📞

“Người bạn Mỹ trầm lặng”

09:24 | 16/05/2016
Là cố vấn chính sách đối ngoại cho Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Thư ký của Đảng Dân chủ ở Tiểu ban phân bổ ngân sách về các hoạt động hải ngoại và ngoại giao của Mỹ, Tim Rieser đã tạo ra những khác biệt trong các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh và hỗ trợ nhân đạo của Mỹ đối với Việt Nam.

Gọi ông là “Người bạn Mỹ trầm lặng” không phải muốn bắt chước một tác phẩm điện ảnh cùng tên. Thực ra, cụm từ này phản ánh đúng con người, công việc của ông và những gì ông đang nỗ lực xây dựng, không chỉ cho những nạn nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam mà cả cho mối bang giao giữa Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Chuyện 10 năm trước

Tháng 12/2006, Chủ tịch Quỹ Cựu binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) Bobby Muller và các đồng nghiệp ở VVAF trở lại đất nước nơi họ từng tham chiến theo lời mời của Chính phủ Việt Nam để nhận Huy chương vì Hòa bình, Hữu nghị giữa các dân tộc vì những đóng góp quý báu trong quá trình hòa giải giữa hai dân tộc Việt - Mỹ. Tim Rieser, không phải là cựu binh, cũng có mặt trong đoàn.

Thượng nghị sỹ Patrick Leahy và Cố vấn đối ngoại Tim Rieser (phải).

Đấy là chủ ý của Muller bởi ông xem Rieser là “người trong cuộc” - cố vấn đối ngoại cho một Thượng nghị sĩ có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở Quốc hội Mỹ và cũng là người phụ trách viết luật chi ngân sách trước khi đưa cho các ông nghị bỏ phiếu. Sang Việt Nam, Rieser có điều kiện trao đổi trực tiếp với quan chức Việt Nam về vấn đề chất độc da cam, về người khuyết tật… để  hiểu hơn về tình hình hiện tại ở Việt Nam và sự cần thiết có hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ. Sau một tuần, tại buổi họp báo tại Hà Nội. Rieser phát biểu chính thức: “[Quốc hội] hy vọng sẽ có hoạt động [hỗ trợ giải quyết hậu quả chất độc da cam] trong năm nay”.

Không lâu sau, tháng 5/2007, Tổng thống Mỹ George Bush đã phê chuẩn dự luật chi bổ sung năm 2007, trong đó có điều khoản về Việt Nam, nêu rõ Chính phủ Mỹ sẽ cung cấp 3 triệu USD "cho các hoạt động khắc phục hậu quả về môi trường và sức khoẻ ở những khu vực bị ô nhiễm dioxin ở Việt Nam". Ông George Bush đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ năm 1975 ký văn bản luật phân bổ ngân sách dành riêng cho việc giải quyết hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam, điều ít người cho rằng sẽ trở thành hiện thực vào thời điểm đó.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy là thành viên chủ chốt của các ủy ban quan trọng của Thượng viện Mỹ như Ủy ban Tư pháp, Tiểu ban chuẩn chi về ngoại giao và các hoạt động đối ngoại. Ông Patrick Leahy có những đóng góp quan trọng trong quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt - Mỹ, đặt biệt trong thúc đẩy các chính sách liên quan đến giải quyết hậu quả chiến tranh.

Từ bất đồng... thành cầu nối hợp tác

Cuối tháng Ba vừa qua, Tim Rieser trở lại Việt Nam.

Đã mười năm kể từ chuyến công tác đáng nhớ tới Việt Nam và cũng ngần ấy năm kể từ khi ông tuyên bố tại Hà Nội rằng Quốc hội Mỹ sẽ xem xét vấn đề hậu quả chất độc da cam. Mục đích chuyến đi lần này xoay quanh việc kiểm tra tiến độ tẩy rửa dioxin ở sân bay Đà Nẵng và bàn bạc phương án dọn sạch chất độc ở sân bay Biên Hòa một cách hiệu quả. Nói về chặng đường một thập kỷ đó, Tim Rieser cho rằng đã có rất nhiều tiến bộ. “Một vấn đề từ lâu là nguyên nhân của sự giận dữ và oán hận đã trở thành lĩnh vực mà chính phủ hai nước đang hợp tác để giải quyết”.

Cố vấn Tim Rieser, 64 tuổi, tiết lộ thêm: Việc tẩy rửa dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ hoàn thành trong năm tới với chi phí 100 triệu USD. Mỹ cũng đang hỗ trợ các hoạt động chăm sóc sức khỏe và chương trình cho người khuyết tật ở bảy tỉnh bị rải nhiều chất da cam hoặc nơi có nhiều người bị ảnh hưởng, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp hoàn thiện pháp luật của Việt Nam về quyền của người khuyết tật. Ngoài ra, Mỹ đã tài trợ một cuộc khảo sát về ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Không chỉ dừng ở việc khắc phục các địa điểm bị nhiễm dioxin nơi quân đội Mỹ dùng để lưu trữ chất da cam, các nguồn hỗ trợ của Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ người khuyết tật do chiến tranh, chương trình khắc phục bom mìn, vật nổ, xác định hài cốt của công dân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.

“Có nhiều việc phải làm, nhưng Thượng nghị sĩ Leahy hài lòng với cách cả hai chính phủ đã làm việc với nhau về vấn đề chất độc da cam /dioxin và những gì đã được thực hiện cho đến nay”, cố vấn đối ngoại của Thượng nghị sĩ Leahy từ năm 1985 cho biết.

Một tiến triển dễ nhận thấy khác là ngân sách của Mỹ dành cho chương trình khắc phục bom mìn, vật nổ tăng mạnh trong những năm qua. Phát biểu tại Hà Nội trong phiên Đối thoại Chiến lược vào tháng 1/2015, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Puneet Talwar chỉ rõ ngân sách năm 2015 tăng hơn gấp đôi năm 2014 ở mức 10,5 triệu USD. Những năm trước chỉ khoảng dưới 4 triệu/năm. Đây được xem là kết quả trực tiếp sau chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4/2014 của đoàn Quốc hội Mỹ do Thượng nghị sỹ, Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy dẫn đầu.

Việt Nam, nơi tạo ra sự khác biệt

"Có rất nhiều vấn đề trên thế giới. Bạn phải tìm ra nơi mà bạn có thể tạo ra sự khác biệt". Đấy là cách Tim Rieser nói về những nỗ lực ngoại giao của Thượng nghị sĩ Leahy và ông trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba.

Khi tôi hỏi liệu Việt Nam có phải nơi ông chọn để tạo ra sự khác biệt, đặc biệt liên quan đến việc giải quyết hậu quả chiến tranh, chẳng hạn như giảm thiểu mối đe dọa từ bom mìn, vật nổ hoặc tìm kiếm công dân Việt Nam mất tích trong chiến tranh trở thành ưu tiên hàng đầu của ông, Tim Rieser cho rằng: “Do tầm quan trọng của cuộc chiến tranh Việt Nam trong lịch sử của nước Mỹ và những bài học rút ra từ đó, Thượng nghị sĩ Leahy từ lâu cảm thấy Hoa Kỳ có lợi ích và trách nhiệm giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề này. Thượng nghị sĩ Leahy và tôi thuộc thế hệ chiến tranh Việt Nam, hiểu về cuộc chiến và thảm họa mà nó đã gây ra cho nhân dân hai nước. Cựu chiến binh Bobby Muller, người đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải giữa hai nước, là một người bạn tốt của Thượng nghị sĩ Leahy và tôi, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới quyết định chọn việc khắc phục hậu quả chiến tranh trở thành ưu tiên trong quan hệ hai nước của ngài Thượng nghị sĩ .

Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Thảo (hay còn gọi là Thảo Griffiths), Trưởng Đại diện VVAF tại Việt Nam, nay thuộc Trung tâm Quốc tế (IC-VVAF), nhận xét: “Nếu không có bàn tay trực tiếp và gián tiếp của Tim Rieser, có thể nói chúng ta không có những tiến bộ đạt được về hỗ trợ nhân đạo của Mỹ đối với Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh (từ năm 1988), và chương trình của Mỹ viện trợ cho Việt Nam nói chung”.

“Ông Rieser không lạ gì với các nhiệm vụ phức tạp. Kỹ năng và ảnh hưởng của ông ở Quốc hội Mỹ được đánh giá cao đến mức một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ gọi ông với cái tên trìu mến là "Ngoại trưởng Rieser”.

(New York Times)

Tim Rieser nổi tiếng vì sự kín đáo nhưng có đóng góp quyết định tới với việc thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và các nước khác, trong đó có Việt Nam. Bobby Muller cho rằng sự thành công của Tim bắt nguồn từ những hiểu biết sâu sắc trong nhiều  lĩnh vực, từ luật pháp, nhân quyền đến các vấn đề về công bằng xã hội. Những người khác nói ông đã giành được sự tôn trọng của Chính quyền Mỹ và các chính phủ nước ngoài bởi ông luôn làm điều tốt nhất cho những người thiệt thòi. Vẫn phong cách khiêm tốn như thường thấy, Tim nói về điều này một cách giản dị: “Tôi thực hiện các ưu tiên của Thượng nghị sĩ Leahy, và tôi nhận thấy cách tốt nhất để làm điều đó là lắng nghe và đối xử với người khác (gồm cả những người không có cùng quan điểm) bằng sự tôn trọng. Tôi luôn tin rằng đó là trách nhiệm của Chính phủ để giúp đỡ những người ít có khả năng giúp đỡ chính mình”.

Bởi thế, trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Barack Obama, Tim Rieser cho biết Thượng nghị sĩ Leahy, ngoài việc kỳ vọng chuyến thăm là cơ hội kịp thời và quan trọng để củng cố những tiến bộ trong quan hệ Việt - Mỹ trên một loạt các vấn đề, bao gồm cả an ninh khu vực, thương mại và đầu tư, giáo dục đại học, nhấn mạnh đến vấn đề di sản chiến tranh. Thượng nghị sĩ Leahy muốn thấy những thỏa thuận cụ thể từ chuyến thăm này liên quan đến việc tẩy độc sân bay Biên Hòa, về một cuộc khảo sát toàn diện nhằm khắc phục bom mìn, vật nổ và hỗ trợ người khuyết tật nhiều hơn nữa.

Có những lo ngại rằng, trong bối cảnh phần đông các nhà lãnh đạo của Mỹ trưởng thành trong chiến tranh Việt Nam sắp nghỉ hưu, khi đó vị trí Việt Nam không còn đặc biệt với các chính khách Mỹ như hiện nay. Đó cũng là trăn trở của “Người bạn Mỹ trầm lặng” Tim Rieser về việc làm thế nào để tiếp tục duy trì được sự ủng hộ đó cho Việt Nam. Thật khó có thể đong đếm được những gì Tim Rieser đã thầm lặng đóng góp cho mối bang giao Việt - Mỹ nhưng có một điều mà nhiều quan chức có chung nhận xét là ông cố vấn của Thượng nghị sĩ Leahy luôn nỗ lực làm hết sức mình.