TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam muốn thành cửa ngõ kết nối Đông Nam Á - Ấn Độ Dương | |
Ấn Độ, Mỹ sẽ nâng cấp các cuộc tập trận chung |
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo của IORA đã cùng nhau thảo luận, ban hành một loạt hiệp định, tuyên bố chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… trong nỗ lực biến khu vực này trở thành tương lai phát triển của kinh tế thế giới. Xung quanh vấn đề này, báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài phân tích của tác giả A. Ibrahim Almuttaqi thuộc trung tâm Habibie (Indonesia), báo TG&VN xin được giới thiệu nội dung của bài phân tích này.
Indonesia, hiện là Chủ tịch luân phiên của IORA nhiệm kỳ 2015-2017, đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh IORA vừa qua với sự tham dự của 16 nhà lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên, trong đó có 5 tổng thống, 4 phó tổng thống, 4 thủ tướng và 3 phó thủ tướng. Chủ đề của Hội nghị IORA năm nay là "Tăng cường Hợp tác hàng hải cho một Ấn Độ Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng". Hội nghị này đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của tổ chức khu vực.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại IORA 2017. (Nguồn: JP) |
Tại Hội nghị IORA năm nay, có nhiều văn bản quan trọng về sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên IORA cũng như các vấn đề chung của khối đã được bàn thảo và ký kết, cụ thể là Hiệp định IORA, Chương trình hành động IORA, Tuyên bố chung về phòng chống khủng bố. Trong đó, các nhà lãnh đạo IORA đã cam kết thúc đẩy an toàn và an ninh hàng hải, tăng cường thương mại và hợp tác đầu tư, tăng cường quản lý và phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường hợp tác về giáo dục, khoa học và công nghệ, thúc đẩy du lịch và giao lưu văn hóa…
Hiệp định IORA đã tập trung vào việc các quốc gia nội khối cùng nhau thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực, ban hành bộ Quy tắc ứng xử để giải quyết các vấn đề phát sinh trên biển nhằm biến khu vực này trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và cân bằng, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác kinh tế tiến tới xây dựng tự do hóa thương mại.
Bên cạnh đó, Tuyên bố của IORA về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, cực đoan đánh dấu nỗ lực của các quốc gia thành viên trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành động khủng bố đang ngày càng diễn ra nghiêm trọng, đe dọa an ninh, an toàn cho người dân trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tại hội nghị lần này, nhiều nhà lãnh đạo cũng như các chuyên gia kinh tế cũng đã đề xuất ý tưởng sử dụng thẻ thương gia IORA, tương tự cách làm của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để nhân viên các quốc gia thành viên có thể thuận tiện trong việc di chuyển, tiến hành các hoạt động của mình trong khuôn khổ cho phép.
IORA thừa nhận các quốc gia thành viên của họ có sự đa dạng về tiềm lực kinh tế, quốc phòng cũng như văn hóa xã hội, một số quốc gia có quy mô kinh tế và dân số lớn như Ấn Độ, Indonesia, Australia, còn một số quốc gia nhỏ bé và kinh tế còn chậm phát triển như đảo Comoros và Seychelles, Somalia hay Yemen.
Mặc dù có sự khác biệt lớn về kinh tế, dân số và văn hóa giữa các quốc gia thành viên của IORA, nhưng tổ chức này được đánh giá là một trong những tổ chức khu vực đoàn kết. Từ nhiều thế kỷ trước đó, các nhà thám hiểm, những người hành hương, ngư dân và thương nhân đã đi qua Ấn Độ Dương, điều đó cho thấy hoạt động giao thương về kinh tế đã gắn kết các quốc gia thành viên từ xa xưa trong lịch sử.
Tuy nhiên, liệu IORA có phải chỉ đơn thuần là một cộng đồng kinh tế thuần túy và không liên quan nhiều đến chính trị? Việc Pakistan và Saudi Arabia chưa tham gia tổ chức này chắc chắn đã đặt ra câu hỏi liệu có phải các quốc gia trên do đang có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia như Ấn Độ, Iran nên chưa được tham gia hay không?
Islamabad đã đệ trình đơn xin gia nhập IORA từ năm 2001 nhưng hiện vẫn đang chờ phản hồi từ Ban thư ký IORA. Các quốc gia này đang hy vọng Indonesia với vai trò là Chủ tịch của IORA hiện nay có thể kết nối, tạo điều kiện để họ được trở thành thành viên chính thức của IORA. Chính điều này cũng cho thấy vai trò và vị trí của IORA ngày càng nâng cao và được nhiều quốc gia coi trọng, muốn trở thành thành viên chính thức của tổ chức này.
Tại Hội nghị IORA lần này, trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo (thường được gọi là Jokowi) nhấn mạnh Ấn Độ Dương là đại dương lớn thứ ba trên thế giới với dân số sống dọc theo bờ đại dương này lên tới 2,7 tỷ người được chia thành nhiều tiểu vùng dọc theo bờ biển là Australia, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á, Đông Phi và Nam Phi. Đây là đại dương có một nửa số tàu container của thế giới được vận chuyển qua hàng năm, đồng thời là tuyến hàng hải vận chuyển 2/3 lượng dầu mỏ của thế giới. Ông Jokowi đánh giá đây sẽ là đại dương của tương lai và tương lai của kinh tế thế giới.
Đối với Indonesia, khu vực Ấn Độ Dương được đánh giá là rất có tiềm năng đối với việc phát triển đất nước. Trong năm 2016, hợp tác thương mại giữa Indonesia với các quốc gia thành viên IORA đạt 89,8 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia sang các quốc gia này là dầu thực vật, hàng dệt may, xăm lốp ô tô và các sản phẩm hóa chất.
Cũng trong năm 2016, các quốc gia thành viên IORA đã đầu tư vào Indonesia tổng cộng là 11,67 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Indonesia trong cùng năm. Đồng thời, lượng du khách từ các quốc gia thành viên đến Indonesia đóng góp gần một nửa số du khách đến thăm nước này trong năm 2016.
Bên cạnh việc hợp tác, đầu tư, khu vực Ấn Độ Dương hiện cũng nổi lên những thách thức lớn đòi hỏi các quốc gia cần phải quan tâm cùng nhau giải quyết. Đó là tiềm ẩn về tranh chấp hàng hải; vấn đề vi phạm bản quyền; đánh bắt cá trái phép; cướp biển; buôn bán ma túy; buôn người; quản lý thiên tai; quản lý môi trường và tài nguyên biển.
IORA gồm 21 quốc gia thành viên và 7 đối tác đối thoại được thành lập tại một hội nghị bộ trưởng lần đầu tiên được tổ chức tại Mauritius hồi tháng 3/1997. Cụ thể, 21 quốc gia thành viên bao gồm: Australia, Bangladesh, Comoros, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Kenya, Madagascar, Malaysia, Mauritius, Mozambique, Oman, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Seychelles, Singapore, Somalia, Nam Phi, Sri Lanka, Tanzania, Thái Lan và Yemen. Bảy nước đối thoại bao gồm: Mỹ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Đức, Ai Cập, Pháp và Trung Quốc. |
Ấn Độ thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Mỹ New Delhi đang sát cánh cùng lợi ích của Washington ở Ấn Độ Dương và Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc đang nỗ lực ... |
Hải quân Iran tập trận quy mô lớn ở Ấn Độ Dương Theo hãng tin Tasnim ngày 27/1, Iran đã khởi động cuộc tập trận hải quân lớn ở vùng biển phía Nam của nước này. |
Hải quân Ấn Độ và chính sách “hướng Tây” Để đảm bảo lợi ích chiến lược và ngăn cản Trung Quốc “chen chân” vào những vùng ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ Dương, ... |