Mô phỏng Vũ khí phản ứng nhanh AGM-183A của Mỹ, phóng từ máy bay ném bom B-52. (Ảnh: Lockheed Martin) |
Vũ khí hiện đại
Trong tháng 12 này, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) và Công ty Hàng không Vũ trụ Stratolaunch của Mỹ đã ký hợp đồng phát triển mô hình thử nghiệm của máy bay siêu thanh Talon-A với những tính năng tương tự các loại vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc.
Theo Tiến sỹ Daniel Millman, người phụ trách mảng công nghệ của công ty Stratolaunch, mục tiêu của Stratolaunch là cung cấp cho MDA "một mô hình giống với những vũ khí siêu thanh của đối phương, có khả năng can thiệp và ngăn chặn những mối đe dọa siêu thanh".
Tuy nhiên, ông Millman không tiết lộ thêm chi tiết về hợp đồng của công ty với MDA. Vũ khí siêu thanh được thiết kế để đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại nhờ tốc độ di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh và khả năng "ẩn mình".
Các mô hình thử nghiệm của máy bay siêu thanh Talon-A đang do Stratolaunch phát triển sẽ được phóng từ máy bay Roc của công ty.
Dự kiến, cuối năm 2021, Stratolaunch sẽ thử nghiệm khả năng hoạt động của các động cơ mô hình của máy bay siêu thanh Talon-A dựa trên quá trình phân tích dữ liệu của máy tính.
Dựa trên kết quả này, Stratolaunch sẽ tiến hành các chuyến bay thử nghiệm của máy bay siêu thanh Talon-A từ năm 2022 và sẽ khởi động các dịch vụ thử nghiệm vũ khí siêu thanh cho chính phủ Mỹ và các khách hàng thương mại khác từ năm 2023.
Hợp đồng nói trên giữa MDA và Stratolaunch là bước đi mới nhất trong nỗ lực của Mỹ nhằm phát triển các loại vũ khí siêu thanh và các phương tiện ngăn chặn vũ khí siêu thanh của đối phương. Ngày 28/10, Washington đã thử nghiệm thành công một loại động cơ tăng tốc dùng cho các phương tiện bay siêu thanh sau hàng loạt cuộc thử nghiệm thất bại trước đó.
Ngày 28/7, Mỹ cũng thử nghiệm bất thành vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không AGM-183A. Vụ thử nghiệm đầu tiên hôm 5/4 đối với loại vũ khí này cũng không thành công. Hồi năm 2011, Mỹ đã thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh tiên tiến như một phần của chương trình tấn công chớp nhoáng toàn cầu của nước này.
Những thất bại gần đây đã khiến Tướng David Thompson, chỉ huy cấp cao của Lực lượng Không gian Mỹ, thừa nhận Mỹ đã tụt hậu so với Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển vũ khí siêu thanh.
"Muộn còn hơn không"
Từ nay đến năm 2024, Lục quân Mỹ sẽ được trang bị vũ khí siêu thanh đầu tiên còn Hải quân Mỹ đặt mục tiêu trang bị một tàu khu trục có vũ khí siêu thanh vào năm 2025 và trang bị vũ khí siêu thanh cho đội tàu ngầm lớp Virginia của mình vào năm 2028.
Trong khi đó, Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí siêu thanh từ năm 2014, và từ năm 2019 đã triển khai tên lửa siêu thanh DF-17 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, nhắm đến các tàu chiến của đối phương.
Ngày 27/7, Trung Quốc cũng thử nghiệm thêm một loại vũ khí siêu thanh, có thể bay trên quỹ đạo quanh Trái đất.
Nga cũng tham gia cuộc đua vũ khí siêu thanh. Năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin tiết lộ Nga sở hữu một loại vũ khí siêu thanh mới là tên lửa chống hạm siêu thanh 3M22 Tsirkon cùng 5 "siêu vũ khí" khác.
Ngày 4/10, Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh 3M22 Tsirkon được phóng từ tàu ngầm. Đến ngày 18/11, Moscow tiếp tục thử nghiệm thành công tên lửa 3M22 Tsirkon được phóng từ một tàu chiến nổi trên mặt nước.
Với những diễn biến nói trên, tốc độ phát triển nhanh chóng các loại vũ khí siêu thanh của Mỹ, Trung Quốc và Nga đã thổi bùng nỗi lo về một cuộc đua vũ khí siêu thanh giữa ba cường quốc quân sự lớn trên thế giới.