới có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường này là đồ điện, điện tử, tin học, cơ khí, thiết bị, máy, động cơ điện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, đồ gỗ nội thất..., mỗi dòng sản phẩm này kim ngạch cũng đạt từ hàng chục triệu USD trở lên. Các sản phẩm như vali, túi xách, sản phẩm nhựa, cao su, cà phê cũng đã có chỗ đứng trên thị trường này trong vài năm trở lại đây.
Ngược lại, khu vực Mỹ Latinh đã cung ứng nhiều nguyên liệu, vật tư cho sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu của Việt Nam, như bông, da, gỗ nguyên liệu, sắt thép, đồng, bột mỳ, thịt sữa, dầu mỡ động thực vật, tân dược, chất dẻo, hoá chất... Sự bổ sung cho nhau về cơ cấu xuất nhập khẩu không những đảm bảo cho cán cân thương mại luôn cân bằng mà còn tạo thuận lợi cho việc phối hợp trong giao nhận, vận tải hàng hải giữa các nhà xuất khẩu với nhà nhập khẩu.
Triển vọng quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ Latinh
Khu vực Mỹ Latinh có dân số đông, giàu tài nguyên, là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng, cũng là thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu quan trọng của Việt Nam. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này chỉ chiếm tỷ trọng 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2010. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% ở Mỹ Latinh. Mục tiêu dài hạn của Việt Nam là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tới khắp các thị trường của Mỹ Latinh, tăng trưởng xuất khẩu phải đạt tốc độ từ 25-30% năm, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD vào năm 2015 và khoảng 13-15 tỷ USD vào năm 2020. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng từ 0,18% năm 2010 lên 0,4% vào năm 2015 và hơn 1% vào năm 2020. Cơ cấu hàng xuất khẩu của ta cơ bản có bước chuyển đổi về chất, giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực này, các doanh nghiệp cần vượt qua những thách thức. Đó là, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh quá xa sẽ gây trở ngại lớn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng thêm chi phí và thời gian vận tải, làm cho giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng lên. Mặt khác, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tuy các chính sách thương mại đầu tư của cả hai phía đã có nhiều đổi mới theo hướng mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho quan hệ đa chiều, phù hợp với luật lệ quốc tế nhưng dung lượng và hình thức thông tin tuyên truyền còn chưa đa dạng, chưa tương xứng với nhu cầu của thực tế đòi hỏi và mong mỏi của giới doanh nghiệp.
Một nguyên nhân khác làm trở ngại trong quan hệ giao dịch là giới doanh nghiệp hai bên còn thiếu thông tin về nhau, chưa thấy hết cơ hội và tiềm năng của nhau mà rào cản chính là ngôn ngữ. Tất cả các nước Mỹ Latinh đều sử dụng tiếng Tây Ban Nha (riêng Brazil sử dụng tiếng Bồ Đào Nha) là những thứ tiếng mà các doanh nghiệp Việt Nam ít biết và sử dụng được.
Vì vậy, để thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, Việt Nam cần giữ vững thị trường đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực; tăng cường thông tin quảng bá về Việt Nam cho doanh nhân Mỹ Latinh; phối hợp với Đại sứ quán các nước Mỹ Latinh tại Việt Nam và các sở công thương tổ chức hội thảo giới thiệu thị trường và cơ hội xuất khẩu sang Mỹ Latinh cho doanh nghiệp Việt Nam; tăng cường tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại đi tham dự hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường nhằm thiết lập quan hệ đối tác, bạn hàng; xây dựng trang web bằng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha giới thiệu thị trường, mặt hàng và chỉ dẫn doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cho các doanh nghiệp Mỹ Latinh. Tích cực hợp tác đào tạo tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp tham gia quan hệ với khu vực Mỹ Latinh.
Nhìn chung xu thế phát triển thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh sẽ có những điều kiện thuận lợi trong thời gian tới. Việc Việt Nam ký kết hiệp định thương mại song phương với Chile (đầu năm 2012), và Việt Nam đang đàm phán trở thành thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà một số quốc gia khu vực Mỹ Latinh đang có nguyện vọng tham gia (Mexico, Peru, và Chile đã là thành viên chính thức), cũng như việc thiết lập và củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực Mỹ Latinh sẽ tạo điều kiện tốt cho quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh phát triển tốt đẹp trong giai đoạn tới.
TS. Cù Chí LợiViện nghiên cứu Châu Mỹ