📞

Ký ức của một thời “vừa đánh, vừa đàm”

09:00 | 04/02/2018
45 năm đã qua, những chứng nhân Việt Nam của Hội nghị Paris giờ đều ở độ tuổi trên dưới 90 nhưng những chi tiết đáng nhớ, những giờ phút đàm phán căng thẳng của Hội nghị Paris vẫn trở về sống động khi các cán bộ lão thành có dịp ngồi lại cùng nhau.

Kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2018), Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật và ý nghĩa giữa các thế hệ cán bộ ngoại giao. Đặc biệt, những chia sẻ của các nguyên lãnh đạo cấp cao, cán bộ từng trực tiếp tham gia đàm phán và phục vụ quá trình đàm phán và ký Hiệp định ngày ấy như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm; các nguyên Đại sứ, Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh; Phạm Ngạc... đã để lại nhiều bài học vẫn còn nguyên giá trị với ngoại giao nước nhà hôm nay.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau buổi gặp mặt kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris do Bộ Ngoại giao tổ chức (Ảnh: Nguyên Hồng)

Những trải nghiệm “thấm thía”

Bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã rất xúc động nhắc lại thời kỳ chiến đấu anh hùng trên mặt trận ngoại giao. Người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định nhấn mạnh, từ Hội nghị Paris có thể mang lại rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho ngành Ngoại giao. Đặc biệt, những trải nghiệm mà bà thấy thấm thía nhất và đúc rút lại chỉ trong những cụm từ ngắn gọn: biết đánh giá tình hình (ta và địch, tình hình quốc tế và khu vực), phải biết chớp thời cơ và có sách lược khôn ngoan.

Bà Bình nhớ lại ba năm trước khi Hiệp định được ký kết, Việt Nam đã nêu ra hai yêu sách: đòi Mỹ rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam và xóa bỏ chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Đến năm 1972, tình hình thế giới và chiến sự thay đổi, ta chỉ tập trung yêu cầu Mỹ rút quân, vấn đề chính trị miền Nam giải quyết sau. Bà cho đây là một quyết định vô cùng khôn ngoan. Bởi trong suốt ba tháng tranh luận, đấu tranh với nhau, cuối cùng phía Mỹ căn bản chấp nhận văn bản của ta dù còn một số điều khoản chưa thực sự đồng ý và dự định ký hiệp định này vào tháng 10/1972. Nhưng sau đó phía Mỹ trì hoãn, lấy lý do chính quyền Thiệu chưa tán thành hoàn toàn. Chỉ đến khi, Việt Nam giành thắng lợi cả trên mặt trận quân sự và ngoại giao, Mỹ mới đồng ý ký Hiệp định Paris.

Tuy nhiên, theo bà Bình, ngoại giao nhân dân đã đóng vai trò rất quan trọng vào sự thành công của Hiệp định Paris. Trong điều kiện chiến trường gặp nhiều khó khăn, mặt trận ngoại giao nhân dân phát triển hết sức mạnh mẽ đã động viên cho mặt trận quân sự. “Ngành Ngoại giao của chúng ta có ba mảng: Ngoại giao Nhà nước, Ngoại giao Đảng và Ngoại giao Nhân dân. Nhưng tôi đánh giá, Ngoại giao Nhân dân rất linh hoạt và rộng lớn. Trong tình hình mới hết sức phức tạp, phong trào hòa bình thế giới vẫn còn non yếu, thậm chí mâu thuẫn nhau, Ngoại giao nhân dân càng cần được quan tâm, nghiên cứu kỹ hơn để áp dụng hiệu quả, góp phần phát huy vai trò kết hợp chặt chẽ, giúp đỡ các mặt trận ngoại giao khác”, bà nói.

Chiến thắng của tinh thần độc lập, tự chủ

May mắn là thành viên đàm phán Hiệp định Paris của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh đã kể lại những ngày tháng chuẩn bị dự thảo văn bản Hiệp định Paris – một trong những công việc tối mật và quan trọng.

Điều ông Huỳnh thấy tâm đắc là dự thảo văn bản Hiệp định đã thể hiện tinh thần độc lập tự chủ của Việt Nam từ nội dung, biện pháp đến ý tứ, câu chữ. “Chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với dự thảo Hiệp định Paris cũng cực kỳ chặt chẽ, có những câu chữ phải xin ý kiến từ Hà Nội, từng điều khoản, từng câu từng chữ đều rất chặt chẽ. Đến nay sau 45 năm, nếu có đọc lại cũng khó có thể thay thế được một câu chữ nào tốt hơn hay đắt hơn”, ông Huỳnh nói.

Từng là cán bộ ngoại giao phụ trách ghi chép biên bản tại Hội nghị Paris, Đại sứ Phạm Ngạc cũng cho rằng, thời gian đàm phán là khoảng thời gian đấu trí vô cùng căng thẳng. Trong khi Mỹ có những nhà ngoại giao rất giỏi như ông Henry Kissinger, Việt Nam cũng có ông Nguyễn Cơ Thạch - người nhớ từng câu trong Hiệp định, ông Trần Quang Cơ - người tham gia rất nhiều cuộc đàm phán và nhớ toàn bộ các điều khoản.

Để đạt được bản Hiệp định Paris cuối cùng, hai bên có lúc phải thương lượng về các câu từ. “Ví dụ, trong văn bản tiếng Việt ghi là “Bộ trưởng Ngoại giao” nhưng sau được sửa là “Tổng trưởng Ngoại giao”. Hay một câu khác như: “Các cơ quan đại diện ở Sài Gòn được quyền sử dụng dịch vụ…”. Lúc đó, ở Việt Nam chưa có khái niệm “dịch vụ” nên khi các cơ quan trong nước chuyển sang tiếng Việt là “người giúp việc” thì rất khó. Do vậy, ông Nguyễn Cơ Thạch nói với tôi: “Cậu sang móc túi họ đi”. Lúc đó tôi đến gặp đại diện phía Mỹ và nói: “Chúng tôi dịch nhầm chỗ này “Services” là “dịch vụ””. Bên Mỹ đồng ý luôn”, ông Ngạc kể lại.

Cũng theo ông Huỳnh, sau những lần đàm phán cam go ấy, cuối cùng văn bản Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tập trung vào ba nội dung chính là Mỹ rút quân, không can thiệp vào miền Nam Việt Nam, thả tù binh và đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh. Phía Mỹ ban đầu có chút e ngại nhưng sau đó đã cơ bản chấp nhận đề nghị của Việt Nam. Sau này, khi có nhiều dịp gặp người Mỹ, ông cũng nhận thấy người Mỹ rất tôn trọng tinh thần độc lập, tự chủ của Việt Nam.

Nền tảng bồi dưỡng cán bộ ngoại giao

Không trực tiếp tham gia cuộc đàm phán Hiệp định Paris, nhưng thời điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Cầm giữ chức Phó Chánh Văn phòng và Thư ký của Đảng Đoàn. Vì vậy, cuộc họp nào ông cũng nhận được những văn bản thông báo tình hình diễn biến ở Paris và theo dõi sát sao cuộc đám phán này.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm đánh giá, Hiệp định Paris được ký kết thành công là thành quả về nhiều mặt không chỉ của riêng Việt Nam và cả thế giới. Đặc biệt, từ cuộc đàm phán Paris đã góp phần đào tạo thế hệ cán bộ ngoại giao tốt hơn, kể cả các cán bộ không trực tiếp tham gia. Chúng ta có sự thay đổi và biến chuyển rất nhanh về tổ chức cán bộ sau Hiệp định Paris. Các cán bộ ngoại giao Việt Nam tham gia đàm phán Paris thời kỳ đó không có nhiều kinh nghiệm ngoại giao đa phương nhưng cuối cùng đã tạo ra được kỳ tích. Ông Cầm nhận xét: “Thời điểm đó, cũng giống như thời điểm hiện nay, cũng có những mặt thuận và những mặt khó khăn thách thức. Thế nhưng, từ cuộc đàm phán Paris tạo điều kiện bồi dưỡng cán bộ, giúp công việc nghiên cứu chiến lược phát triển tốt hơn, nhận thức ngoại giao tốt hơn”.