📞

Hợp tác Trung-Nhật-Hàn: Lạc quan nhưng chớ chủ quan

20:00 | 21/12/2019
TGVN. Chặng đường 20 năm của hợp tác Trung-Nhật-Hàn xem ra vẫn còn nhiều gập ghềnh nếu không vượt qua những chướng ngại vật, cả về mặt chủ quan và khách quan.    
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Thượng đỉnh ba bên lần thứ 7, tháng 5/2018 tại Tokyo. (Nguồn: Nikkei)

Năm 2019, “lễ kỷ niệm” 20 năm hợp tác Trung – Nhật – Hàn tròn 20 năm sẽ được đánh dấu bằng Thượng đỉnh 3 bên lần thứ 8 vào đúng Giáng sinh (24/12) tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Bắc Kinh.

Điều gì đang được chờ đợi?

Các nhà phân tích cho rằng xem xét từ góc độ song phương, quan hệ Trung-Nhật hiện nay có cơ hội mới để cải thiện và phát triển; quan hệ Trung-Hàn bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục ổn định. Hội nghị này sẽ đóng vai trò thúc đẩy tích cực đối với quan hệ Trung-Nhật và Trung-Hàn, giúp giảm bớt căng thẳng giữa Tokyo và Seoul do vấn đề lịch sử gây ra.

Từ góc độ đa phương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại hiện nay trỗi dậy, tình hình kinh tế toàn cầu phức tạp và nghiêm trọng, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực, thể hiện quyết tâm của các bên trong bảo vệ chủ nghĩa đa phương, duy trì nền kinh tế thế giới mở. Thượng đỉnh lần thứ 8 sẽ tạo thêm động lực mới để 3 nước cùng thiết lập hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao.

“Tình hình chung đang thay đổi, 3 nước Trung-Nhật-Hàn đều đã nhận thấy vai trò quan trọng của hợp tác đối với 3 nước cũng như sự ổn định và phát triển của khu vực Đông Bắc Á, và đều có nhu cầu hợp tác với nhau. Khả năng đưa hợp tác đi vào chiều sâu đang được tăng cường”. (chuyên gia cao cấp Vương Thiếu Phổ)

Hội nghị lần này cũng sẽ tập trung vào công tác của 10 năm tới, thúc đẩy các nước nâng cao mức độ hợp tác, thúc đẩy sự hòa bình, ổn định, phát triển khu vực và thế giới. Làm thế nào để tăng cường lòng tin lẫn nhau sẽ trở thành phương hướng chủ đạo của hợp tác Trung-Nhật-Hàn trong thập niên tới.

Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ đi sâu trao đổi ý kiến về phương án hợp tác thực chất ba bên và tình hình Đông Bắc Á, thế giới và đánh giá về cục diện bán đảo Triều Tiên gần đây, thảo luận về phương án thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo.

Tại Hội nghị năm 2018, trong tuyên bố chung, 3 nước khẳng định muốn cùng nghiên cứu mô hình hợp tác “Trung-Nhật-Hàn+1”. Có phân tích cho rằng tuyên bố này chứng tỏ 3 nước sẽ phát huy ưu thế, cùng mở ra thị trường thứ 4, thậm chí nhiều thị trường hơn để thúc đẩy các quốc gia trong khu vực này phát triển nhanh hơn và tốt hơn, từ đó mở rộng nội hàm và ảnh hưởng vươn ra bên ngoài của hợp tác Trung-Nhật-Hàn.

Trở ngại từ trong ra ngoài

Chuyên gia cao cấp của Viện khoa học xã hội Thượng Hải, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, Vương Thiếu Phổ cho rằng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lâu nay luôn có nguyện vọng hợp tác, đã đạt được Thỏa thuận Chiang Mai về hoán đổi tiền tệ, nhưng bị Mỹ phá hủy. Trở ngại của hợp tác 3 bên chủ yếu đến từ sự cản trở của Washington và mâu thuẫn giữa Tokyo và Seoul.

Từ khi lên nắm quyền đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sức phản đối nguyện vọng của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau và tăng cường hợp tác. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Chính quyền Trump thực hiện là sự đáp trả đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Ông Vương Thiếu Phổ đánh giá “những biện pháp của Tổng thống Trump rất ích kỷ, chính sách ‘Nước Mỹ trước tiên’ phải trả giá bằng cách hy sinh lợi ích của Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông còn tăng thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép của Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đến Mỹ để kiến nghị nhưng cũng chưa được miễn thuế. Do đó, “nhiều hành động của Mỹ ở mức độ nhất định đã thúc đẩy các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… điều chỉnh chính sách, coi trọng hơn hợp tác kinh tế với Trung Quốc”.

Mâu thuẫn giữa Tokyo và Seoul là một trở ngại khác. Do Nhật Bản từng thống trị và biến bán đảo Triều Tiên thành thuộc địa trong Thế chiến II nên mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong các vấn đề như “phụ nữ mua vui”, bồi thường cho lao động cưỡng bức, tranh chấp lãnh thổ cũng thường xuyên xảy ra.

Đặc biệt trong năm 2019, thương mại trở thành “điểm bùng nổ mới” của mâu thuẫn Nhật-Hàn. Chính quyền Abe đã đưa Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” dành cho những quốc gia hưởng lợi về thương mại. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là động thái nhằm trả đũa việc Tòa án tối cao của Hàn Quốc năm 2018 đã hai lần ra phán quyết yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho những người Hàn Quốc bị ép buộc phải lao động trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên là thuộc địa và tịch thu tài sản của doanh nghiệp Nhật Bản có liên quan tại Hàn Quốc.

Người biểu tình Hàn Quốc phản đối Nhật Bản ở Thủ đô Seoul. (Nguồn: Reuters)

Mâu thuẫn giữa hai nước có thời điểm khiến mọi người lo lắng liệu Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn có thể diễn ra vào cuối năm. Tuy nhiên, trong thời điểm then chốt, các bên vẫn tập trung vào cục diện lớn hợp tác ở Đông Bắc Á. Chính phủ Hàn Quốc hoãn quyết định chấm dứt Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự Nhật-Hàn (GSOMIA), đồng thời tạm ngừng kiện Tokyo lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về biện pháp kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc...

Kiên định ủng hộ thương mại tự do

Xét từ góc độ hợp tác kinh tế, các thỏa thuận hợp tác thương mại khu vực châu Á như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều có tiến triển, nên mọi người đương nhiên cũng kỳ vọng vào cuộc đàm phán khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn được khởi động từ năm 2012.

Là một trong những cuộc đàm phán khu vực thương mại tự do có quy mô lớn mà Trung Quốc tham gia, nếu đàm phán khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn có thành quả thì sẽ khiến cho 3 nước có địa vị quan trọng hơn trong cục diện thương mại Đông Bắc Á.

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là nền kinh tế lớn thứ 2, thứ 3 và thứ 11 của thế giới, GDP của cả 3 nước chiếm trên 20% GDP của thế giới, hơn 70% của châu Á. Hơn nữa, 3 quốc gia này có ưu thế khác nhau về mặt phát triển kinh tế và ngành nghề, thiết lập khu vực thương mại tự do sẽ giúp phát huy đầy đủ tính bổ sung cho nhau về ngành nghề giữa 3 nước, thúc đẩy chuỗi ngành nghề hội nhập sâu sắc với nhau. Theo ước tính, đầu tư thuận lợi hóa có thể tăng trên 10% về nguồn vốn cho 3 nước. Lợi ích lan rộng của khu vực thương mại tự do sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phồn vinh kinh tế trên toàn khu vực Đông Bắc Á.

Đã đến thời điểm của khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn? (Nguồn: Beloit Bulletin)

Vào cuối tháng 11/2019, tại cuộc đàm phán vòng thứ 16 ở Seoul, ba nước đã đi sâu trao đổi ý kiến xung quanh các vấn đề quan trọng như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, quy tắc… và đạt tiến triển tích cực. Ba nước nhất trí cho rằng phải căn cứ vào nhận thức chung của lãnh đạo 3 nước, đẩy nhanh tiến trình đàm phán, tích cực thiết lập một hiệp định thương mại tự do toàn diện, có chất lượng cao, tạo thuận lợi cho nhau và có giá trị. Ba nước còn đi sâu trao đổi ý kiến về thiết lập hiệp định thương mại tự do “RCEP+”, hình thành nhận thức chung trong công việc tiếp theo.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại hiện nay trỗi dậy, tình hình kinh tế thế giới phức tạp, 3 nước này đã cùng nhau thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực quan trọng như khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn, RCEP… Đây là lộ trình quan trọng để 3 nước kiên định ủng hộ thương mại tự do, chống chủ nghĩa bảo hộ, bảo vệ nền kinh tế mở.

Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn sẽ phát huy vai trò nhất định đối với đàm phán khu vực thương mại tự do giữa 3 nước trong tương lai, nhưng các nhân tố gây rối như mâu thuẫn Nhật-Hàn, sự can thiệp của Mỹ… vẫn cần phải được loại bỏ.

Năm 1999, trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (10+3), lãnh đạo 3 nước đã khởi động tiến trình hợp tác Trung-Nhật-Hàn. Năm 2008, lãnh đạo 3 nước lần đầu tổ chức hội nghị bên ngoài khuôn khổ 10+3, hợp tác 3 bên bước vào một giai đoạn mới.

Sau đó, Hội nghị lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn về nguyên tắc được tổ chức 1 năm/lần, theo hình thức luân phiên. Tuy nhiên, sau Hội nghị vào tháng 5/2012, do Thủ tướng Shinzo Abe viếng thăm đền Yasukuni vào tháng 12/2013 và có những phát ngôn, hành động sai lầm về vấn đề lịch sử, Hội nghị bị gián đoạn trong 3 năm, đến tháng 11/2015 được khởi động lại ở Seoul. Nhưng năm 2016, Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), khiến quan hệ Trung-Hàn rơi vào tình trạng căng thẳng, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bất đồng trong các vấn đề lịch sử như phụ nữ mua vui trong Thế chiến II…, hội nghị này lại nhấn “nút tạm dừng”; đến tháng 5/2018 khởi động một lần nữa tại Tokyo.

(tổng hợp)