Nhỏ Bình thường Lớn

Khí phách Nguyễn Cơ Thạch

Trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, giới chính khách, báo chí quốc tế nể phục trước vị “thuyền trưởng” Nguyễn Cơ Thạch chèo lái con thuyền ngoại giao Việt Nam vượt qua những cơn “bão táp” trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử ngoại giao hiện đại.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với các nhà báo. (Ảnh tư liệu)
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với các nhà báo. (Ảnh tư liệu)

Nhà ngoại giao xuất sắc tại Liên hợp quốc

Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc (LHQ). Năm 1977 cũng là năm mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter rất thiện chí và tích cực thúc đẩy việc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Lúc này, nhiều người Việt Nam đã nghĩ về một tương lai tươi sáng, đó là hội nhập với thế giới và phát triển kinh tế sau mấy chục năm chiến tranh.

Thế nhưng, kỳ vọng đó không kéo dài được lâu khi năm 1978, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn thách thức: quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ngày càng xấu đi, quân Khmer Đỏ liên tục gây rối ở biên giới phía Tây Nam.

Đỉnh điểm là vào năm 1979, Việt Nam cùng lúc phải đối mặt với hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Ông Nguyễn Cơ Thạch là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam giữa vòng xoáy của thế cuộc lịch sử đó!

Năm 1979, ông Nguyễn Cơ Thạch trở thành Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (hàm Bộ trưởng). Năm 1980, ông chính thức là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời đảm nhiệm vai trò Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam dự Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ (từ năm 1979 cho đến năm 1990, khi ông chính thức nghỉ hưu). Ông bước vào nhiệm kỳ Bộ trưởng Ngoại giao với giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời hiện đại.

Thế nhưng, có lẽ lịch sử đã lựa chọn ông - Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch! Trong mắt bạn bè quốc tế, nhà ngoại giao ấy vẫn tỏa sáng, giành được nhiều thiện cảm, đặt nền tàng “phá vây” cho Việt Nam ở nhiều “mặt trận”.

Có lần, giữa giờ giải lao của các phiên họp tại ĐHĐ LHQ, một nữ đại sứ của Seychelles - người được mệnh danh là hoa khôi của LHQ thời điểm đó đã đưa ra lời nhận xét về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: “Ông Thạch đang thể hiện mình là nhà ngoại giao xuất sắc nhất LHQ thời điểm này”. Ở New York, Nguyễn Cơ Thạch đã tranh thủ tất cả các cơ hội để thay đổi nhận thức sai lầm của quốc tế về Việt Nam.

Những tình bạn đặc biệt, ngược “lẽ thường”

Ông Nguyễn Cơ Thạch có những tình bạn quốc tế đặc biệt trong cuộc đời làm ngoại giao của mình, có những người bạn của ông từng là những cựu thù của Việt Nam.

Năm 1978, khi sang New York trong một chuyến đàm phán với Mỹ, ông Nguyễn Cơ Thạch đã không đem về Việt Nam tin vui bình thường hóa với Mỹ. Nhưng các thành viên của phái đoàn Việt Nam tại LHQ thì nhớ mãi một câu chuyện: Khi ấy ở trong nước, tâm lý nghi ngại và bài Mỹ vẫn tồn tại trong rất nhiều người. Nhưng mùa Hè năm đó, ở New York, ông Thạch chủ động đến thăm nhà rất nhiều người bạn Mỹ của Việt Nam.

John Mcauliff (Giám đốc Quỹ Hoà giải và phát triển Mỹ) bắt đầu đưa các giáo sư Mỹ tới Việt Nam từ năm 1985, dưới sự bảo trợ của tổ chức mà ông đứng đầu, với mục đích mở cánh cửa bình thường hóa thông qua việc cho phép các học giả Mỹ tự mình xem xét tình hình thực tế tại Việt Nam.

John Mcauliff vẫn kể đi kể lại một câu chuyện về ông Thạch: Trước khi tổ chức đám cưới ở Mỹ, ông John và vợ ông đã làm lễ đính hôn ở Hà Nội vào thời điểm mà sự nghi ngại trong quan hệ Việt - Mỹ còn rất nặng nề. Lễ đính hôn của họ do Đại sứ Tây Đức đứng ra tổ chức. Trong bầu không khí ấy, John Mcauliff hoàn toàn không dám chắc trong số những người bạn Việt Nam của mình, ai có thể đến dự lễ đính hôn của ông.

Nhưng trái với lo lắng của ông John, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cùng phu nhân đã đến dự. Bầu không khí của bữa tiệc đính hôn trở nên thoải mái hơn rất nhiều, khi những người Việt Nam khác tham dự bữa tiệc đó hoàn toàn yên tâm bởi không chỉ họ, mà một Uỷ viên Bộ Chính trị - ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng tham dự bữa tiệc này.

Trong giới ngoại giao, tình bạn giữa ông Nguyễn Cơ Thạch - Bill Sullivan cũng thật đặc biệt.

Năm 1973 ở Hiệp định Paris, Bill Sullivan là nhà thương thuyết của Ngoại trưởng Mỹ Kissingger, Nguyễn Cơ Thạch là nhà thương thuyết của ông Lê Đức Thọ.

Thông minh, tài giỏi, dí dỏm và đều có sức lôi cuốn, nên dù là đối thủ của nhau, ông Nguyễn Cơ Thạch và Bill Sullivan vẫn trở thành bạn bè. Vào năm 1989, khi Việt Nam tuyên bố rút quân vô điều kiện khỏi Campuchia, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã mời ông Sullivan đến thăm Việt Nam, cùng ông làm cầu nối cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Ý tưởng thành lập Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ cũng hình thành trong chuyến đi này. Chỉ vài tháng sau chuyến thăm của ông Bill Sullivan đến Việt Nam, vào tháng 8/1989, Mỹ và Việt Nam bắt đầu có cuộc đối thoại chính thức đầu tiên tại New York về vấn đề Campuchia. Đó là những tín hiệu tươi sáng đầu tiên của tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch qua đời, Đại sứ Bill Sullivan viết thư cho bà Phan Thị Phúc, phu nhân của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: “Chúng tôi thực sự đã là những người bạn của nhau. Dựa trên tình bạn này, chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực để hàn gắn hố ngăn cách và đặt nền móng cho tình hữu nghị giữa hai đất nước. Chúng tôi đã phấn đấu thành công cho mục tiêu này cho đến khi ông ấy mất. Tôi sẽ luôn coi kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam - Mỹ là tượng đài cho những công việc mà ông Thạch đã làm”.

Nữ ký giả của tờ Washington Post Elizabeth Becker là người dành nhiều thiện cảm cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Trong con mắt của bà, Nguyễn Cơ Thạch là người “thông minh và khí phách như Chu Ân Lai, mộc mạc như Mahatma Gandhi. Bậc thầy về những cử chỉ bao quát lẫn sự khôn ngoan, tinh tế trong từng tiểu tiết”.

Biểu tượng của một Việt Nam có thể đối thoại

Với báo chí quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người thẳng thắn, bộc trực và sẵn sàng bẻ lại họ trước những câu hỏi hóc búa. Ông là một trong số rất ít chính khách Việt Nam thời kỳ đó có thể “đấu tay đôi” với phóng viên nước ngoài mà không cần thông qua phiên dịch.

Suốt 12 năm làm Trưởng đoàn ở LHQ, nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch được các phóng viên vô cùng ưa thích.

Trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post ngày 8/11/1980, nữ nhà báo Elizabeth Becker đã miêu tả về những ngày ông Nguyễn Cơ Thạch ở New York như sau: “Nguyễn Cơ Thạch sử dụng chuyến đi của mình đến New York như cách mà một tác giả đang bán cuốn sách ăn khách mới xuất bản của mình.

Ngoài những cuộc trao đổi chính thức với các quan chức nước ngoài, ông thường đi ra khỏi bức tường xám của Trụ sở LHQ và thực hiện rất nhiều cuộc tiếp xúc không chính thống theo một cách rất Mỹ.

Ông trả lời phỏng vấn trên chương trình Today vào buổi sáng.

Ông ăn tối với các thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một nhóm những người được chọn lựa từ giới tinh hoa Bờ Đông (nước Mỹ).

Đôi khi vào buổi tối, người ta thấy ông ngồi nói chuyện vui vẻ với một thượng nghị sĩ Mỹ tại sảnh khách sạn Plaza.

Khí phách Nguyễn Cơ Thạch
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tại họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm Australia, tháng 3/1984. (Ảnh tư liệu)

Nguyễn Cơ Thạch toả sáng ở tất cả mọi nơi mà ông xuất hiện. Nên không có gì khó hiểu khi nhiều người Mỹ tò mò muốn gặp và bắt tay với một ‘kẻ thù cũ’ đầy sức hấp dẫn như ông”.

Nhà báo Ấn Độ, Giáo sư Nayan Chanda từng là phóng viên thường trực khu vực Đông Dương của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông chia sẻ đã nhiều lần gặp ông Thạch, chủ yếu là ở New York, Hà Nội và Bangkok.

Ông Thạch luôn là tâm điểm của các phóng viên, không chỉ vì Việt Nam đang là trung tâm của câu chuyện thời điểm đó, mà còn bởi vì ông Thạch là một Bộ trưởng rất khéo léo, tinh tế và sắc sảo, với những phát ngôn nhạy bén và rõ ràng. Vì vậy, các nhà báo luôn thích lắng nghe ông.

Giáo sư Nayan Chanda kể lại rằng, khi có người hỏi ông Thạch: “Tại sao chỉ có 20 quốc gia công nhận chính quyền ở Phnom Penh?”, ông Thạch nói: “Việt Nam tham gia Liên hợp quốc 19 năm trước và tới nay mới chỉ có 20 quốc gia công nhận chúng tôi. Chính phủ mới của Campuchia mới nắm quyền có vài tháng, nhưng đã có tới 21 quốc gia công nhận họ. Vậy thì họ tốt hơn chứ. Cũng như lúa cần thời gian để chín và trổ bông, một chính phủ mới cũng cần thời gian, giống như chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn khi trồng lúa được”.

Trong con mắt của Giáo sư Nayan Chanda, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn biết dùng ngôn ngữ giản dị để truyền tải thông điệp chính trị sâu sắc.

Tháng 6/1984, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lần đầu trả lời phỏng vấn nhà báo Đan Mạch Thomas Bo Pedersen, giải thích quan điểm của Việt Nam về các vấn đề then chốt trong giai đoạn biến động đầy phức tạp. Cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời của nhà báo Thomas Bo Pedersen.

Theo nhà báo Thomas Bo Pedersen, điều khiến cho ông Thạch trở thành một nhân vật vĩ đại là bởi ông luôn nói: “Đừng làm mọi thứ về tôi to tát lên”. Nếu người khác ca ngợi ông, ông sẽ nói: “Tôi có nhiệm vụ quan trọng, nhưng tôi là một người trong cả một tập thể lớn. Tôi chỉ hy vọng đã hoàn thành công việc của mình”.

“Hơn ai hết, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đã tạo ra uy tín cho Việt Nam. Ông trở thành biểu tượng cho một đất nước Việt Nam mà thế giới có thể đối thoại. Tôi nghĩ rằng, ông Thạch có thể nói chuyện với bất kỳ ai, có lẽ chỉ trừ Pol Pot và luôn để ngỏ mọi cánh cửa. Tôi cho rằng, đóng góp lớn nhất của ông cho Việt Nam là đưa đất nước ra khỏi sự cô lập và hội nhập cùng thế giới”, nhà báo Thomas Bo Pedersen nhận định.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và câu chuyện đổi mới tư duy, phương pháp làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và câu chuyện đổi mới tư duy, phương pháp làm việc

Không chỉ tham gia cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ ...

Những dự báo 'không thể ngờ tới' của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Những dự báo 'không thể ngờ tới' của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Trong ký ức của Đại sứ Trương Triều Dương về Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch ...

(tổng hợp)