TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ cần khôi phục tiến trình đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel | |
Tâm điểm chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ là gì? |
Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo hôm 5/3, nhân chuyến thăm năm ngày của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Washington, cho thấy mối quan hệ song phương đang “thăng hoa” nhất kể từ khi người Do Thái lập quốc 7 thập kỷ trước. Chỉ trong vòng chưa đầy 400 ngày kể từ khi ông Trump trở thành người đứng đầu Nhà Trắng, hai bên đã gặp gỡ tới 5 lần.
Trong khi đó, thứ mà người Palestine nhận được từ Mỹ chỉ là thái độ hờ hững và những viện trợ nhân đạo ngày một ít ỏi. Không ít người lo ngại rằng lập trường có phần thiên lệch của Washington sẽ khiến quan hệ sóng gió giữa hai quốc gia “không đợi trời chung” ở Trung Đông ngày một “nóng”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc trò chuyện ngày 6/3. (Nguồn: AP) |
Cái bắt tay nồng ấm
Vốn là đồng minh truyền thống và một trong hai “Trụ cột” trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Đông, song quan hệ giữa hai nước đã ít nhiều nguội lạnh dưới thời cựu Tổng thống Obama. Tuy nhiên, kể từ khi Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, mối bang giao này đã được cải thiện và nâng lên một tầm cao mới, đặc biệt là sau khi Washington quyết định dời Đại sứ quán tại Tel Aviv tới Jerusalem, ngầm công nhận chủ quyền của quốc gia Do Thái với thánh địa linh thiêng.
Đây tiếp tục là nội dung được hai nhà lãnh đạo đề cập tới trong buổi trò chuyện ngày 5/3. Bên cạnh màn “tay bắt, mặt mừng” cùng những lời ca tụng, ông Trump cho biết sẽ thúc đẩy việc di dời Đại sứ quán tới Jerusalem, với một trụ sở tạm thời được xây dựng “nhanh chóng và ít tốn kém”. Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Mỹ đánh tiếng về tham dự lễ khánh thành công trình này, nhận định đây là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử quan hệ hai nước. Tuy nhiên, nếu trở thành sự thực, chuyến đi sẽ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Palestine nói riêng và cộng đồng các nước Ảrập nói chung.
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định Mỹ vẫn còn cơ hội đem lại hòa bình cho khu vực Trung Đông và lạc quan rằng người Palestine đã sẵn sàng: “Tôi nghĩ rằng người Palestine đang rất muốn quay trở lại bàn đàm phán bởi vì nếu không, họ sẽ khó có thể tìm kiếm được hòa bình”.
Đáp lại thịnh tình của nguyên thủ nước chủ nhà, Thủ tướng Israel cũng dành nhiều lời khen cho “người bạn Donald” và tái khẳng định về mối bang giao khăng khít giữa Washington và Tel Aviv. Tuy nhiên, khác với ông Trump, ông Netanyahu không quá chú trọng về mục tiêu tìm kiếm hòa bình với Palestine mà tập trung đề cập đến mối nguy từ Iran, tin rằng đây là thách thức cả hai nước đang phải đối mặt. Bà Michele Flournoy, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, nhận định Israel cần chính quyền Trump nỗ lực hơn nữa nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Syria, ngăn cản Iran tiếp tục hiện diện tại quốc gia Trung Đông đầy bất ổn này.
Được hỏi về vấn đề Palestine, ông Netanyahu cho rằng người dân nơi đây khó có thể thành lập một quốc gia độc lập cho riêng mình, khi dải Gaza đã nhanh chóng nằm dưới quyền kiểm soát của tổ chức khủng bố Hamas ngay sau khi quân đội Israel rút lui. Nhà lãnh đạo 68 tuổi cũng đã nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt của cộng đồng người Do Thái và có bài phát biểu vô cùng thành công trước Ủy ban Công vụ Mỹ - Israel (AIPAC).
Cán cân nghiêng
Trong khi Mỹ tiếp đón nguyên thủ Israel với những nghi thức trang trọng nhất, thái độ mà Washington dành cho Palestine chỉ là sự hờ hững và quyết định cắt giảm viện trợ. Hồi tháng Một, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cắt giảm 65 triệu USD dành cho Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA). Động thái này sẽ khiến các hoạt động nhân đạo tại Palestine gặp nhiều thách thức và buộc người dân khu vực này phải đối mặt với những thảm họa nhân đạo mới.
Trong khi đó, giải pháp mà Tổng thống Trump vạch ra đem lại hòa bình cho Palestine và Israel được đánh giá là không khả thi. Phía Palestine đã phản đối và từ chối tham gia vào kế hoạch này. Phát biểu tại một hội thảo tại London, Đại sứ Palestine tại Anh Manuel Hassassian cho rằng Mỹ đã đánh mất vị thế người “cầm cân nảy mực” tại Trung Đông sau khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đại biểu của giới Ả rập trong Quốc hội (Knesset) Israel, Phó Chủ tịch Knesset Ahmad Tibi cũng có nhận định tương tự khi cho rằng Washington đang áp dụng tiêu chuẩn kép khi một mặt ủng hộ Israel, một mặt cho rằng mình có thể dàn xếp với Palestine.
Giới chuyên gia cũng tỏ ý ngờ vực vị trí của Mỹ trong giải quyết vấn đề Israel - Palestine hiện nay. Đặc phái viên về các vấn đề đối ngoại của Hội đồng Yesha, Oded Revivi tin rằng Tổng thống Trump chưa tìm kiếm được giải pháp có thể được chấp thuận bởi cả Israel và Palestine. Hơn nữa, đối với chính quyền Mỹ, “án binh bất động” vẫn an toàn hơn việc vạch ra một kế hoạch để rồi thất bại như những người tiền nhiệm. Tình trạng này sẽ khiến việc tìm kiếm giải pháp thực chất cho vấn đề Israel – Palestine ngày một khó khăn hơn, đẩy khu vực Trung Đông tiếp tục rơi vào vòng xoáy bất ổn.
Nga và Iran có thể giúp xoa dịu khủng hoảng ở Trung Đông Ngày 3/3, hãng thông tấn IRNA của Iran đưa tin, Đại sứ Nga tại Tehran, ông Levan Dzhagaryan khẳng định sự hợp tác chặt chẽ ... |
Ngoại trưởng Nga, Iran thảo luận tình hình Trung Đông Ngày 19/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc gặp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ... |
Quốc vương Jordan: Không thể thiếu Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông Quốc vương Jordan Abdullah II nhấn mạnh Mỹ vẫn đóng một vai trò không thể thiếu trong bất kỳ hy vọng nào về một giải pháp ... |