Ngoại trưởng Anh David Miliband và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov |
Đồng thuận
Hãng Thông tấn Nga RIA-Novosti viết: Hai bên đã không thể đạt được thỏa thuận về những vấn đề nóng bỏng liên quan đến quan hệ song phương. Tuy nhiên, trong các vấn đề quốc tế, Anh và Nga đã thể hiện sự hiểu biết lẫn nhau.
Trong một loạt vấn đề quốc tế quan trọng, Mátxcơva và London đã có được tiếng nói chung: Ký 3 Tuyên bố chung về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tình hình Afghanistan và tiến trình hòa bình Trung Đông. Mátxcơva và London đều nhấn mạnh đến việc củng cố một thế giới không phổ biến vũ khí hạt nhân, ủng hộ việc tăng cường quyền lực của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và thúc ép Iran nhanh chóng đưa ra câu trả lời đối với IAEA về việc làm giàu uranium của Iran ở nước ngoài. Trong vấn đề Afghanistan, Ngoại trưởng hai nước bày tỏ quan tâm chung đến cuộc bầu cử tổng thống ở nước này. Hai nước dự định cùng cộng đồng quốc tế hợp tác chặt chẽ với chính phủ mới của Afghanistan để giúp nước này đạt tiến bộ thực sự trong các vấn đề an ninh và đảm bảo quyền đại diện bình đẳng cho tất cả các phe phái chính trị hợp pháp. Nga và Anh cũng nhấn mạnh sự ủng hộ đối với việc sớm nối lại các cuộc hòa đàm Palestine - Israel và kêu gọi Israel ngừng ngay lập tức toàn bộ hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.
Bất đồng
Tuy nhiên, hai Ngoại trưởng đã không thể dàn xếp được các vấn đề gây căng thẳng quan hệ hai nước lâu nay, đặc biệt là bất đồng về vấn đề dẫn độ điệp viên. Không bên nào thay đổi quan điểm, tuy nhiên cũng không làm căng thẳng thêm vấn đề này. Quan hệ giữa Mátxcơva và London trở nên xấu đi từ một số vấn đề liên quan đến vụ ám sát một cựu điệp viên của Nga bị trục xuất bằng chất phóng xạ polonium-210 tại London năm 2006. Anh đã trục xuất bốn nhà ngoại giao của Nga vào tháng 7/2007 do Nga từ chối dẫn độ nghi phạm chính của vụ án này sang Anh là Andrei Lugovoi. Đáp trả lại, Nga trục xuất bốn nhà ngoại giao Anh.
Không dừng lại ở đó, Nga ra quyết định đóng cửa văn phòng của Hội đồng Anh tại thành phố St. Petersburg và Yekaterinburg, trong khi Anh cho phép Berezovsky, một nhân vật đã kiếm hàng chục tỷ USD bất chính trong giai đoạn tư nhân hóa ở Nga, tị nạn chính trị, và chỉ trích Nga về cuộc xung đột tại Gruzia hồi tháng 8/2008.
Nhiều nhà phân tích cho rằng nguyên nhân sâu xa của sự đổ vỡ quan hệ hai nước là việc Anh quay trở lại ý đồ canh chừng nước Nga, nhất là khi Mátxcơva dưới sự chèo lái của Tổng thống khi đó là V. Putin đang quyết giành lại vị thế trước đây của nước Nga sau gần 10 năm khủng hoảng và suy sụp. Có lẽ vậy mà thế giới lại chứng kiến sự đối đầu giữa hai cường quốc ở hai đầu châu Âu kịch liệt không kém gì thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Khởi động lại
Dù cho quan hệ chính trị diễn ra không mấy suôn sẻ, quan hệ kinh tế giữa hai nước lại phát triển rất năng động. Bằng chứng là thương mại hai chiều đã tăng gấp ba lần trong vòng 6 năm qua và đạt trên 22 tỷ USD trong năm 2008. Anh hiện là một trong những nước phương Tây đầu tư nhiều nhất vào Nga thông qua các tổ hợp dầu khí như BP, Imperial Energy Corp. hay Royal Dutch/Shell. Barclays, HSBC và các ngân hàng khác đang mở rộng mang lưới chi nhánh của họ tại Nga. Ngược lại, có hơn 40 doanh nghiệp Nga hiện đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán London (LSE). Trong bối cảnh cơn khát khí đốt và dầu lửa đang khiến châu Âu đảo lộn, các tập đoàn dầu khí của Anh như Shell rất nóng lòng tận dụng cơ hội làm ăn tại các mỏ khổng lồ ở vùng Seberia của Nga.
Với xu thế liên kết và hợp tác ngày càng được mở rộng, có lẽ hai nước đã tìm lại được những điểm chung cần thiết, mà trước hết đó là sự ràng buộc lợi ích trên các vấn đề chính trị, kinh tế và các vấn đề quốc tế. Cuộc gặp của hai Ngoại trưởng ít nhất cũng đã thể hiện dấu mốc quan trọng “tái khởi động” quan hệ Nga và Anh thời gian qua.
Vĩnh Tiến