Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/9. |
Bất đồng chưa thể xoá bỏ
Cuộc gặp chính thức đầu tiên trong vòng gần hai năm trở lại đây giữa ông chủ Điện Kremlin và ông chủ Nhà Trắng bắt đầu bằng cái bắt tay gượng gạo và kết thúc mà không có bước đột phá nào giải quyết cuộc nội chiến kéo dài hơn bốn năm qua ở Syria. Dù kéo dài đến 90 phút, gần gấp đôi thời gian dự định ban đầu (55 phút), nhưng điều đó không giúp hai bên xích lại gần nhau mà còn chứng tỏ nhiều bất đồng tồn tại lâu nay chưa thể xóa bỏ.
Dù cả hai Tổng thống đều nhất trí cao với nhau về tính cấp bách phải tìm ra giải pháp dứt điểm cho cuộc khủng hoảng ở Syria và đồng ý rằng quân đội hai nước phải liên lạc tiếp xúc với nhau để tránh xảy ra va chạm quân sự tại khu vực này, giữa họ vẫn chưa thể dàn xếp được mâu thuẫn lớn xoay quanh số phận của nhân vật gây tranh cãi - Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi Nga ủng hộ sự tồn tại của Chính quyền và quân đội Assad, thì Mỹ muốn ông Assad từ chức vì cho rằng chính quyền của ông này chính là nguyên nhân gây ra đói nghèo và chết chóc cho người dân nước này.
Nhưng đó không phải là rào cản duy nhất. Ngoài việc không ngớt cáo buộc nhau hành xử bất chấp các quy định đã được thế giới công nhận, hai bên còn có những quan điểm trái chiều về nguồn gốc cuộc xung đột Syria. Tổng thống Nga tố cáo Mỹ là thủ phạm tạo ra hỗn loạn ở Iraq và Libya những điều kiện để IS ra đời, trong khi ông Obama cho rằng việc Nga ủng hộ Tổng thống Assad đang cản trở cuộc chiến chống IS.
Nước cờ cao tay
Dù có vẻ không "đi đâu về đâu", nhưng cuộc gặp thượng đỉnh Nga Mỹ được cho là một thành công của ông chủ Điện Kremlin. Trong bối cảnh bị phương Tây cô lập vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhà lãnh đạo Nga đã tung "quân bài Syria" đầy khôn ngoan, buộc Mỹ phải tìm đến mình.
Gần đây, Moscow đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ khi đột ngột tăng cường giúp đỡ khí tài cho Syria cũng như tăng cường sự hiện diện quân sự tại quốc gia Trung Đông này. Nga rõ ràng đã chọn thời điểm thích hợp để can thiệp sâu vào Syria nhằm giành lợi thế trước Mỹ.
Thực tế, chính sách của Mỹ ở Syria đã không đạt được hiệu quả khi chiến dịch không kích kéo dài nhiều tháng qua của họ không làm suy yếu được nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cả nỗ lực đào tạo lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Syria cũng không thành công. Trong khi chính quyền của Tổng thống Obama đang lúng túng trong chiến lược ở Syria thì phía bên kia, Tổng thống Putin lại cho thấy một đường hướng rất mạch lạc. Ông chủ điện Kremlin tăng cường sức mạnh quân sự cho chính quyền Tổng thống Assad và cùng với Iran, Iraq và Syria lập ra một liên minh để phục vụ cho mục đích chống IS.
Sự can dự của Nga vào Syria đúng thời điểm này đã buộc Washington phải đồng ý nối lại các kênh liên lạc với Moscow. Bắt đầu là cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 18/9 sau hơn một năm. Sau đó vài ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhất trí về các cuộc đàm phán do Nga chủ trì ở Syria. Và diễn biến được Moscow chờ đợi nhất chính là cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin hôm 28/9 mà giới phân tích nhận định là một sự thừa nhận của Mỹ về vai trò không thể thiếu của Nga trong việc giải quyết khủng hoảng ở Syria, hay nói đúng hơn là sự thừa nhận của Mỹ về chính sách thất bại của họ ở Syria.
Hiện tại, Mỹ vẫn "làm găng" với Nga trong vấn đề liên quan đến số phận của ông Assad nhưng giới phân tích tin rằng, khi cuộc khủng hoảng ở Syria trở nên nghiêm trọng hơn, rất có thể Washington sẽ phải chấp nhận hướng đi của Moscow, chấp nhận sự dẫn dắt của Moscow. Ở thời điểm này, một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu "xuôi" theo ý của Nga khi họ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư đầy bất ngờ gây ra từ cuộc khủng hoảng ở Syria. Đã có một số nhà lãnh đạo châu Âu nói đến việc để Tổng thống Assad ở lại để chiến đấu chống IS.
Nước cờ Syria, nếu thành công, có thể giúp Nga vươn lên trên trường quốc tế. Đây là mục đích rộng hơn của Tổng thống Putin, sau mục tiêu phá vỡ thế bị cô lập cũng như khôi phục ảnh hưởng ở Trung Đông.
Hải Yến