Người dân đang nghe một kênh phát thanh của IS tại thành phố Jalalabad, phía đông Afghanistan. Nguồn Reuters. |
Đây là bước đi của IS nhằm mục tiêu xây dựng lực lượng đủ mạnh để thay thế Taliban ở khu vưc này.
Giới chức địa phương đang ngày càng lo ngại trước sự phổ biến của chương trình phát sóng này, trong đó khuyến khích giới trẻ tìm hướng đi trong các phong trào cực đoan.
Nếu các chương trình này lan rộng, giới chức lo ngại rằng chúng sẽ ngày càng được người dân đón nhận, do cảm giác thất vọng trước chiến tranh cùng đời sống kinh tế ngày càng khắc nghiệt.
"Hầu hết người dân đều thất nghiệp và kênh phát thanh này sẽ khuyến khích nhiều người tham gia hàng ngũ của chúng (IS)," ông Ahmad Ali Hazrat, người đứng đầu hội đồng tỉnh Nangarhar nói.
"Hiện Daesh (tiếng Arap để chỉ IS – PV) chỉ cách thành phố Jalalabad 7 kilomet và nếu chính phủ không sớm hành động, IS sẽ mở rộng chương trình phát sóng và có thể tuyển mộ tân binh thậm chí ngay cả ở thủ đô Kabul”, quan chức này nói.
Chương trình phát thanh bằng tiếng Pashto kéo dài 90 phút hàng ngày, còn được gọi là "Tiếng nói của Caliphate (Vương quốc Hồi giáo – PV)", bao gồm chủ yếu của các cuộc phỏng vấn, thông điệp và các bài hát về IS.
Chương trình được phát tại tỉnh Nangarhar, phía Đông Afghanistan, nơi IS đã thiết lập được căn cứ của mình. IS hiện kiểm soát được vài huyện trước thuộc về Taliban - lực lượng sau khi bị liên quân do Mỹ dẫn đầu đánh đổ đang tìm cách thiết lập lại chế độ hà khắc của mình.
IS là một lực lượng tương đối mới ở Afghanistan và hiện vẫn còn có nhiều tranh cãi về việc lực lượng này mạnh hay yếu, có số thành viên là bao nhiêu và có quan hệ với chi nhánh chính ở Iraq và Syria hay không.
Giới chức an ninh Afghanistan cho biết, nhiều thành viên IS tại đây là các cựu chiến binh Taliban đã bị giới lãnh đạo mới sa thải hoặc những kẻ đang tìm kiếm những hình thức hoạt động cực đoan hơn.
Tuần trước, chỉ huy các lực lượng quốc tế tại Afghanistan, tướng Mỹ John Campbell, cho biết đã có từ 1.000 đến 3.000 thành viên của phong trào này ở Afghanistan và ông cho biết ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng nếu không được kiểm soát.
Các quan chức ở Nangarhar nói rằng cho đến nay họ không thể ngăn chặn các chương trình phát sóng vì vị trí của chúng luôn thay đổi. "Họ di chuyển từ nơi này đến nơi khác," Attaullah Khogyani, một phát ngôn viên của Thống đốc Nangarhar nói. "Chúng khiến chúng tôi gặp khó khăn".