📞

Ngoại giao Việt Nam ‘mềm dẻo’ trong một trật tự khu vực đầy biến động

Thảo Chi 13:00 | 28/08/2020
TGVN. Cạnh tranh Mỹ-Trung đang có những biến chuyển căng thẳng. Trong khi Trung Quốc ngày một có những động thái táo bạo thì chính quyền Tổng thống Donald Trump những phản ứng kiên quyết. Bối cảnh đó khiến Việt Nam gặp không ít thách thức, nhất là cách trung hoà để hợp tác với cả hai bên.
Tàu sân bay USS Carl Vinson là tàu sân bay của Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại cho đến chính trị, ngoại giao và ngày càng căng thẳng. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là mặt trận chủ yếu của cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc này, thể hiện rõ trên nhiều cơ chế khu vực như Đối thoại Shangri-La, ASEAN cũng như nhiều hội nghị thượng đỉnh khác ở châu Á.

Trung Quốc đang xây dựng nên một “cộng đồng chung vận mệnh”, tức một mạng lưới trong đó Trung Quốc là trung tâm trong quan hệ với các nước lân cận. Còn Mỹ đối trọng lại với Trung Quốc bằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở vào năm 2018 với ý tưởng “các nước nhỏ sẽ không phải sợ những nước láng giềng lớn’’.

Trong tranh chấp trên biển, khi hầu hết những nước liên quan khá kín tiếng thì Việt Nam đã mạnh mẽ đứng lên phản đối lập trường và những hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thụy Điển (UI), theo thuyết Cân bằng quyền lực của chủ nghĩa tự do, Hà Nội sẽ đứng về phía Mỹ để đối trọng với Trung Quốc, nhưng thực tế điều này đã và sẽ không xảy ra. Thực tế, Việt Nam đang ngày càng đẩy mạnh chính sách đối ngoại đa hướng, với việc tăng cường quan hệ ngoại giao với cả Washington và Bắc Kinh. Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ đã trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Mỹ và cùng năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã sang thăm Việt Nam lần đầu sau khi nhậm chức. Kể từ đó, Việt Nam đã luôn thúc đẩy ngoại giao ở các cấp với cả Mỹ và Trung Quốc.

Việc nắm bắt được khuôn khổ quan hệ đối ngoại của quốc gia giúp Hà Nội định vị được phương hướng giữa những căng thẳng rối ren. Việt Nam xây dựng chính sách dựa trên 4 nguyên tắc: độc lập và tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ, hợp tác và đấu tranh, và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Về nguyên tắc độc lập và tự chủ, Việt Nam thực hiện tiêu chí “3 không” trong chính sách quốc phòng bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự hay là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; và không dựa vào nước này để chống nước kia. Từ những bài học về chiến tranh và việc bị cô lập trong lịch sử, Hà Nội đang đẩy mạnh đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ ngoại giao kể từ Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996.

Cùng với việc tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chủ nghĩa đa phương giúp Việt Nam có thêm nhiều đối tác để có thể gặt hái được nhiều lợi ích về kinh tế, chính trị và an ninh. Những đối tác nổi bật có thể kể đến là Mỹ, Trung Quốc, các nước ASEAN, EU và Nga. Những quan hệ đối tác này là lá chắn cho Việt Nam trước những đe dọa từ các nước lớn.

Cho đến nay, chính sách ngoại giao đa phương được xem là lựa chọn kiên định của Việt Nam. Hà Nội về lâu dài sẽ theo đuổi chính sách này bởi phù hợp với những mục tiêu phát triển và an ninh, giúp tăng cường vị thế đất nước trên trường quốc tế. Thêm vào đó là đường lối ngoại giao mềm dẻo thể hiện ở việc Việt Nam sẽ duy trì, dung hòa mối quan hệ với hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ cứng rắn lên tiếng, giải quyết những tranh chấp với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình để bảo vệ lợi ích quốc gia.

(theo Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thuỵ Điển)