📞

“Món quà” cuối cùng mang tên McCain

11:25 | 14/09/2018
Sân bay Biên Hòa rồi sẽ được làm sạch, hàng trăm nghìn người sinh sống ở gần Sân bay Biên Hòa sẽ không còn lo phơi nhiễm dioxin. Mong mỏi điều đó không chỉ có những người Việt Nam chúng ta mà có cả một người bạn Mỹ - Thượng Nghị sỹ John McCain.

Tôi vô cùng xúc động khi nghe tin Thượng nghị sỹ (TNS) John McCain ra đi vào đúng ngày Lễ Vu Lan ở Việt Nam, ngày 25/8. Đó là ngày lễ người Việt bày tỏ sự biết ơn với tổ tiên, ông bà, bố mẹ. Lễ Vu Lan năm nay, tôi muốn bày tỏ sự biết ơn tới TNS John McCain về những gì ông đã đóng góp cho quan hệ Việt-Mỹ, cho những chương trình nhân đạo giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Việt Nam luôn ở trong trái tim TNS John McCain.

Điều chưa từng có tiền lệ

Mới chỉ trước đó mấy tuần, TNS McCain vẫn bày tỏ sự ủng hộ của mình với chương trình hỗ trợ nhân đạo ở Việt Nam. Có thể nói rằng, một trong những nỗ lực cuối cùng của TNS McCain liên quan đến Việt Nam chính là mục 1025 trong luật ngân sách quốc phòng 2019.

Để ghi nhớ công lao của Thượng nghị sĩ John McCain, vào ngày 1/8/2018, Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2019 (từ ngày 1/10/2018-30/9/2019). Đồng thời, Đạo luật NDAA cũng mang tên của Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ: Thượng nghị sỹ John McCain.

Thượng nghị sỹ (TNS) John McCain.

Kinh phí quốc phòng cho năm tài chính 2019 được phê duyệt là 716 tỉ USD, tăng 16 tỉ so với năm 2018. Tuy nhiên, có một dòng ngân sách nằm trong NDAA năm 2019 mà chưa bao giờ có tiền lệ, liên quan đến Việt Nam. Nội dung của ngân sách được trích nguyên văn như sau:

Mục 1052: Thẩm quyền chuyển giao ngân sách cho hoạt động tẩy độc dioxin ở Sân bay Biên Hòa:

(a) Thẩm quyền chuyển giao: Mặc dù có mục 2215 ở Quyền 10, Bộ Pháp điển Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được phép chuyển ngân sách cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, để Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thực thi, cho mục đích tẩy độc dioxin ở Sân bay Biên Hòa.

(b) Hạn mức ngân sách: Trong năm tài chính 2019 không được phép chuyển quá 15 triệu USD cho mục đích quy định ở mục (a).

(c) Nguồn ngân sách: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được phép chuyển ngân sách từ mục ngân sách của Bộ Quốc phòng “Vận hành, Bảo trì quốc phòng” cho mục đích quy định ở mục (a).

(d) Thẩm quyền chuyên giao bổ sung: thẩm quyền chuyển giao ngân sách quy định trong mục (a) được bổ sung vào thẩm quyền chuyển giao các khoản ngân sách khác được Bộ Quốc phòng thực hiện.

Các chương trình hỗ trợ nhân đạo của Mỹ được triển khai ở Việt Nam từ năm 1988, từ khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Khi đó, các cựu chiến binh Mỹ và những chính khách Mỹ trưởng thành trong thời gian diễn ra cuộc chiến tại Việt Nam là những người đi đầu trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, kêu gọi bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Ở Thượng viện Mỹ, không thể không kể đến “hai John”, đó là TNS John McCain và TNS John Kerry, cùng với TNS Patrick Leahy – không phải là cựu binh nhưng ông luôn đi đầu trong các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo ở Việt Nam thông qua Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân Chiến tranh Leahy do USAID thực hiện.

Sau tuyên bố của Tổng thống Bush năm 2006 tại Việt Nam, từ năm 2007 đến 2018, Quốc hội Mỹ đã phân bổ hơn 106 triệu đô la Mỹ cho chương trình tẩy độc dioxin ở Sân bay Đà Nẵng. Chương trình này đã hoàn thiện, tạo điều kiện cho việc mở rộng Sân bay Đà Nẵng, phục vụ cho Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tháng 11 năm 2017. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ phân bổ hơn 100 triệu đô la Mỹ cho chương trình hỗ trợ người khuyết tật được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1988, bảy năm trước khi bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. 

Đến nay, hai bên đã thống nhất Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tẩy độc dioxin ở Sân bay Biên Hòa (gần Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là một thách thức khó khăn hơn nhiều so với tẩy độc ở Sân bay Đà Nẵng. Dự kiến, ngân sách cần cho công tác tẩy độc ở Sân bay Biên Hòa lên tới khoảng 390 triệu USD, kéo dài trong 10 năm.

Từ trước đến nay, theo quy định, ngân sách chi cho các chương trình nhân đạo hải ngoại đều do Tiểu ban các Chương trình Hải ngoại và Bộ Ngoại giao, thuộc Ủy ban Chuẩn chi của Quốc Hội, phân bổ. Tuy nhiên, với khoản ngân sách cần có để tẩy độc Sân bay Biên Hòa thì ngân sách trích từ Tiểu ban các Chương trình Hải ngoại và Bộ Ngoại giao sẽ không đủ. Hơn nữa, Sân bay Biên Hòa hiện vẫn là sân bay của Bộ Quốc Phòng Việt Nam.

Tác giả (thứ hai từ trái) cùng với các chuyên gia tẩy độc dioxin của Việt Nam và Hoa Kỳ, tại khu vực ô nhiễm dioxin ở Sân bay Đà Nẵng, nay đã được làm sạch hoàn toàn (ảnh do tác giả cung cấp).

Xuất phát từ “nhiệm vụ gần bất khả thi”

Để việc này trở nên khả thi hơn, các bên đặt vấn đề với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ mà TNS John McCain là chủ tịch, vì Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ có chức năng giám sát các hoạt động quốc phòng của Mỹ. Đây có thể nói là “phi vụ gần bất khả thi” vì xưa nay chưa bao giờ có tiền lệ Bộ Quốc phòng Mỹ được phép chuyển giao ngân sách cho việc xử lý hậu quả do các hoạt động trong quá khứ của Bộ Quốc phòng Mỹ ở nước ngoài, mà trong trường hợp này là Sân bay Biên Hòa. Việc vận động cho sự thay đổi về mặt chính sách này lại diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực. Hơn nữa, chính quyền mới của Tổng thống Trump cắt giảm mạnh mẽ ngân sách dành cho các hoạt động hỗ trợ phát triển hải ngoại của Mỹ.

Giữa tháng 10 năm 2017, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng có hai buổi làm việc với TNS Patrick Leahy (đảng Dân chủ) và TNS John McCain (Đảng Cộng hòa). Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh thông báo về kết quả hợp tác tích cực Việt Nam và Hoa Kỳ về lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có dự án xử lý chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ông khẳng định hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh không chỉ giúp hàn gắn vết thương của quá khứ, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ toàn diện giữa hai nước. TNS John McCain đã vô cùng xúc động khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao lại một số kỷ vật trong chiến tranh ở Việt Nam của ông. Đó là những bức thư ông trao đổi với trưởng trại trong thời gian ở Nhà tù Hỏa Lò.

Có thể nói, mục 1052 trong luật ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2019 là một thành công hiếm có. Đó là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong 3 năm qua, giữa Việt Nam và Mỹ, và trong nội bộ của chính giới Mỹ thì phải kể đến TNS Patrick Leahy (Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi, Thượng viện Mỹ), TNS John McCain (Chủ tịch Ủy ban Quân vụ, Thượng viện Mỹ), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng Ngoại giao Michael Pompeo, và Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ.

Với kết quả hết sức khả quan này, luật ngân sách năm tài chính 2019 của Mỹ có hai nguồn ngân sách (từ Bộ Ngoại giao và từ Bộ Quốc phòng) chi cho chương trình hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam và tẩy độc Sân bay Biên Hòa. 30 triệu USD chi trong năm tài chính 2019 có thể vẫn còn nhỏ so với ngân sách cần có trong 10 năm tới đây, nhưng đó là một bước đi đầu tiên khó nhất và có ý nghĩa nhất. Với sự thay đổi về mặt chính sách, tạo tiền lệ cho Bộ Quốc phòng Mỹ được chuyển giao ngân sách cho tẩy độc dioxin ở Biên Hòa, chúng ta có quyền kỳ vọng về việc duy trì ngân sách cho những năm tiếp theo, nếu hai bên hợp tác hiệu quả.

Nguyễn Thu Thảo

Tác giả là Cố vấn Chính sách, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Trong thời gian 2001-2016, tác giả làm việc cho Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, trong đó có 9 năm làm trưởng đại diện, tham gia nhiều vào những nỗ lực vận động Mỹ tăng cường hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.