Ông có thể khái quát những nét nổi bật nhất trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức 10 năm qua?
Chặng đường 10 năm qua là 10 năm chúng ta triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Đã có rất nhiều bước tiến có ý nghĩa trên mọi lĩnh vực hợp tác.
Về chính trị, ngoại giao, chúng ta đã có rất nhiều cuộc trao đổi, những cơ chế hợp tác rất thiết thực giữa hai bên, hợp tác song phương và đa phương đều rất thành công.
Trên bình diện song phương, hai bên thường xuyên đối thoại về chính trị, ngoại giao; trao đổi đề ra những biện pháp cụ thể nhằm triển khai nội hàm Đối tác chiến lược; những kế hoạch hành động cụ thể. Đã có những cơ chế đối thoại về nhà nước pháp quyền, tại những diễn đàn khác nhau.
Hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai bên cũng đang tiến triển rất tốt qua các hoạt động hợp tác như đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi các đoàn, chia sẻ kinh nghiệm về giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc, trao đổi đào tạo sĩ quan, đón tiếp các đoàn hải quân đến thăm.
Về đa phương, hai bên cùng chia sẻ và có những đóng góp thiết thực. Khi Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hai nước đã cùng ủng hộ, bàn thảo những vấn đề của Hội đồng Bảo an một cách thiết thực và xây dựng.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng. (Ảnh: Vân Chi) |
Năm 2017, khi Việt Nam chủ trì Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Đức đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G20, hai bên đã phối hợp với nhau rất tốt, cùng thúc đẩy những vấn đề về toàn cầu hóa, thuận lợi hóa thương mại.
Tóm lại, chúng ta đã làm được rất nhiều việc trong 10 năm vừa qua. Hai bên đang có sự tin cậy cao, nhất là trong các cuộc đối thoại cấp chiến lược giữa các Thứ trưởng Ngoại giao, cùng bàn về tổng thể mọi vấn đề dựa trên sự cởi mở, thẳng thắn và tin cậy lẫn nhau.
Hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng đang phát triển rất tích cực. Thương mại và đầu tư đã tăng lên gần gấp đôi so với trước khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Đức trở thành đối tác thương mại số 1 của Việt Nam và trong Liên minh châu Âu (EU). Hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục là lĩnh vực tiềm năng mà hai bên có thể đẩy mạnh khai thác.
Những dự án “hải đăng” lớn như Trường Đại học Việt Đức, Ngôi nhà Đức, tàu điện ngầm Metro TP. Hồ Chí Minh... đều đang được triển khai rất tốt.
Bên cạnh đó, môi trường, khoa học - công nghệ, du lịch, giáo dục đào tạo, dạy nghề… đều là những lĩnh vực mà hai bên đang triển khai hợp tác và có thể tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới.
Đức là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của thế giới nhưng dường như đầu tư của Đức vào Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn và chưa xứng tầm với với quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức. Theo ông, nguyên nhân do đâu và Việt Nam cần làm gì để hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc gia châu Âu này?
Hợp tác về thương mại giữa hai bên vẫn cần phải thúc đẩy hơn nữa. Tôi lấy ví dụ, nếu như thương mại Việt Nam-Đức chỉ bằng 1% thương mại của Đức ra bên ngoài thì chúng ta có thể có được 35 tỷ USD nhưng hiện nay kim ngạch thương mại song phương mới chỉ dừng ở mức xấp xỉ trên dưới 10 tỷ USD.
Chúng ta đã có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), mở ra rất nhiều cơ hội để gia tăng thương mại hai bên. Vì vậy, hai bên cần phải khai thác tốt nhất Hiệp định này.
Tin liên quan |
Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức: Thực chất, hiệu quả và bền vững |
Điều chúng ta cần làm sắp tới là phải đi vào chi tiết hơn. Bộ Công Thương, các bộ, ngành cần hướng dẫn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xâm nhập thị trường châu Âu, làm sao phải giữ uy tín, tìm kiếm các chủng loại sản phẩm phù hợp để vào được thị trường châu Âu nói chung và thị trường Đức nói riêng.
Đặc biệt, trong quá trình phát triển kinh tế đang gắn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, việc tìm hiểu kỹ hơn thị trường Đức để có thể thâm nhập thị trường này nhiều hơn cũng là việc cần làm.
Về đầu tư, đầu tư của Đức vào Việt Nam có thể nói là còn khiêm tốn. Để thúc đẩy đầu tư từ Đức trong tương lai thì thể chế, quy định về đầu tư của chúng ta cần phải điều chỉnh để làm sao thu hút được những dự án cụ thể, với những dự án đang có rồi thì cần xem còn vướng mắc ở đâu để tháo gỡ. Nếu môi trường đầu tư không thuận lợi và khó thì nhà đầu tư sẽ rất ngại vào.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần có những hoạt động quảng bá, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Đức, giới thiệu các dự án đầu tư nổi bật tại các địa phương. Cần làm rõ nếu đầu tư thì nên đầu tư vào đâu? Lợi ích của nhà đầu tư là gì, họ sẽ nhận được những ưu đãi gì?...
Những gì chúng ta thấy thiết thực thì nên tính toán. Có rất nhiều biện pháp để tăng cường hiểu biết giữa doanh nghiệp hai bên, hỗ trợ doanh nghiệp Đức thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Nếu chúng ta giúp họ thành công thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khác đến với chúng ta.
Hiện doanh nghiệp Đức muốn vào thị trường Việt Nam thường sẽ phải thông qua Phòng Thương mại Công nghiệp Đức ở Việt Nam (AHK). Đây là đơn vị đóng vai trò then chốt trong việc vận động các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động của AHK tại Việt Nam vẫn đang còn tồn tại một số vướng mắc. Vì vậy, cần tạo điều kiện, hỗ trợ cho AHK để có thêm nhiều doanh nghiệp Đức yên tâm lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Một nền tảng quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam-Đức là lĩnh vực hợp tác phát triển. 10 năm qua, lĩnh vực này đã được thúc đẩy và triển khai như thế nào?
Đây là lĩnh vực hợp tác mà Đức đã làm rất tốt. Họ có chương trình hỗ trợ phát triển cho Việt Nam, theo tôi nhớ là trên 2 tỷ USD rất hiệu quả.
Rất nhiều dự án tốt đã được triển khai và làm đến đâu là hiệu quả đến đấy. Nếu Việt Nam phối hợp tốt thì cơ hội để gia tăng hợp tác trong lĩnh vực này là rất lớn.
Đức hiện nay cũng coi Việt Nam và các nước ASEAN là những nước đối tác về phát triển của họ, vì vậy, chúng ta cần khai thác tốt hơn các dự án này để mở rộng thêm sự hợp tác từ Đức.
Tọa đàm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức, ngày 15/10. (Ảnh: Vân Chi) |
Khi nói đến các biện pháp để tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam-Đức, ông có đề cập kênh ngoại giao nhân dân. Vậy kênh ngoại giao này cần được phát huy như thế nào để tiếp tục gia tăng sự gắn bó giữa hai nước?
Tôi nghĩ chúng ta cần tăng cường yếu tố trao đổi đoàn. Có rất nhiều tổ chức xã hội mà hai bên có thể trao đổi.
Khi tôi làm Đại sứ tại Đức, dù chúng ta đã tổ chức tương đối nhiều hoạt động nhưng người Đức hiểu biết sâu sắc về sự thay đổi ở Việt Nam vẫn chưa nhiều.
Người Đức đi du lịch nước ngoài rất nhiều, nhưng không ít người vẫn nhìn Việt Nam ở thời điểm kết thúc chiến tranh nên họ còn có phần dè dặt. Nếu tới đây chúng ta xúc tiến du lịch tốt, tăng cường trao đổi thông tin để họ hiểu biết hơn về Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, tăng trao đổi đoàn nhân dân như thanh niên, sinh viên... thì số lượng khách du lịch từ Đức chắc chắn sẽ tăng lên.
Đức có rất nhiều tổ chức mà chúng ta có thể tăng cường quan hệ để thông qua đó, giới thiệu cho nhân dân hai nước hiểu biết về nhau hơn.
Thách thức lớn nhất trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức 10 năm tới là gì, thưa ông?
Bên cạnh vấn đề biến đổi khí hậu đang là thách thức to lớn của thế giới, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức cũng đứng trước những thách thức từ các vấn đề về an ninh phi truyền thống như đại dịch, an ninh mạng...
Những vấn đề nóng của toàn cầu hiện nay như sự cạnh tranh quốc tế, môi trường chiến lược trong khu vực, câu chuyện địa chính trị của khu vực Đông Nam Á khi là nơi cạnh tranh vai trò ảnh hưởng của các nước lớn và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang trở thành khu vực được quan tâm nhất của thế giới.
Trong bối cảnh đó, liệu chúng ta có giữ được môi trường ổn định hay không? Tới đây những thách thức đó sẽ được xử lý như thế nào?
Thách thức đặt ra là hai nước sẽ phải hợp tác như thế nào để có được môi trường hòa bình, an ninh cho sự phát triển của khu vực và của từng nước. Ở đó, câu chuyện về hợp tác an ninh giữa hai bên sẽ được đặt ra, tôi nghĩ là đã đặt ra rồi nhưng sẽ phải cụ thể hơn.
Chúng ta cần cụ thể hóa để có những bước tiến dài và hiệu quả hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Tọa đàm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức (10/2011-10/2021) do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer (KAS) tổ chức với sự tham dự của các Đại sứ, nguyên Đại sứ, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp của hai nước. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom với hơn 300 lượt theo dõi. |
| Đối ngoại nhân dân - điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Đức Nhìn lại quan hệ Việt Nam-Đức, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, ... |
| 'Ngọn hải đăng' trong hợp tác giáo dục nghề nghiệp Việt Nam- Đức Được triển khai từ năm 2011, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình TVET) đã trở thành một trong những dự ... |