📞

Liệu yếu tố Iran sẽ ‘gây bất ngờ’ trước thềm bầu cử Mỹ?

Ánh Nguyệt 16:28 | 17/08/2020
TGVN. Liệu vụ ám sát Tướng Qasem Soleimani, Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (Quds), bằng máy bay không người lái hồi đầu năm có phải là bước đầu tiên biến cuộc Chiến tranh Lạnh âm ỉ giữa Mỹ và Iran thành một cuộc chiến tranh nóng trong những tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020?
Bên trong Iran, lập trường đối đầu của ông Trump đã giúp chuyển hướng đời sống chính trị trong nước ngả sang cánh hữu. (Nguồn: Newsweek)

Tất nhiên, không có cách nào để biết điều đó, nhưng đằng sau tỷ lệ ủng hộ ở mức cao trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận và sự trợ giúp đắc lực của Ngoại trưởng Mike Pompeo, ông Trump vẫn là một nhân vật nổi tiếng nóng nảy và thất thường.

Chẳng hạn, trong những tuần gần đây, đương kim Tổng thống Mỹ đã không ngần ngại điều lực lượng bán quân sự liên bang đến các thành phố nằm dưới sự điều hành của các thị trưởng đảng Dân chủ, và chính quyền của ông dường như đã thực hiện một loạt hành động bí mật nhưng lại không úp mở nhằm vào Tehran, khiến những người theo dõi tình hình Iran quan ngại liệu có khả năng xảy ra một “điều bất ngờ tháng 10” nằm trong các lá bài hay không.

Ý đồ của Mỹ

Phóng sự điều tra của Yahoo! News cho biết: “Theo một cựu quan chức Mỹ nắm rõ vấn đề, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tiến hành một loạt chiến dịch tấn công mạng bí mật nhằm vào Iran và các mục tiêu khác kể từ sau chiến thắng bí mật vào năm 2018 khi Tổng thống Trump ký ủy quyền cho các chiến dịch như vậy. Tài liệu này đã giúp CIA dễ dàng phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của đối thủ, chẳng hạn như các nhà máy hóa dầu”.

Đối với nhiều người Iran, vụ ám sát Soleimani bằng máy bay không người lái - và chiến dịch phá hoại sau đó - giống như một lời tuyên chiến “ảo”. Theo một số nhà phân tích, vụ ám sát Tướng Soleimani được coi là tương đương với việc Iran ám sát Ngoại trưởng Pompeo hoặc Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley.

Nếu vụ ám sát Soleimani nhằm mục đích dụ Iran “ăn miếng trả miếng” leo thang quân sự trong năm bầu cử ở Mỹ, thì nó đã thất bại. Vì vậy, có thể Mỹ và Israel đã thiết kế các cuộc tấn công dồn dập nhằm vào các mục tiêu trọng yếu của Iran trong mùa Hè này trong bối cảnh gia tăng các hành động khiêu khích Iran trả đũa, qua đó có thể tạo cớ cho một phản ứng lớn hơn của Mỹ.

Mỹ có thể sẽ phát động một chiến dịch không kích liên tục nhằm vào hàng chục cơ sở phòng không của Iran và các mục tiêu quân sự khác, cùng với mạng lưới cơ sở rộng khắp mà Mỹ đã xác định là một phần của chương trình nghiên cứu hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.

Ngoài việc gia tăng sức ép quân sự và các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào nền kinh tế Iran, Washington còn cố tận dụng thực tế là Iran, vốn đã trong tình trạng suy yếu, lại thêm ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến Iran gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc nhận được viện trợ kinh tế hay vật tư y tế và nhân đạo mà nước này đang rất cần do tỷ lệ tử vong cao.

Năm 2018, Tổng thống Trump đã đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống Iran, khởi động chiến dịch “gây sức ép tối đa” đối với Tehran, và vụ ám sát Tướng Soleimani dường như đã kích hoạt các hành động quân sự ngay trước khi chiến tranh thực sự xảy ra.

Iran "tỉnh đòn”

Bên trong Iran, lập trường đối đầu của ông Trump đã giúp chuyển hướng đời sống chính trị trong nước ngả sang cánh hữu, làm suy yếu Rouhani - nhân vật tương đối ôn hòa. Trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 2 năm nay, những người theo chủ nghĩa cực đoan và cứng rắn đã giành chiến thắng vang dội.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Iran cũng có thể theo dõi lịch trình bầu cử Tổng thống Mỹ. Giống như các cử tri Mỹ, họ biết rằng chính quyền ông Trump có thể sẽ bị thay thế sau 3 tháng nữa. Và họ biết rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, khả năng nhiều người Mỹ - trong đó có một số nghị sĩ đảng Dân chủ và các nhà phân tích có ảnh hưởng trong các cơ quan cố vấn hàng đầu ở Washington - sẽ tiếp quản Nhà Trắng.

Vì vậy, trừ khi chiến dịch chiến tranh bí mật nhằm vào các mục tiêu ở Iran được tăng cường mạnh, các nhà lãnh đạo Iran khó có thể trao cho chính quyền Mỹ cái cớ mà họ đang tìm kiếm.

Hiển nhiên, giới lãnh đạo Iran đang rất chú ý đến những khó khăn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei mới đây đã bác bỏ điều mà hầu hết các nhà quan sát tin rằng là một mưu đồ khác của Tổng thống Mỹ khi yêu cầu Iran tái tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo hai nước.

Trong bài phát biểu hôm 31/7, nhà lãnh đạo Iran đã đáp lại rằng Iran biết rõ ông Trump chỉ đang tìm kiếm các cuộc đàm phán giả vờ để giúp ông tái đắc cử vào tháng 11 tới. Trước đó, hồi tháng 6, ông Trump từng tweet về Iran: “Đừng đợi đến sau cuộc bầu cử Mỹ mới đạt được thỏa thuận! Tôi sẽ giành chiến thắng!”

Không ai trong Chính quyền của ông Trump trực tiếp lên tiếng, nhưng một sự thay đổi gần đây tại Văn phòng phụ trách vấn đề Iran thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ là một sự thừa nhận ngầm rằng cái gọi là chính sách gây sức ép tối đa với Iran đã thất bại.

Brian Hook, người đã xử lý hồ sơ Iran từ năm 2018, vừa tuyên bố từ chức - trước cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra trong tuần này nhằm xem xét gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran. Nhưng do Nga và Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ phủ quyết, Iran sẽ sớm được tự do mua vũ khí trở lại từ bất kỳ quốc gia mà họ muốn.

Chính quyền ông Trump coi kết cục này thảm họa, và nếu điều đó xảy ra, nó sẽ củng cố di sản của Hook với tư cách là kiến trúc sư về chính sách đối với Iran kém hiệu quả nhất của Mỹ cho đến thời điểm này.

Điều bất ngờ có lặp lại?

Mỹ cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ từ phần còn lại của thế giới đối với nỗ lực nhằm tạo ra sự hỗn loạn, có thể là một cuộc nổi dậy, và các điều kiện buộc Iran thay đổi chế độ trước cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới.

Tại Liên hợp quốc, khi ông Pompeo kêu gọi Hội đồng Bảo an gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, không chỉ Nga và Trung Quốc tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào như vậy mà các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng phản đối.

Trong 4 thập kỷ qua, cụm từ “Bất ngờ tháng 10” đã phát triển thành một cụm từ mang hàm ý bất kỳ hành động bất ngờ nào trong chiến dịch tranh cử tổng thống ngay trước cuộc bầu cử nhằm mang lại lợi thế bất ngờ cho một trong các ứng cử viên. Trớ trêu thay, nguồn gốc của cụm từ đó lại đến từ Iran.

Năm 1980, trong cuộc chạy đua giữa Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là Jimmy Carter và cựu Thống đốc bang California Ronald Reagan, có tin đồn rằng Carter có thể tiến hành một cuộc đột kích để giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ khi đó đang bị giam giữ ở Tehran. Theo các báo cáo khác, những nhà hoạt động trong chiến dịch tranh cử của ông Reagan đã bí mật liên lạc với Tehran nhằm thuyết phục Iran đó không thả con tin người Mỹ cho đến sau cuộc bầu cử.

Dù vậy, giới quan sát nhận định, nếu điều bất ngờ đó được lặp lại vào tháng 10 tới dưới hình thức của một cuộc xung đột vũ trang thì chắc chắn sẽ chỉ mang lại cái kết khủng khiếp cho tất cả các bên tham gia.

(theo Asia Times)