📞

Khối BRICS kỳ vọng bứt phá hậu Covid-19

Quang Hiếu 17:22 | 19/11/2020
TGVN. Ngày 17/11, Hội nghị Cấp cao lần thứ 12 của các quốc gia trong khối BRICS đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Nga.
Chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao BRICS lần thứ 12 tập trung vào 3 trụ cột quan trọng: ổn định, an ninh và sự tăng trưởng mang tính đổi mới trên toàn cầu. (Nguồn: Global Times)

Chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 12 tập trung vào 3 trụ cột quan trọng: ổn định, an ninh và sự tăng trưởng mang tính đổi mới trên toàn cầu.

Hội nghị đề cập các vấn đề nóng mà toàn thế giới đang phải đối mặt sau thời gian hỗn loạn vừa qua, bao gồm những hệ quả kinh tế toàn cầu mà đại dịch Covid-19 gây ra; tác động 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các chính sách kinh tế, ngoại thương và sự sụp đổ của các cơ chế kiểm soát vũ khí…

Ổn định và phát triển hậu Covid-19

Sau khi nền kinh tế bị đại dịch tàn phá, tất các các nước BRICS dồn sự quan tâm vào vấn đề an ninh và ổn định trên toàn cầu.

Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới, mà theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng giá trị sản lượng toàn cầu sẽ sụt giảm 28.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Nhận thức được thách thức này, các nước BRICS đã nỗ lực để tìm ra những cách đối phó trong các chương trình hoạch định chính sách lớn của mình.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc cho giai đoạn 2021-2025, đã được đề cập tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Hội nghị XIX của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã vạch ra các mục tiêu tham vọng mà chỉ có thể đạt được nếu có một nền kinh tế thịnh vượng và tăng trưởng mang tính sáng tạo.

Những điều được rút ra từ phiên họp này là các mục tiêu xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, đẩy mạnh sự phát triển chất lượng cao và tạo ra sự tự chủ về công nghệ và khoa học. Trung Quốc cũng đang phấn đấu “xây dựng một quân đội tầm cỡ thế giới” và thực thi một chiến lược kinh tế “vận hành kép” mới. Để những sáng kiến tham vọng này trở thành một sự hợp tác mang tính toàn cầu thực thụ thì ổn định và an ninh là một điều kiện bắt buộc.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã đặt ra các mục tiêu liều lĩnh là “xây dựng một nước Nga hùng mạnh, thịnh vượng và hiện đại” như ông Putin từng trình bày trong Thông điệp Liên bang năm 2020.

Ông Putin nhấn mạnh rằng trong năm 2021, tăng trưởng GDP của Nga phải cao hơn mức trung bình toàn cầu để tăng hơn 3% và tiếp tục duy trì được mức này trong những năm sau đó, từ nay đến năm 2024, tỉ lệ đầu tư GDP của Nga phải đạt 25%.

Ưu tiên hàng đầu được trao cho sự tăng trưởng mang tính đổi mới, vốn được củng cố bởi việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, đòi hỏi phải thực thi một cách nhanh chóng quá trình chuyển đổi số nền kinh tế thực thụ.

Hội nghị đề cập đến các vấn đề nóng mà toàn thế giới đang phải đối mặt sau những thời gian hỗn loạn vừa qua. (Nguồn: Twitter)

Tương tự, trong “Chiến lược Phát triển Liên bang” 2020, Brazil đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân năm là 3,5% cho giai đoạn 2021-2031. Tốc độ tăng trưởng này sẽ khiến GDP bình quân đầu người tăng lên 37% trong thập kỷ tới, và sẽ được hiện thực hóa thông qua một loạt cải cách mang tính biến đổi cùng những tiến triển về mặt giáo dục.

Về phần mình, Nam Phi mới đây đã tiết lộ một kế hoạch vĩ mô nhằm kích thích nền kinh tế bằng cách tạo ra 800.000 viêc làm và phân phối 60 tỷ USD cho đầu tư từ nay đến năm 2024. Một trong số những hiệu quả được mong đợi sẽ là tăng trưởng kinh tế thường niên đạt 3%.

Trước đó, tháng 5/2020, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã nhấn mạnh rằng việc thực hiện kế hoạch “Ấn Độ thế kỷ XXI” là khả thi nếu đất nước có thể đảm bảo chắn chắn sẽ trở nên tự chủ.

Tự chủ là một xu hướng được đúc kết sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy vì những lệnh phong tỏa toàn quốc trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và đã được nhiều nước thực hiện. Hiện nay, chính phủ của ông Modi đang kỳ vọng Ấn Độ sẽ đạt được sự phục hồi nhanh nhất toàn cầu sau khi công bố một gói các biện pháp kích thích chiếm 9% GDP.

Mặt khác, Nga đã duy trì các mối liên hệ mật thiết và đã đạt được những “thỏa thuận đáng kể” liên quan đến vaccine phòng Covid-19 với Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Hội nghị thượng định lần thứ 12 của các quốc gia trong khối BRICS đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Nga. (Nguồn: DNA)

Tiềm năng phát triển công nghệ cao

Trong tương lai, sẽ còn nhiều đại dịch nữa, vì vậy các nước nhận ra rằng họ cần cùng nhau thúc đẩy một hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn, cần phải nhận thức được tầm quan trọng của sự phát triển mang tính đổi mới cho an ninh quốc gia của một đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra.

Các thành viên khối BRICS nhận ra ý nghĩa quan trọng của các công nghệ không gian có độ chính xác cao đối với sự cải tiến công nghệ cao, vì vậy Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi đều có những chương trình không gian tham vọng của riêng mình.

BRICS đã nhất trí hợp tác phát triển chòm sao vệ tinh để quan sát Trái Đất. Bên cạnh đó, khối này cũng nhấn mạnh đến tiềm năng trong hợp tác tài chính. Các nền tảng hợp tác mới tương tự như Ngân hàng Phát triển mới (NDB) được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong tương lai.

Song song với đó, Trung Quốc và Nga đang nhanh chóng mở rộng việc sử dụng các đồng nội tệ của mình trong giao dịch thương mại. Việc thiết lập nền tảng Thanh toán BRICS năm 2019 là một động thái nữa trong chuỗi hành động từ bỏ đồng USD được Nga và Trung Quốc quảng bá.

Một số học giả người Nga đã nhận ra tiềm năng của BRICS và tin rằng cơ chế này có thể trở thành một nền tảng mới cho sự quản trị toàn cầu, thay thế cho G7. Tuy nhiên, Ấn Độ là một đối tác lâu đời của Mỹ và là một trọng tâm trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, điều sẽ khó mà thay đổi dưới thời ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ công bố là Tổng thống Mỹ kế nhiệm ông Trump.

Ngược lại, chính sách này thậm chí có thể còn được tăng tốc bởi ông Biden nổi tiếng với mong muốn tái thiết lập các mối liên minh và hướng tới một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Vì vậy, khả năng là BRICS sẽ không thảo luận các vấn đề an ninh nhạy cảm và các chính sách hợp tác này với ông Biden. Cuộc họp lần này có lẽ sẽ tập trung vào các mối quan tâm chung với một sự nhấn mạnh đặc biệt vào đại dịch Covid-19 và cách thức hợp tác đối phó với nó.

(theo CGTN)