Người dân ăn mừng phán quyết của Tòa án ở Tripoli (ảnh: Reuters). |
Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi các tay súng xông vào mỏ dầu lớn nhất Lybia và đóng cửa cơ sở sản xuất ở phía Nam nước này.
Nghị sỹ Hồi giáo Abderrauf al-Manai đã kiến nghị lên Tòa án Tối cao Libya ra phán quyết về tính hợp pháp của quốc hội mới. Nghị sỹ al-Manai cùng với các nghị sỹ Hồi giáo khác đã tẩy chay kỳ họp Quốc hội tại thành phố Tobruk ở miền Đông Libya, với lý do cơ quan lập pháp này vi phạm Hiến pháp vì không đặt trụ sở ở thủ đô Tripoli hay ở Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya và đã vượt thẩm quyền khi kêu gọi nước ngoài can thiệp quân sự vào Libya sau khi phiến quân "Bình minh Libya" chiếm giữ thủ đô Tripoli.
“Tôi hi vọng tất cả các bên sẽ tôn trọng quyết định của Tòa án”, ông al-Manai phát biểu với kênh truyền hình Al-Nabaa.
Cơ quan lập pháp này đã thông qua việc thành lập chính phủ của Thủ tướng Abdullah al-Thani, một trong hai chính phủ đối địch tại Libya. Tuy nhiên chính quyền của ông al-Thani lại nhận được rất ít ủng hộ ở trong nước và vẫn chưa dành được quyền kiểm soát Tripoli hay Benghazi từ lực lượng dân quân liên kết với các chính phủ trước.
Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng, cũng như sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội trong cuộc tranh giành quyền kiểm soát nguồn năng lượng dự trữ khổng lồ ở nước này. Bên cạnh đó là hàng chục nhóm vũ trang cũng tham gia cạnh tranh.
Các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng của Lybia lo ngại rằng quốc gia này đang đứng trước bờ vực của một cuộc nội chiến quy mô lớn, mà ở đó các cựu phiến quân đã từng tham gia vào việc lật đổ ông Gaddafi hiện đang sử dụng vũ trang để lập ra thái ấp của mình.
Từ giữa tháng Bảy vừa qua, đụng độ leo thang tại thủ đô Tripoli và thành phố cảng Benghazi ở miền Đông giữa các liên minh đối địch đã khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hàng chục nghìn người nước ngoài phải về nước.
Giao tranh ác liệt tại Tripoli khiến quốc hội mới được bầu cũng như chính phủ phải chuyển trụ sở về thành phố Tobruk, gần biên giới với Ai Cập.
Trong khi đó, cơ quan lập pháp cũ - Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) - không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli với sự hậu thuẫn của phiến quân.
Minh Ngọc (tổng hợp)