TIN LIÊN QUAN | |
Bùng nổ thông tin về Covid-19 trên mạng xã hội, người Thái vẫn tin ở truyền hình | |
Nhiễu như tin giả - một 'đại dịch' khác thời Covid-19 |
Poster cảnh báo các dấu hiệu nhiễm virus corona tại Hàn Quốc. (Nguồn: AP) |
“Covid-19 phát tán qua mạng 5G”, “Sử dụng đồ uống có cồn giúp phòng chống lây nhiễm Covid-19”, “Ăn tỏi để không bị nhiễm Covid-19”… Đó là một số trong rất nhiều thông tin sai lệch về dịch Covid-19 đang xuất hiện tràn lan trên khắp thế giới. Đây đồng thời là điều mà các nhà khoa học, các chuyên gia y tế và các công ty mạng xã hội vẫn chưa thể xử lý một cách triệt để.
Kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận hồi cuối năm 2019 đến nay, những thông tin giả mạo như trên đã xuất hiện với số lượng và tần suất ngày càng dày đặc trên các trang mạng xã hội, khiến cho cuộc chiến chống dịch bệnh ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp.
Đứng trước một cuộc khủng hoảng thông tin như vậy, các công ty mạng xã hội lớn đã và đang làm gì nhằm kiểm soát “đại dịch tin giả” này?
Một cuộc chiến khác
Theo nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters dựa trên 225 thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19, có đến 88% lượng thông tin trên xuất hiện ở các nền tảng mạng xã hội, trong khi con số này chỉ là 9% đối với truyền hình và 8% trên báo chí.
Với khoảng 3 tỷ người dùng trên khắp thế giới, các trang mạng xã hội đã và đang dễ dàng trở thành nơi chia sẻ và lan truyền những tin tức này với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền tảng nào khác, bất chấp nỗ lực kiểm soát từ các hãng công nghệ.
Hậu quả của những tin đồn thất thiệt này không chỉ dừng lại ở việc cản trở công tác chống dịch của các tổ chức y tế hay gây ra bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến tính mạng của người dùng nếu làm theo những chỉ dẫn sai lệch này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gọi đây là một “đại dịch tin giả” (infodemic) và đưa ra cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng cảnh báo về tác động của “đại dịch tin giả” (infodemic). |
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thông tin giả về Covid-19 trên mạng xã hội, đầu tháng 2, WHO đã tổ chức một cuộc họp với đại diện của hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn nhằm tìm ra giải pháp kiểm soát sự tràn lan của tin giả cũng như thảo luận về việc chuẩn bị ứng phó với thảm họa và cách truyền bá thông tin chính xác tới người dùng mạng xã hội.
Ngày 11/3, Chính phủ Mỹ cũng đề nghị các tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon tham gia chiến dịch chống Covid-19 bằng cách phối hợp ngăn chặn thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để sớm phát hiện và loại bỏ thông tin này trước khi chúng được phát tán rộng rãi.
Chung tay hành động
Ngày 17/3, 7 “gã khổng lồ” quản lý mạng xã hội bao gồm Facebook, Google, LinkedIn, Microsoft, Reddit, Twitter và Youtube đã đưa ra thông báo chung nhằm cam kết chống lại thông tin giả mạo được chia sẻ trên các nền tảng của mình.
Động thái trên được đánh giá là bước tiến lớn trong việc đẩy lùi nạn tin giả của các mạng xã hội sau nhiều chỉ trích về sự thờ ơ đối với vấn đề này trong quá khứ.
Theo đó, Facebook, Youtube, Twitter cùng nhiều trang mạng xã hội khác được cho là đang phối hợp chặt chẽ với WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) trong nỗ lực truy cứu nguồn gốc, kiểm chứng và loại bỏ hông tin giả mạo ngay khi phát hiện, đồng thời định hướng người dùng mạng xã hội đến những nguồn thông tin đáng tin cậy.
Cụ thể, Google tuyên bố sẽ quyết tâm loại bỏ những tin đồn thất thiệt đang xuất hiện trên công cụ tìm kiếm cũng như trên nền tảng Youtube, đồng thời định hướng người dùng đến những nguồn tin được xác thực từ WHO và các cơ quan y tế của Chính phủ các nước.
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn thể hiện quyết tâm chung tay đẩy lùi những thông tin sai sự thật trên các nền tảng của mình. (Nguồn: SCMP) |
Trong khi đó, người phát ngôn của Youtube Farshad Shadloo cho biết, công ty này sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ngăn chặn các video “khuyến khích việc thực hiện các phương pháp phòng dịch vô căn cứ thay vì thực hiện theo các chỉ dẫn y tế”.
Trong bối cảnh không ít video xuất hiện trên Youtube chứa tiêu đề và bình luận khuyến khích các phương pháp chữa bệnh thiếu căn cứ, thậm chí là các đường dẫn đến những trang web độc hại nhằm đánh cắp dữ liệu của người dùng, chính sách mới này được nhìn nhận là một bước cần thiết và kịp thời nhằm giải tỏa hoang mang cho người dùng trước lượng thông tin khổng lồ liên quan đến dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Facebook và Twitter cũng đang triển khai chính sách ngăn chặn những nội dung có thể gây hại cho người dùng, chẳng hạn như các tuyên bố khuyến khích việc không điều trị hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp chống lại Covid-19. Những bài đăng này sẽ được kiểm duyệt về mức độ xác thực bởi các cơ quan và tổ chức y tế, gắn cờ nếu chứa thông tin sai lệch và cảnh báo tới người dùng nếu có ý định chia sẻ.
Facebook cho biết, mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã làm việc với 56 đối tác kiểm tra thực tế khác nhau trên 46 ngôn ngữ để đánh giá và cảnh báo người dùng đã đọc hoặc chia sẻ tin tức giả mạo.
Hai “ông lớn” mạng xã hội đến từ Trung Quốc là Weibo và WeChat cũng đang tích cực phối hợp với WHO và chính phủ nước này nhằm chống lại nạn tin giả. Từ cuối tháng 1/2020, mạng xã hội Weibo đã gửi các thông báo hàng ngày đến người dùng về những thông tin giả mạo liên quan đến Covid-19 bị các cơ quan truyền thông nhà nước bác bỏ.
Trong khi đó, Tencent – công ty quản lý WeChat, đã hợp tác với các bác sĩ, chuyên gia y tế và các đơn vị truyền thông nhằm kiểm duyệt và đính chính các thông tin sai lệch trên nền tảng tích hợp mang tên Jiaozhen.
Việt Nam quyết liệt
Tại Việt Nam, việc kiểm soát những thông tin sai sự thật liên quan đến Covid-19 được đánh giá là mang lại hiệu quả. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các cơ quan truyền thông trên “mặt trận” chống tin giả, tin sai lệch là một đặc điểm nổi bật của Việt Nam, được thế giới đánh giá cao.
Với việc số lượng người dân tham gia các mạng xã hội lên đến 67% tổng dân số, thách thức đặt ra với các cơ quan chức năng về việc kiểm soát tin giả trên không gian mạng là không nhỏ.
(Nguồn: daibieunhandan.vn) |
Tính đến ngày 23/3, đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, clip liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đăng trên mạng xã hội.
Trong đó, theo báo cáo của Bộ Công an, cơ quan chức năng đã kịp thời xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính 146 người.
Công cuộc ngăn chặn thông tin sai sự thật bước đầu đạt được thành công là nhờ vào sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành với ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc hợp tác cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Các cơ quan truyền thông - đặc biệt là các trang mạng xã hội - chủ động phối hợp với Chính phủ trong việc nâng cao ý thức người dân về việc tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Thách thức còn đó
Mặc dù vậy, nỗ lực ngăn chặn tin giả của các trang mạng xã hội vẫn gặp phải nhiều thách thức khi các lỗ hổng cho tin giả vẫn còn tồn tại. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, chênh lệch trong hiệu quả kiểm soát của các mạng xã hội khác nhau vẫn còn khá lớn: Trong khi 59% thông tin thiếu xác thực vẫn tồn tại trên Twitter mà không hề có cảnh báo kèm theo, thì con số này đối với Youtube và Facebook là 27% và 29%.
Nỗ lực kiểm soát thông tin sai sự thật vẫn gặp phải rào cản đối với hoạt động chia sẻ trong nhóm riêng tư hay các ứng dụng nhắn tin.
Bên cạnh đó, khó khăn còn ở chỗ những số lượng tin giả được sản sinh và phát tán nhanh chóng hơn các nỗ lực kiểm soát của các công ty công nghệ. Khó khăn này càng nhân lên bởi yêu cầu về giãn cách xã hội trong bối cảnh Covid-19.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các công ty mạng xã hội với WHO, các cơ quan y tế cũng như Chính phủ các nước là tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống tin giả.
Điều này không chỉ khẳng định tầm quan trọng ngày càng lớn của các trang mạng xã hội trong những vấn đề mang tính toàn cầu, mà còn đánh dấu bước khởi đầu về khả năng hợp tác giữa các tổ chức quốc tế và các công ty công nghệ trong việc giải quyết những trở ngại trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Về phía chính phủ các nước, việc phối hợp với các trang mạng xã hội nhằm kiểm soát sự lan truyền của tin giả đã phần nào khắc phục những mặt trái còn tồn tại trong hoạt động kiểm duyệt trên không gian mạng.
Còn đối với các “ông lớn” công nghệ, đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn trong quá trình xây dựng không gian mạng an toàn, ổn định và trong sạch cho người dùng.
Cuộc chiến chống lại những thông tin giả mạo dường như chưa thể đi đến hồi kết. Do đó, những người dùng mạng xã hội nên trở thành những “người đọc thông thái” bằng cách luôn cập nhật các nguồn tin chính thống cũng như phát triển kỹ năng cần thiết để kiểm chứng, đối chiếu thông tin khi đối mặt với “cơn bão” tin giả tràn lan trên không gian mạng hiện nay.
Deepfake đáng sợ nhưng Dumbfake còn… đáng sợ hơn TGVN. Đáng sợ hơn cả công nghệ siêu giả mạo “Deepfake”, những video “Dumbfake” có nội dung đơn giản, dễ bị vạch trần và chi ... |
Internet và cơn ác mộng mang tên Deepfake TGVN. Còn nguy hiểm và “cao cấp” hơn cả fake news (tin tức giả), công nghệ “siêu giả” (Deepfake) với khả năng cắt ghép khuôn ... |
CEO Facebook thừa nhận công nghệ "deepfake" là vấn đề hóc búa Theo Mark Zuckerberg, Facebook đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn các video được dàn dựng với công nghệ "deepfake", được cho là có thể ... |