📞

Nguyên Tổng thư ký Ban Ki-moon: Vấn đề phổ biến hạt nhân cần phản ứng đa phương giống như đại dịch Covid-19

Huy Sơn 13:45 | 01/07/2020
TGVN. Trong bài viết đăng trên South China Morning Post, nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong vấn đề vũ khí hạt nhân, giống như cách thế giới đã và đang làm trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Bức ảnh phóng tên lửa của Triều Tiên được trưng bày tại Bưu điện quan sát thống nhất ở Paju, Hàn Quốc, ngày 13 tháng 12 năm 2019. (Nguồn: AP)

Đại dịch Covid-19 đã chiếu rọi vào những lỗ hổng trong thế giới ngày càng gia tăng liên kết của chúng ta. Không một quốc gia nào có thể tự ứng phó với virus SARS-CoV-2, bất kể nước đó sở hữu quy mô kinh tế, tiềm lực quân sự hay sức mạnh công nghệ tầm cỡ đến mức nào. Cách duy nhất để vượt qua mối đe dọa từ dịch bệnh Covid-19 là thông qua hợp tác quốc tế và minh bạch.

Theo nguyên Tổng thư ký Ban Ki-moon, một nguy cơ cũng không kém phần nghiêm trọng đối với tương lai của nhân loại dù hiếm khi thống trị các mặt báo là vấn đề phổ biến hạt nhân. Năm 2020 đánh dấu mốc kỷ niệm 75 năm ngày hai quả bom nguyên tử Little Boy và Fat Man được thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Sự kiện gây chấn động này dẫn đến sự ra đời của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), có hiệu lực trong 50 năm qua với 190 quốc gia tham gia.

Tuy nhiên, một cuộc xung đột hạt nhân vẫn là mối đe dọa hiện hữu. Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), kho dự trữ vũ khí hạt nhân toàn cầu vẫn đứng ở mức 13.400 đầu đạn ngay cả khi Chiến tranh Lạnh đã lùi xa ba thập kỷ. Tại châu Á, căng thẳng đang ở mức cao đáng báo động giữa hai quốc gia hạt nhân là Trung Quốc và Ấn Độ sau cuộc giao tranh ngày 15/6 vừa qua tại thung lũng Ladakh Galwan, khiến 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. Trước đó, Ấn Độ và nước láng giềng vũ trang hạt nhân khác là Pakistan được cho là đã tiệm cận miệng hố chiến tranh vào năm 2019 sau những vụ đụng độ tại vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ và Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, tính đến tháng 7/2019, Trung Quốc sở hữu 290 đầu đạn hạt nhân, trong khi số liệu của Ấn Độ và Pakistan lần lượt là 140 và 160 đầu đạn.

Còn tại Bán đảo Triều Tiên, tuy Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ cá nhân với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, điều này đã không mang lại kết quả tích cực về tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo. Ngược lại, Bình Nhưỡng tiếp tục tăng cường khả năng hạt nhân và chưa bao giờ từ bỏ tham vọng giành được vị thế hạt nhân trên thế giới.

Trong khi đại dịch Covid-19 đã thu hút sự chú ý, của các nhà lãnh đạo thế giới cũng như “chiếm sóng” trong các phiên thảo luận của ngoại giao quốc tế, vấn đề hạt nhân đã bị bỏ ngỏ. Ý nghĩa của mối đe dọa hạt nhân đã và đang được củng cố trước đại dịch Covid-19 và sau các cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống đa phương bởi các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cô lập và độc đoán.

Ông Ban Ki-moon cho rằng, quyết định của Mỹ năm 2019 rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung là một động thái thiển cận, là một bước thụt lùi trở lại thời Chiến tranh Lạnh và một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm bao trùm lên châu Âu và rộng hơn là cả thế giới.

Thời gian gần đây, thế giới lại chứng kiến những tín hiệu đáng báo động hơn từ Mỹ sau những động thái làm suy yếu kiến trúc toàn cầu về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo đó, các nguy cơ bao gồm việc Washington thông báo dự định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, và thậm chí có những đồn đoán rằng, nước này đang xem xét nối lại thử nghiệm hạt nhân sau lệnh cấm 28 năm.

Hội nghị đánh giá Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) dự kiến diễn ra trong năm nay, đã phải hoãn lại vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, tất cả các bên tham gia NPT không nên lãng phí thời gian cho sự trì hoãn này và cần phải thực hiện các bước cụ thể về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Những người gánh vác nhiệm vụ nặng nề nhất là năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, những nước đã liên tục không tuân thủ nghĩa vụ giải trừ quân bị theo Điều 6 của Hiệp ước NPT.

Ngoài ra, cộng đồng quốc tế nên gây áp lực hay làm bất cứ điều gì để có thể để thuyết phục chính quyền Mỹ đồng ý gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới) trong 5 năm. Hiệp ước hết hạn đồng nghĩa với việc không có thỏa thuận ràng buộc để kiểm soát vũ khí giữa hai siêu cường hạt nhân Mỹ và Nga, và do đó, tạo ra rủi ro nghiêm trọng đối với nền hòa bình và an ninh toàn cầu.

Mỹ đã đề nghị gia hạn START mới, với điều kiện có sự tham gia của Trung Quốc. Mặc dù sự tham gia của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào cuộc thảo luận giải trừ vũ khí toàn cầu là cần thiết, nhưng thật không công bằng nếu việc kéo dài START mới lại phụ thuộc vào Bắc Kinh, vì các kho dự trữ của Trung Quốc chỉ bằng một phần hai của Mỹ và Nga. Thay vào đó, Mỹ nên chấp nhận lời đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng ý gia hạn ngay lập tức.

Nếu các cường quốc hạt nhân không thực hiện các bước đi cụ thể nhằm cắt giảm kho vũ khí và đầu tư mạnh vào cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu, những lời nhắc nhở về thảm họa Hiroshima và Nagasaki sẽ trở nên sáo rỗng, và kịch bản cho những thảm họa hạt nhân hủy diệt sẽ có thể tái diễn trong tương lai.

(theo SCMP)