Nhân viên an ninh yêu cầu các nhà báo rời khỏi Viện nghiên cứu virus Vũ Hán, Trung Quốc sau khi một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến thăm thực địa nhằm điều tra nguồn gốc Covid-19. (Nguồn: AP) |
Động thái này đã làm gia tăng hoài nghi về khả năng và cách thức điều tra đầy đủ nguồn gốc Covid-19, đồng thời cũng khiến tình trạng bế tắc giữa WHO, Trung Quốc và Mỹ trở nên phức tạp hơn.
Sự hợp tác của Trung Quốc là then chốt
Sau chuyến công tác tại Vũ Hán hồi mùa Đông năm 2020, nhóm nghiên cứu chung gồm các chuyên gia quốc tế và Trung Quốc đã kết luận rằng, nhiều khả năng virus lây truyền tự nhiên từ động vật, xác định rằng khu chợ có liên quan đến các ca nhiễm đầu tiên chưa chắc đã là nguồn lây, đồng thời bác bỏ khả năng xảy ra một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Trong những tháng tiếp theo, các phương pháp và phát hiện mới đã được theo dõi nghiêm ngặt, trong đó có cả sự giám sát của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tháng 5/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ định cộng đồng tình báo nước này đẩy mạnh quá trình điều tra trong vòng 90 ngày, xem xét các giả thuyết tiềm năng, kể cả khả năng xảy ra sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Ông Biden cũng thúc giục Bắc Kinh tham gia vào một “cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, minh bạch và dựa trên bằng chứng cụ thể”.
Tuy nhiên, ngày 22/7, các quan chức y tế Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy một cuộc điều tra như vậy sẽ không thể diễn ra tại nước này. Phía Trung Quốc cho rằng, đề xuất của WHO bao gồm việc kiểm tra các khu chợ và phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, vốn là điều mà Bắc Kinh “không thể” chấp nhận được.
Theo bà Mara Pillinger, chuyên gia về chính sách và quản trị y tế toàn cầu tại Viện O'Neill về Luật Y tế quốc gia và thế giới thuộc Đại học Georgetown, nếu Bắc Kinh tiếp tục giới hạn hoặc cản trở nhóm điều tra quốc tế, thì thế giới sẽ hầu như không thu được kết quả nào.
Bà Mara Pillinger khẳng định: “Nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc, cả WHO và quốc tế đều phải bó tay, từ đó khả năng xác định chính xác nguồn gốc virus sẽ giảm đi rất nhiều”.
Tuần trước, Tổng Giám đốc Tedros đã công bố một kế hoạch gồm 5 phần nhằm tiếp tục nghiên cứu về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Kế hoạch này đòi hỏi nghiên cứu sâu hơn tại các khu vực địa lý đầu tiên bùng phát ổ dịch, tăng cường rà soát các chợ động vật ở Vũ Hán và kiểm tra các phòng thí nghiệm gần nơi phát hiện các ca mắc đầu tiên.
Ông Tedros cũng tổ chức một cuộc họp báo, trong đó chỉ trích sự thiếu hợp tác của phía Trung Quốc, cho biết, chính phủ nước này đã không chia sẻ “dữ liệu thô” với nhóm nghiên cứu của WHO từng tới Vũ Hán hồi đầu năm nay.
Nhiều vấn đề còn tranh cãi
Cũng trong ngày 22/7, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Tăng Ích Tân (Zeng Yixin) đã lên tiếng đáp trả: “Thành thực, tôi rất ngạc nhiên với kế hoạch điều tra giai đoạn 2 của WHO. Vì trong đó, việc ‘Trung Quốc vi phạm quy trình phòng thí nghiệm gây rò rỉ virus’ lại là một trong những giả thuyết ưu tiên. Từ đó, tôi có thể cảm nhận được sự thiếu tôn trọng đối với lý lẽ thông thường và thái độ chủ quan về mặt khoa học trong kế hoạch này”.
Tại cuộc họp báo cùng ngày, Lương Vạn Niên (Liang Wannian), Trưởng nhóm chuyên gia Trung Quốc tham gia nghiên cứu chung với WHO, thừa nhận rằng, Trung Quốc đã không cung cấp một số dữ liệu về bệnh nhân cho các chuyên gia quốc tế, đồng thời viện dẫn các quy định của nước này về quyền riêng tư dành cho bệnh nhân. Điều này càng khiến các chuyên gia phải hoài nghi.
Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền Tổng thống Biden “rất thất vọng” về quyết định của Trung Quốc, cho rằng, lập trường của Bắc Kinh là “thiếu trách nhiệm và thực sự nguy hiểm”.
Nỗ lực chung của nhóm chuyên gia quốc tế và Trung Quốc do WHO triệu tập, nhằm truy tìm nguồn gốc đại dịch, vẫn bị chỉ trích là chậm chạp, chưa hoàn thiện và bị chính trị hóa, vì vẫn còn nhiều lỗ hổng và thiếu sót trong các dữ liệu ít ỏi thu được.
Tuần trước, WHO cho biết sẽ cập nhật báo cáo chung để khắc phục “lỗi biên tập” sau khi tờ Washington Post chỉ ra sự khác biệt trong hồ sơ của các ca bệnh đầu tiên.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của WHO cho biết, nghi vấn về địa điểm khai báo của các ca mắc đầu tiên ở Vũ Hán nhiều khả năng là một chi tiết quan trọng, có thể giúp xác định xem tất cả các ca mắc này có được phát hiện gần chợ hải sản Hoa Nam (Huanan) hay không.
Câu hỏi liệu các nhà khoa học có nên xem xét “khả năng rò rỉ trong phòng thí nghiệm” hay không vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
Tại cuộc họp báo ngày 22/7, ông Viên Chí Minh (Yuan Zhiming), chuyên gia tại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán (WIV), khẳng định SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên và nhấn mạnh, "điều này đã được cộng đồng khoa học công nhận”.
Theo Vị chuyên gia này, không có nhân viên phòng thí nghiệm nào bị lây nhiễm virus và nhấn mạnh từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2018, phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ P4 này không có bất kỳ sự cố rò rỉ mầm bệnh hay sự cố lây nhiễm nào trong các nhân viên.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng tiết lộ các cơ sở dữ liệu hiện tại của WIV chỉ được chia sẻ nội bộ do lo ngại tin tặc tấn công.
Bên cạnh đó, WIV cũng điều hành một số phòng thí nghiệm có mức độ an toàn sinh học thấp hơn và tiến hành một số nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 tại đó.
Tờ Washington Post cũng từng đưa tin về việc WIV tiến hành một số nghiên cứu mật và thừa nhận có sai sót về quy định an toàn nội bộ hồi tháng 11/2019.
Các nhà điều tra quốc tế đến Vũ Hán, Trung Quốc, điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 vào tháng 1/2021. (Nguồn: Reuters) |
Rào cản lâu dài cho quá trình hợp tác
Ông Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho biết, các quan chức Trung Quốc dường như đang báo hiệu các “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh, nhằm định hướng nội dung cho giai đoạn nghiên cứu sắp tới, nếu cuộc điều tra vẫn tiếp tục.
Ông Yanzhong Huang nhận đinh: “Họ (các quan chức Trung Quốc) đang cố gắng đưa ra một lập trường đàm phán có lợi”.
Bắc Kinh cũng đang tiếp tục công kích, đưa ra những tuyên bố không có cơ sở nhắm vào Mỹ. Ngày 21/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã kêu gọi tiến hành điều tra phòng thí nghiệm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của quân đội Mỹ tại căn cứ Fort Detrick, Maryland, nhằm truy tìm nguồn gốc của Covid-19, đồng thời cho biết, có 5 triệu người dùng Internet tại Trung Quốc đã ký đơn ủng hộ ý tưởng này.
Vài tháng trước, các quan chức Bắc Kinh đã thúc đẩy giả thuyết cho rằng, virus SARS-CoV-2 được đưa đến Trung Quốc thông qua các bao bì thực phẩm đông lạnh từ nước ngoài. Giả thuyết này đã bị phần lớn các nhà khoa học nước ngoài bác bỏ, vì SARS-CoV-2 có nhiều nét tương đồng về mặt di truyền với các virus phát hiện ở loài dơi tại Trung Quốc.
Các chuyên gia y tế công cộng lo ngại rằng, cuộc tranh luận căng thẳng này không chỉ ảnh hưởng đến việc tìm kiếm nguồn gốc đại dịch, mà còn cả những nỗ lực ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Ông J. Stephen Morrison, Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhấn mạnh: “Nếu sự nghi ngờ vẫn tiếp tục, nó sẽ tạo ra một rào cản lâu dài cho quá trình hợp tác dưới nhiều hình thức. Việc Mỹ và Trung Quốc mâu thuẫn trong vấn đề an toàn y tế sẽ chỉ khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn”.
| Số ca Covid-19 ở Thái Lan tăng mạnh, vượt mốc 500.000 người bệnh; tỷ lệ tiêm chủng ở Bangkok lên tới 50% Ngày 26/7, với 15.376 ca mắc Covid-19 được ghi nhận, tổng số người nhiễm căn bệnh nguy hiểm này tại Thái Lan từ đầu dịch ... |
| Nhật Bản chính thức triển khai hộ chiếu vaccine Covid-19 Ngày 26/7, chính phủ Nhật Bản đã chính thức triển khai hộ chiếu vaccine phòng dịch Covid-19. |