Nhiều người ví Thái Lan như đang chung sống với một đại dịch mà tại đó, căn bệnh truyền nhiễm “bất ổn chính trị” đã lây lan sang nhiều lĩnh vực khác nhau, gây chia rẽ và đe dọa tương lai phát triển của “xứ sở nụ cười”. Căn bệnh này giờ đây khó có thể điều trị chỉ bằng một liều kháng sinh đơn thuần.
Đó cũng là lý do mà ai cũng bảo chính trường Thái Lan chưa thể yên dù Tòa án có ra phán quyết như thế nào đi chăng nữa. Nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Thái Lan đâu phải xuất phát từ số tài sản kếch xù của ông Thaksin.
Vấn đề nằm ở cuộc xung đột dai dẳng và quyết liệt giữa quân đội, giới thị dân thượng lưu, những người trung thành với Chính phủ (phe “áo vàng”) và những người ủng hộ Thaksin chủ yếu sống ở nông thôn (phe áo đỏ). Gay cấn ở chỗ phe áo đỏ đang cho rằng sự chống đối của họ là có lý.
Tỏ ra công minh và khôn khéo, Tòa án Tối cao Thái Lan ra phán quyết chỉ sung công hơn 46 tỷ bạt (tương đương 1,4 tỷ USD) trong số tài sản gây nhiều tranh cãi trên của ông Thaksin. Số còn lại ông này được quyền giữ vì đó là tài sản tích góp trước khi làm Thủ tướng tháng 2/2001.
Nhưng phe áo đỏ coi đây là “một phần” chiến thắng, phần thua còn lại là do động cơ chính trị. Chiến thắng này có thể tiếp thêm sức mạnh cho ông Thaksin và những người ủng hộ huy động lực lượng trên đường phố để tung ra đòn quyết định vào trung tuần tháng 3 tới.
Rồi các đối tác trong liên minh chính phủ vốn có thái độ bất bình có thể bắt đầu cân nhắc lại lòng trung thành chính trị của họ. Chính trường Thái Lan sẽ còn chìm trong sóng gió, và nếu có “địa chấn”, không ngoại trừ khả năng quân đội buộc phải can thiệp. Như vậy, một vòng luẩn quẩn mới lại bắt đầu.
Mới đây, báo chí quốc tế đã xếp Thái Lan vào danh sách những nước có địa điểm du lịch đẹp và hấp dẫn nhất thế giới. Thế nhưng, bất ổn chính trị kéo dài làm hoen ố danh tiếng này. Chính phủ nhiều nước cảnh báo công dân không tới Thái Lan, thậm chí chớ mặc “áo đỏ” hay “áo vàng” khi buộc phải tới đất nước này để tránh… bị hiểu nhầm.
Đầu tư tại Thái Lan đã giảm mạnh, hiện chỉ bằng 70% của mức trước năm 1997. Tăng trưởng kinh tế dự kiến chỉ đạt 2-3%, thất thu vào khoảng 100-190 tỷ bạt do tiêu dùng, du lịch và đầu tư đều giảm.
Nghiêm trọng hơn, người ta lo sợ các cuộc biểu tình sắp tới của phe áo đỏ sẽ biến thành bạo động, gây chia rẽ sâu sắc xã hội nước này mà chưa biết đến khi nào mới có thể hàn gắn. Rõ ràng, khủng hoảng chính trị triền miên đang khiến Thái Lan mất dần sức cạnh tranh và lãng phí những tiềm năng sẵn có.
Không những thế, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế như hiện nay, bất ổn ở Thái Lan cũng đang tác động đến nỗ lực vượt qua khủng hoảng của toàn khối ASEAN. Tương lai và sức mạnh của một cộng đồng ASEAN trên thực tế vẫn phải dựa vào “sức khỏe” của mỗi thành viên. Và liều thuốc đặc trị cho căn bệnh truyền nhiễm, mang lại “sức khỏe” cho chính trường Thái Lan, có lẽ đang nằm trong trái tim của mỗi người dân nước này, dù là “áo vàng” hay “áo đỏ”.
Theo Đất Việt