Nghi can khủng bố bị giam giữ tại Guantanamo |
Khi một người bị tình nghi là thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda bị lực lượng Mỹ bắt được trên mặt trận, người này sẽ được bí mật chuyển tới một căn cứ quân sự để kiểm tra lý lịch và khai thác thông tin. Cho đến nay, người ta biết được rằng có ít nhất 2 nhà tù bí mật kiểu như vậy do các lực lượng đặc biệt của Lầu Năm Góc quản lý, một tại Iraq và một tại Afghanistan.
Cho tới lúc này, Chính phủ Mỹ vẫn một mực từ chối cung cấp mọi thông tin về các nhà tù bí mật trên, được khai mở kể từ sau các vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Thậm chí, chính quyền Mỹ còn phản đối việc các phương tiện truyền thông và các cơ quan tổ chức nhân quyền sử dụng cụm từ "nhà tù bí mật" mà họ thích nói tới "những nơi giam giữ tạm thời" hơn.
Theo Washington, đây là những nơi dùng để giam giữ một số lượng có hạn những nghi can khủng bố, được xem là "có giá trị cao" (hoặc vì lý do những thông tin mà các nghi can này nắm giữ, hoặc do tính chất nguy hiểm của những người này), trước khi chuyển họ tới một nhà tù chính thức.
Hiện còn khoảng 40 nghi can như vậy đang được Mỹ giam cầm trong nhà tù bí mật tại Iraq, còn ở Afghanistan thì số lượng có thể ít hơn. Washington đang sẵn sàng vén mở một phần bí mật về những nhà tù này sau suốt 8 năm thiết lập. Theo báo New York Times, từ đầu tháng 8 vừa qua, Lầu Năm Góc đã tiến hành những thủ tục mới, theo đó sẽ chuyển cho CICR lý lịch của những nghi can mới trong thời hạn 2 tuần kể từ ngày họ bị bắt.
Hiện CICR chưa có bình luận chính thức nào về việc này, nhưng các tổ chức bảo vệ nhân quyền khác đã tỏ vẻ hoan nghênh việc làm trên của Mỹ. "Chúng tôi ủng hộ mọi quyết định dẫn tới việc minh bạch hóa các hoạt động chống khủng bố của chính quyền Mỹ"- Nathalie Berger, thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế, cho biết và cũng lưu ý rằng vẫn còn quá nhiều điều nước Mỹ phải làm để tôn trọng luật pháp quốc tế vốn bị họ bóp méo từ nhiều năm qua.
Từ nhiều năm nay, Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã yêu cầu được tiếp xúc với những nghi can bị Mỹ giam giữ trong các nhà tù bí mật. Tuy nhiên, mọi yêu cầu của tổ chức này đều bị chính quyền Bush từ chối thẳng thừng. Những việc làm mới của Lầu Năm Góc đánh dấu một sự cởi mở đáng kể của chính quyền Obama mặc dù cũng cần phải chờ xem thái độ sắp tới của chính quyền Mỹ trong việc có cho phép người của CICR tới thăm những nghi can khủng bố trên hay không.
Động thái mới về việc minh bạch hóa trong quân đội Mỹ là thành quả của việc xem xét lại tổng thể những hình thức giam giữ và lấy khẩu cung các nghi can khủng bố do Tổng thống Barack Obama yêu cầu ngay sau khi bước vào Nhà Trắng.
Quyết định này của ông Obama đã mở màn cho việc đóng cửa vĩnh viễn những nhà tù bí mật và nổi tiếng nhất của CIA ở nước ngoài, cũng như việc đóng cửa trung tâm giam giữ Guantanamo, mặc dù việc này đang được tiến hành.
Trong những ngày tới, người ta đang chờ đợi quyết định của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Eric Holder, về việc bổ nhiệm một thẩm phán đặc biệt phụ trách điều tra về những hành động tra tấn tù nhân của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố.
Theo một báo cáo nội bộ của Trưởng thanh tra CIA, công bố ngày 24/8, được hai tờ Washington Post và New York Times trích đăng hôm 22/8, thì những nhân viên hỏi cung của CIA đã sử dụng súng và máy khoan để gí vào đầu một trong những nghi can trùm khủng bố của Al-Qaeda, Abdel Rahim Al-Nashiri. Bị bắt tháng 11/2002 và giam giữ suốt 4 năm tại một nhà tù bí mật của CIA, Al-Nashiri là 1 trong 3 lãnh đạo của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Trong một diễn biến khác, tờ Washington Post (23/8) cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra việc tù nhân Guantanamo được cho xem hình ảnh nhân viên CIA. Bộ Tư pháp Mỹ nghi ngờ các luật sư quân sự ở trại Guantanamo đưa hình ảnh nhân viên CIA, kể cả các nhân viên hoạt động bí mật, cho các tù nhân để nhận diện những người tham gia vào cuộc thẩm vấn nghi can Al-Qaeda tại các cơ sở bí mật bên ngoài lãnh thổ Mỹ, nơi CIA sử dụng các biện pháp mạnh trong lúc thẩm vấn.
Nếu các tù nhân ở Guantanamo được đưa ra xét xử trước tòa án quân sự hay dân sự, các luật sư của phía bị cáo sẽ tìm cách đòi nhân viên CIA ra làm nhân chứng trước tòa. Những hình ảnh này đã được chụp bởi những người làm việc cho Chương trình John Adams và Hiệp hội Luật sư bào chữa hình sự Mỹ để hỗ trợ cho các luật sư quân đội tại Guantanamo.
Cả hai tổ chức trên đã từng cho biết họ sẽ dùng đủ phương cách để điều tra chương trình thẩm vấn của CIA tại các địa điểm ngoài Mỹ trong nỗ lực bào chữa cho thân chủ của mình. Tuy nhiên, các điều tra viên chính phủ này đang tìm hiểu xem phía bào chữa có đi quá đà khi đưa hình của nhân viên CIA cho tù nhân xem hay không. Một số hình ảnh này đã được chụp lén ngay bên ngoài nhà của họ.
Nếu điều này được chứng thực sẽ cho thấy sự quyết tâm của cả các luật sư quân đội và đồng minh của họ trong nỗ lực nhằm minh bạch hóa chương trình thẩm vấn bí mật của CIA.
Theo ANTG