TIN LIÊN QUAN | |
Tọa đàm “Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Mexico” | |
Việt Nam - Mexico nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự song phương |
Chỉ mấy ngày sau Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975, trong không khí ngập tràn hạnh phúc của dân tộc, ông Hà Văn Lâu - bấy giờ là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền (ĐMTQ) Việt Nam tại Cuba đã có chuyến thăm Mexico.
Tổng thống L. Echeveria tiếp Đại sứ Hà Văn Lâu (thứ hai từ trái sang) và tuyên bố kiến lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tháng 5/1975. |
Ấn tượng một tổng thống
Mục đích của chuyến thăm nhằm chia sẻ với nhân dân Mexico niềm vui của dân tộc Việt Nam, đồng thời thăm dò, vận động thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ở thời điểm đó, dù chưa chính thức, Đại sứ quán Mexico ở Cuba đã nhiệt tình giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến thăm.
Ngay lúc mở đầu, Đại sứ Hà Văn Lâu đã gặp và trao đổi ý kiến với một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mexico. Có lẽ việc đó vượt ngoài tầm và quyền hạn của Thứ trưởng nên ông chưa có phản ứng gì.
Trước chuyến thăm, thông qua Đại sứ Mexico ở Cuba và Đại sứ Cuba ở Mexico, Đại sứ Lâu bày tỏ mong muốn được đến chào Tổng thống Mexico. Nếu điều đó diễn ra sẽ là cơ hội thuận lợi để vận động việc kiến lập quan hệ ngoại giao. Dù trong thâm tâm chúng tôi cảm thấy khả năng có được cuộc gặp sẽ không nhiều, nhưng rốt cục, điều đó lại thành hiện thực. Hôm sau, ngày 6/5, đoàn vinh dự được Tổng thống Luis Echeveria tiếp tại nơi làm việc.
Tôi vẫn nhớ, khoảng một năm trước đó (1974), lần đầu tiên đến Mexico, tôi đã có dịp gặp Tổng thống Luis Echeveria trong buổi ông tiếp ngài Phạm Văn Bạch, lúc đó là Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Việt Nam tham dự phiên tòa quốc tế - Tòa án B. Russell xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, được tổ chức tại thủ đô Mexico. Đúng như báo cáo của tôi với Đại sứ Hà Văn Lâu về vị Tổng thống thân tình, cởi mở này, Đại sứ và cả đoàn đã được tiếp đón trong không khí hết sức thân mật, thoải mái. Tổng thống không quên chúc mừng sự kiện lịch sử mà nhân dân Việt Nam vừa giành được trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau khi trình bày tóm tắt tình hình của Việt Nam, đặc biệt không khí phấn khởi trước thắng lợi lịch sử 30/4/1975, Đại sứ bày tỏ mong muốn kiến lập quan hệ ngoại giao với Mexico.
Chẳng cần suy nghĩ lâu, với thái độ thoải mái và thân tình, Tổng thống đáp lời ngay: “Mexico quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam” rồi chủ động bắt tay Đại sứ.
Chúng tôi vừa vui vừa có phần bất ngờ, bởi Tổng thống quyết định sự việc quan trọng như vậy quá nhanh, ngay trong lần đầu tiên tiếp Đại sứ Hà Văn Lâu. Cũng bởi vậy, Tổng thống Luis Echeveria đã để lại dấu ấn đậm nét trong quan hệ Việt Nam - Mexico, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng hội đàm với Tổng thống Lopez Portillo, tháng 9/1979. |
Dấu ấn trong sự nghiệp
Sau sự kiện trên, bạn bè ở thủ đô Mexico đều bày tỏ niềm vui và chúc mừng chúng tôi. Họ cho đó là kết quả tất yếu phải đến. Bởi tuy cách nhau nửa vòng trái đất, kẻ ở Đông, người ở Tây bán cầu nhưng do vị trí địa chính trị của hai nước ở mỗi khu vực rất giống nhau, nên lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước có nhiều điểm tương đồng. Chính điều đó làm cho nhân dân hai nước dễ thông cảm, gần gũi nhau. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam luôn được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Mexico. Do vậy, Ủy ban Mexico đoàn kết với Việt Nam, được thành lập từ khá sớm.
Sau đó, các hoạt động ngoại giao Việt Nam-Mexico được mùa phát triển. Tháng 6/1975, hai đoàn đại biểu phụ nữ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có mặt ở thủ đô Mexico tham dự “Năm quốc tế phụ nữ" do Liên hợp quốc tổ chức. Chúng tôi lại vinh dự được Tổng thống Luis Echeveria tiếp thân mật. Hơn hai tháng sau, ngày 30/8/1975, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch thăm chính thức Mexico với tư cách khách mời của Tổng thống.
Chuyến thăm được thực hiện sau một cuộc gặp tình cờ không hẹn trước. Trên đường đi dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Không liên kết diễn ra ở Lima, Peru, Thứ trưởng dừng chân ở Havana đúng dịp Tổng thống Luis Echeveria thăm Cuba. Qua những câu chuyện thân mật, Tổng thống chân tình mời Thứ trưởng Thạch thăm Mexico sau khi hội nghị Lima kết thúc. Ngay sau đó, từ Cuba, tôi bay sang Mexico trước để chuẩn bị và phục vụ chuyến thăm của Thứ trưởng và một lần nữa được chứng kiến sự chân tình của vị Tổng thống Mexico dành cho Việt Nam.
Lệ thường, sau khi đến sân bay Thủ đô, đoàn được đưa về khách sạn hoặc nhà khách. Nhưng lần này, bạn đưa Thứ trưởng đến gặp, và làm việc ngay với Tổng thống. Sau hai ngày trao đổi công việc với các cơ quan, một số cơ sở khai thác và chế biến dầu khí -lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm, đoàn lại có thêm buổi làm việc chính thức với Tổng thống. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chủ động chia sẻ tình hình Việt Nam sau ngày giải phóng với những nhu cầu cấp bách, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác lâu dài với Mexico trên một số lĩnh vực, trong đó có dầu khí. Tổng thống ngắt lời: “Trước khi bàn chuyện hợp tác lâu dài, ông hãy cho biết những nhu cầu cấp bách của Việt Nam mà Mexico có thể giúp được ngay?”. Được dịp, đoàn tranh thủ nêu một số nhu cầu cấp thiết như các loại xe tải để chở quặng than, nguyên liệu nhựa và sợi bông… để cung cấp cho các nhà máy Việt Nam đang thiếu không hoạt động dược.
Cuối năm 1975, tức chỉ mấy tháng sau buổi tiếp, một chuyến tàu Mexico cập bến cảng Việt Nam mang theo số hàng viện trợ trị giá khoảng 1 triệu USD, trong đó có những mặt hàng mà đoàn đã nêu trong cuộc gặp Tổng thống. Cuối tháng 10/1975, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Đại sứ quán ở thủ đô Mexico. Tôi được chỉ thị trở lại đây cùng một đồng nghiệp khác để triển khai việc lập Đại sứ quán. Nói một cách ví von, những chuyến công tác dồn dập gắn liền với Mexico đã làm năm 1975 trở thành “Năm Mexico" trong sự nghiệp ngoại giao của tôi.
Bốn năm sau, lại có thêm một dấu ấn quan trọng trong lịch sử 42 năm quan hệ Việt Nam – Mexico. Đó là chuyến thăm hữu nghị chính thức Mexico của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 9/1979. Tôi may mắn một lần nữa được phục vụ đoàn và trở lại đất nước này. Đây là lần đầu tiên một vị Thủ tướng Việt Nam đến Mexico, cũng là lần đầu với khu vực Mỹ Latin (ngoại trừ Cuba). Tại thủ đô Mexico, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được Tổng thống Jose Lopez Portillo đón tiếp thân tình. Cuộc hội đàm, trao đổi ý kiến diễn ra thân mật, cởi mở.
Việc Việt Nam và Mexico thiết lập quan hệ ngoại giao đồng thời đặt ra cột mốc mới trong quan hệ của Việt Nam với các nước ở châu Mỹ Latin. Ở thời điểm đó mới có ba nước là Cuba, Chile và Argentina. Một thời gian ngắn sau, nhiều nước khác ở Mỹ Latin cũng lần lượt thiết lập quan hệ chính thức với Việt Nam, trong đó có Jamaica, Panama, Guyana… Hiện tại, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 30/33 nước ở châu lục này. |
Duyên không hẹn trước
Quan hệ hai nước những năm sau đó phát triển ngày càng tốt đẹp. Năm 2001 và 2006, hai đặc phái viên của các Tổng thống Mexico lúc bấy giờ và năm 2012, Chủ tịch Thượng viện Jose Gonsales lần lượt thăm chính thức Việt Nam. Trao đổi thương mại hai chiều tăng 10 lần, từ 220 triệu USD năm 2005 lên hơn 2,2 tỷ USD năm 2015. Các cuộc tiếp xúc cấp cao, cấp Bộ, Thứ trưởng của hai nước diễn ra thường xuyên bên lề các hội nghị quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, FEALAC… Năm 2002, Bộ Ngoại giao hai nước đã thiết lập cơ chế tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng với phiên họp thứ tư mới được tổ chức ở Hà Nội hồi tháng 9/2016. Nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác nông nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ... cũng đã được ký kết. Chẳng hạn như Bản ghi nhớ về thành lập Ủy ban hỗn hợp, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư (2/2016),… Chính quyền và nhân dân Mexico đã tạo điều kiện để phía Việt nam xây dựng hai tượng Bác Hồ ở thủ đô Mexico và thành phố du lịch Acapulco nổi tiếng.
Hẳn phải là “duyên nợ”, năm 1988, tôi trở lại Mexico với cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam (1988-1991). Lần này, với quỹ thời gian nhiều hơn, tôi có điều kiện tiếp xúc với nhân dân, thăm viếng, tìm hiểu nhiều địa phương, khu di tích lịch sử, văn hóa... nơi đây.
Tôi vẫn nhớ rõ phố Sierra Ventana ở đồi Chapultepec, nơi tọa lạc Đại sứ quán Việt Nam, cũng là nơi tôi đã sống và làm việc nhiều năm. Rồi Zocalo, một quần thể kiến trúc bao gồm cả dinh Tổng thống, nơi tôi trình Quốc thư lên Tổng thống Miguel de la Madrid. Tôi không thể quên được Đại lộ Reforma với bức tượng "Thiên thần Độc lập" (Monumento Angel de la Independencia) màu vàng óng –biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Mexico. Trong tâm trí tôi vẫn còn đậm nét hình ảnh Ciudad de Teotihuacan - khu di sản văn hóa, lịch sử nổi tiếng có hai kim tự tháp Mặt trăng, Mặt trời hay thành phố biển Acapulco - địa chỉ hấp dẫn khách du lịch thế giới... Và trên hết, đọng lại trong tôi là tình cảm thân thiện của người Mexico đối với Việt Nam.
26 năm đã trôi qua kể từ ngày kết thúc nhiệm kỳ về nước (1991). Theo quy luật tự nhiên, với một người đã ở tuổi trên 70, tất yếu trí nhớ đã giảm nhiều, nhưng những ký ức đẹp về Mexico trong tôi vẫn luôn bừng sáng.
Việt Nam - Mexico tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương Cuối tháng 3 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Mexico Lê Linh Lan đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mexico Miguel ... |
Việt Nam và Mexico tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị Ngày 14/7, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico City, Đại sứ Việt Nam Lê Linh Lan đã có cuộc gặp gỡ, ... |
Việt Nam - Mexico: Gắn kết bởi sự đồng cảm và tình hữu nghị Mexico - quốc gia Trung Mỹ tưởng như xa xôi, nhưng với người dân nơi đây, hai tiếng Việt Nam lại vô cùng gần gũi. ... |