📞

Lòng tin - điều kiện cần cho hòa bình Syria

15:45 | 22/09/2016
Vòng luẩn quẩn của đàm phán - thỏa thuận - ngừng bắn - giao tranh tiếp tục quay, khiến triển vọng tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Syria ngày một trở nên vô vọng hơn.

Sau nửa năm chuẩn bị và 14 giờ đàm phán căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hôm 9/9 đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn có tính đột phá thực sự so với mọi thỏa thuận liên quan đến cuộc xung đột ở Syria trước đây. Điều này được thể hiện qua việc Nga - Mỹ lần đầu tiên nhất trí với nhau về một cơ chế phối hợp chung trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Không vượt qua sự hoài nghi

Cụ thể, theo thỏa thuận mới nhất của Nga và Mỹ, một lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi và nếu như lệnh ngừng bắn này được thực hiện nghiêm túc trong vòng 7 ngày, hai bên sẽ lập ra một Trung tâm Phối hợp hành động chung, mở đường cho lực lượng Nga, Mỹ hợp tác tiến hành các chiến dịch chống khủng bố trên chiến trường Syria.

Cả Nga và Mỹ đều đã chấp nhận thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận nói trên. Nếu như Mỹ phối hợp hành động chung với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố thì Nga cũng khoanh vùng lực lượng khủng bố ở Syria trong hai nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Al-Nusra.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: Reuters).

Thỏa thuận ngừng bắn do Nga - Mỹ đạt được chính thức có hiệu lực từ ngày 12/9. Những ngày đầu tiên thực thi thỏa thuận ngừng bắn, mọi việc diễn ra khá suôn sẻ khi tình trạng giao tranh, đụng độ gần như chấm dứt. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn mới rốt cuộc cũng không thể tránh được vết xe đổ của những lệnh ngừng bắn trước đó. Kịch bản cũ lặp lại khi các cuộc giao tranh, đụng độ lại rộ lên và các bên lại quay ra đổ lỗi nhau vi phạm.

Tiến trình thực hiện lệnh ngừng bắn mới nhất bắt đầu rẽ sang chiều hướng xấu từ hôm 17/9, khi 4 chiếc máy bay chiến đấu của liên quân do Mỹ dẫn đầu cùng 1 máy bay không người lái tấn công vào cứ điểm phòng thủ then chốt của quân đội Syria ở gần sân bay Deir ez-Zor. Vụ tấn công này đã cướp đi sinh mạng của 62 binh sĩ Syria và làm bị thương hơn 100 người khác. Trong khi giới chức Washington vội vàng lên tiếng khẳng định cuộc tấn công của họ là sự nhầm lẫn đáng tiếc, Nga và Syria tin rằng đó là một hành động cố tình. Chưa hết, hai ngày sau lại xảy ra một vụ tấn công nhằm vào đoàn xe viện trợ của Liên hợp quốc và Hội Chữ thập đỏ Syria. Lần này, Mỹ đổ lỗi cho Nga và chính quyền Syria.

Hai vụ tấn công nói trên dường như là “giọt nước tràn ly”, khiến sự hoài nghi vốn tồn tại lâu nay giữa các bên và đang ép xuống được dịp nổi lên. Kết quả, quân đội Syria tuyên bố lệnh ngừng bắn ở nước này chấm dứt và tiếp sau đó là một loạt cuộc tấn công đã được phát động.

Nhìn lại những diễn biến vừa qua, có thể thấy rằng, chính sự hoài nghi đã “giết chết” nỗ lực hòa bình của các bên. Thỏa thuận đột phá của Nga và Mỹ vẫn không thắng nổi sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các bên, cụ thể ở đây là Nga - Mỹ, chính quyền Syria - phe đối lập.

Nỗ lực tìm lối thoát

Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất nhanh chóng bị “xé toạc” khi nó còn chưa kịp ráo mực. Tuy nhiên, Washington không thể để cơ hội kiến tạo hòa bình ở Syria bị trôi tuột một cách dễ dàng như vậy. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bác bỏ tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn của chính quyền Syria, khẳng định đây là thỏa thuận trực tiếp giữa Nga và Mỹ chứ không phải với chính quyền Syria. Mỹ yêu cầu Nga có nghĩa vụ phải buộc đồng minh của mình thực hiện nghiêm túc thỏa thuận đã ký.

Lệnh ngừng bắn đổ vỡ đã kéo dài thêm danh sách những nỗ lực ngoại giao thất bại của Mỹ trong việc tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Syria. Nó cũng đe dọa phá hỏng nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Barack Obama trong việc đưa vấn đề Syria vào di sản của mình trước khi rời Nhà Trắng.

Chính quyền của Tổng thống Obama không giấu giếm tham vọng đạt được một bước đột phá trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria khi nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc. Bản thân Nga cũng muốn giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng ở Syria trước khi một Tổng thống mới lên cầm quyền ở Mỹ. Moscow hiểu rất rõ, một chính quyền mới ở Mỹ đồng nghĩa với một chính sách mới và họ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu một tiến trình phức tạp và lâu dài nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Syria.

Tuy nhiên, chỉ mong muốn thôi là chưa đủ. Nếu các bên không xây dựng được lòng tin với nhau thì mong muốn của họ mãi vẫn chỉ là mong muốn và không thể thành hiện thực.