TIN LIÊN QUAN | |
Để bảo vệ mình, EU có rất nhiều việc phải làm | |
Chủ tịch đắc cử EC: Brexit hỗn loạn nhắc nhở những người hoài nghi EU về lợi ích thành viên |
Nhà lãnh đạo mới của Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đang đối mặt với một Nghị viện châu Âu có thể coi là bị phân cực nhiều nhất từ trước đến nay. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 27/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu sắp nhậm chức Ursula von der Leyen đã hứa hẹn về một châu Âu có khả năng định hình trật tự toàn cầu. Song điều này dường như khó như mò kim đáy bể.
Khác biệt không thể hòa giải
Có một vài thống kê đã thể hiện rất rõ người Đức nghĩ gì về việc phụ thuộc vào sự răn đe hạt nhân của Mỹ, và đây cũng là những chỉ dấu cho thấy các đồng minh của Mỹ hiện cảm thấy như thế nào về Washington sau 3 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump.
Trong một nghiên cứu của Quỹ Koerber (Đức) được công bố tuần trước, chỉ 22% số người được hỏi ủng hộ việc tiếp tục phụ thuộc vào sự bảo vệ từ vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong khi có tới 40% muốn Berlin đạt được một thỏa thuận bảo vệ hạt nhân mới với Anh hoặc nhiều khả năng hơn là Pháp.
Gần 1/3 số người được hỏi ủng hộ Đức từ bỏ quan điểm phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân nói chung, trong khi đó có 7% muốn điều mà cho tới gần đây vẫn bị cho là không thể tưởng tượng được - đó là Đức nên xây dựng kho vũ khí nguyên tử của riêng mình.
Kết quả này phản ánh các xu hướng lớn hơn và có thể là cả những khác biệt không thể hòa giải được trong quan điểm của người dân châu Âu về chính sách đối ngoại. Nhìn tổng thể, người Đức và các đối tác châu Âu của họ rõ ràng cảm thấy không thoải mái với những diễn biến hiện nay của thể giới, bao gồm cả sự trỗi dậy của Trung Quốc và căng thẳng với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin.
Như một quy tắc chung, họ có thể mong muốn châu Âu có thêm các động thái phối hợp về chính sách đối ngoại, song họ gần như chẳng có hy vọng nào rằng những người đang chịu trách nhiệm hiện nay sẽ thực hiện được điều đó. Khi cần xác định những ưu tiên chính sách, châu Âu gần như không đạt được bất kỳ một sự đồng thuận chung nào.
Ngày 27/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu sắp nhậm chức Ursula von der Leyen đã hứa hẹn về một châu Âu năng động hơn, có khả năng định hình trật tự toàn cầu, nhưng các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng ở châu lục này, đặc biệt là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lại có quan điểm rất khác nhau về việc điều đó có nghĩa là gì.
Chống biến đổi khí hậu và vấn đề nhập cư đứng đầu danh sách các mối lo ngại mà người dân châu Âu muốn thấy các chính phủ và các thể chế của châu Âu giải quyết. Tuy nhiên, việc làm điều đó như thế nào lại không có sự đồng thuận.
Bản thân bà Von der Leyen đang đối mặt với một Nghị viện châu Âu có thể coi là bị phân cực nhiều nhất từ trước đến nay, và đã buộc phải thay đổi 3 lựa chọn của bà cho các vị trí cao ủy sau khi họ bị các nghị sĩ châu Âu bác bỏ.
Lựa chọn thái độ trung lập
Khi cần xác định ưu tiên chính sách, châu Âu gần như không đạt được bất kỳ sự đồng thuận chung nào. (Nguồn: Economist) |
Một nghiên cứu hồi tháng 9/2019 của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) cho thấy nếu Liên minh châu Âu (EU) tan rã, nhiều người được hỏi cảm thấy rằng mất mát lớn nhất sẽ là việc bỏ lỡ cơ hội tạo ra một khối châu Âu hoạt động như một đối trọng đối với Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc đang nổi lên khác.
Ở đại đa số các nước EU, hơn 40% số người tham gia nghiên cứu cảm thấy rằng EU có thể sẽ dần tan rã trong 10 đến 20 năm tới, với 1/3 số người được hỏi tin rằng xung đột công khai có thể nổ ra giữa các thành viên hiện tại của EU.
Giống như báo cáo của Quỹ Koehler, nghiên cứu của ECFR cho thấy người dân châu Âu không còn tin Mỹ là nhà bảo trợ quan trọng cho sự ổn định ở châu Âu. Nghiên cứu này cho thấy rằng Ủy ban châu Âu và Liên minh châu Âu đáng tin cậy hơn các chính phủ đơn lẻ trong việc bảo đảm các lợi ích của châu Âu ở một thế giới đa cực hỗn loạn, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, cho dù tại nhiều quốc gia - đặc biệt là Italy - các nghị sĩ châu Âu và cả các nghị sỹ của Italy đều rất không đáng tin.
Về vấn đề quan hệ của Mỹ với các nước châu Âu, 87% người Đức cảm thấy một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump sẽ "khá" hoặc "rất" tiêu cực cho quan hệ giữa Berlin và Washington.
Tuy nhiên, ở một vài khía cạnh, nền chính trị châu Âu hiện đang cho thấy một số khuynh hướng ủng hộ chủ nghĩa biệt lập tương tự như của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ở tất cả các nước châu Âu lục địa được tiến hành nghiên cứu, ngoại trừ Ba Lan, nghiên cứu của ECFR cho thấy đa số - đôi khi là đa số rất lớn - nói rằng họ muốn đứng trung lập trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Mỹ với Nga hoặc Trung Quốc.
Một cơ hội bị bỏ lỡ
Tất nhiên, điều này sẽ gây ra lo ngại trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức mà các nguyên thủ quốc gia thành viên sẽ gặp gỡ nhau tại London vào tháng 12 tới, trong bối cảnh Tổng thống Trump đang tìm cách tái đắc cử còn ông Macron cảnh báo rằng liên minh này đang ngày càng "chết não".
Pháp đặc biệt thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng và những hợp tác khác gần gũi hơn bên ngoài khuôn khổ NATO, cho dù điều này chỉ nhận được sự thờ ơ từ Đức.
Về tổng thể, chỉ có 40% số người được hỏi ủng hộ việc tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng, nếu Berlin đạt được mục tiêu của NATO đề ra là tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% tổng sản lượng quốc nội (GDP).
Trên khắp châu Âu lục địa, nghiên cứu của ECFR cho thấy người châu Âu rất ủng hộ việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt tài chính chống lại Nga, nhưng họ ít hào hứng hơn đối với những nỗ lực theo kiểu quân sự nhằm kiềm chế ông Putin.
Nhìn chung, những người được hỏi cũng có quan điểm tích cực về các biện pháp trừng phạt tài chính và biện pháp ngoại giao nhằm kiềm chế Iran, với tỷ lệ ủng hộ lên tới hơn 50% ở hầu hết các nước “lục địa già”.
Có thể việc Tổng thống Trump giành được một nhiệm kỳ nữa - hoặc thậm chí là một chính quyền Mỹ của đảng Dân chủ theo tư tưởng cô lập hơn - sẽ buộc châu Âu phải tiến tới đạt được sự đồng thuận về việc họ muốn tiếp cận với thế giới như thế nào. Không làm được điều đó đồng nghĩa với việc một cơ hội đã bị bỏ lỡ.
Tổng thống Pháp Macron phát biểu về Nga và NATO: Đòn nặng mới TGVN. Tổng thống Pháp Macron lại vừa tung ra một “đòn” mới nhắm vào NATO sau khi tuyên bố tổ chức trên bị “chết não”. ... |
Tổng thống Pháp Macron lại lên tiếng về NATO: Không bỏ nhưng bớt cần TGVN. Tổng thống Pháp lại lần nữa lên tiếng về cải cách NATO trước thềm kỷ niệm 70 năm của tổ chức này. Thực chất ... |
Quốc hội Anh bác đề xuất tổ chức tổng tuyển cử sớm, EU chấp thuận trì hoãn Brexit TGVN. Ngày 28/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua đề xuất của Anh ... |