(Ảnh minh họa) |
Theo ông Lino Busa, Chủ tịch hiệp hội Sos Impresa chuyên giúp đỡ các doanh nghiệp là nạn nhân của tình trạng bảo kê và cho vay nặng lãi, khủng hoảng kinh tế trước hết là do khan hiếm tiền mặt trong khi mafia lại có rất sẵn tiền và tỏ ra “nhanh nhạy” trong việc tận dụng cơ hội mới này. Ước tính, mỗi ngày các tổ chức mafia Italy thu được 250 triệu euro từ tiền bảo kê và cho vay nặng lãi đối với các doanh nghiệp và nhà bán lẻ.
Báo cáo công bố cuối năm ngoái của Confesercenti - Hiệp hội dịch vụ bán lẻ Italy quy tụ 270.000 doanh nghiệp, cho biết trong năm 2008, mafia Italy đã đạt doanh số khoảng 130 tỉ euro (tương đương 6% tổng sản phẩm quốc nội và tăng 5% so với năm 2007) và đạt lợi nhuận ròng 70 tỉ euro. Cho vay nặng lãi là ngành kinh doanh béo bở nhất của mafia. Có khoảng 180.000 doanh nghiệp Italy bị mafia ép buộc phải vay tiền của chúng với lãi suất cao và hơn 1 triệu doanh nghiệp và cửa hàng bán lẻ phải thường xuyên nộp tiền bảo kê cho chúng.
Theo Confesercenti, mafia đang hiện diện đông đảo trong lĩnh vực xây dựng bất động sản (chiếm 37,5% tổng số tiền đầu tư “bẩn”) và bỏ vốn 40% trong lĩnh vực bán lẻ và nhà hàng. Silvana Fucito, Chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội chống bảo kê và cho vay nặng lãi, cũng tiết lộ rằng lợi nhuận của mafia từ hoạt động cho vay nặng lãi lên đến 12,6 tỉ euro mỗi năm và sẽ gia tăng mạnh nhờ khủng hoảng kinh tế. Theo Bộ trưởng Nội vụ Roberto Maroni, các băng mafia lớn nhất tại Italy thậm chí còn đóng một vai trò trong nền kinh tế quốc gia, trong đó chỉ riêng Ndranghetta trong năm ngoái đã đạt tổng doanh thu 45 tỉ euro.
Sos Impresa ước tính có tới hơn 1/3 kẻ cho vay nặng lãi tại Italy có liên hệ trực tiếp với mafia. Lãi suất cho vay nằm trong khoảng từ 100-200%. Trong các tháng qua, số lượng nạn nhân đến yêu cầu sự trợ giúp của hiệp hội này đã tăng rất nhanh. Bà Silbana Fucito, một chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực trang trí xe hơi tại TP. Napoli từng bị mafia đốt nhà máy do không chịu trả “thuế”, cho biết những người gặp khó khăn về tài chính nhưng lại bị các nhà băng từ chối đôi khi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến những kẻ cho vay nặng lãi.
Báo cáo của cảnh sát nước này cho biết, mafia còn thâm nhập sâu vào các hoạt động của nền kinh tế như du lịch, khách sạn, nhà hàng, chế biến thực phẩm, chứng khoán, công nghiệp giải trí, thậm chí cả kinh doanh rác và bãi rác.
Hữu Chiến