Nhà báo Thomas Bo Pedersen và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong cuộc phỏng vấn năm 1984. (Ảnh: NVCC) |
Lời tựa
Tháng 6/1984, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lần đầu trả lời phỏng vấn nhà báo Đan Mạch Thomas Bo Pedersen, giải thích quan điểm của Việt Nam về các vấn đề then chốt trong giai đoạn biến động đầy phức tạp.
Phản ứng của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trước những lời chỉ trích của phương Tây đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc và độc đáo về cách Chính phủ Việt Nam đối phó với những thách thức hậu Chiến tranh chống Mỹ. Bài phỏng vấn này được đăng ngày 23/6/1984 trên Land og Folk, một tờ báo của Đảng Cộng sản Đan Mạch.
Chúng tôi không tự cô lập mình khỏi phương Tây
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch khẳng định trong cuộc phỏng vấn với Land og Folk rằng quân đội Việt Nam sẽ không rời khỏi Campuchia, cho đến khi lực lượng của Pol Pot bị tiêu diệt hoàn toàn. Cuộc đấu tranh chống Pol Pot cũng là một vấn đề tự vệ giống hệt như khi Liên Xô, Mỹ, Pháp và Anh hành quân đến Berlin để tiêu diệt trùm phát xít Adolf Hitler và chế độ Đức Quốc xã.
Ông nói: Dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, toàn bộ người dân Campuchia đứng trước nguy cơ chết đói, hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người đã bỏ mạng. Trong thảm hoạ diệt chủng, bác sĩ và giáo viên bị hành quyết. Khi chúng tôi đến Phnom Penh, bệnh viện và trường học đều không hoạt động.
Giờ đây, 5 năm đã trôi qua kể từ khi chế độ Pol Pot bị lật đổ, tình hình lương thực vẫn cần được cải thiện, nhưng người dân Campuchia không ai bị đói nữa. Tính đến thời điểm hiện tại, 1,6 triệu học sinh đã trở lại trường học và việc chăm sóc sức khỏe cũng đang được cải thiện. Chúng tôi đã có thể hỗ trợ nước láng giềng vững vàng trở lại, mặc dù nguồn lực của Việt Nam có hạn.
Chúng tôi vẫn còn nghèo. Mỹ đã thua trên chiến trường, nhưng người Mỹ vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại đất nước tôi bằng các biện pháp ngoại giao, kinh tế và chính trị. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam, nhưng nó sẽ không bao giờ ngăn cản chúng tôi hỗ trợ những người bạn của mình ở Campuchia.
Tháng 1/1983, một phái đoàn các nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ đã đến thăm Campuchia. Họ phản đối sự hiện diện quân sự của Việt Nam tại đây, nhưng họ phải thừa nhận rằng điều kiện sống của người dân Campuchia đã được cải thiện rất nhiều.
Thomas Bo Pederson: Các nhà hoạch định phương Tây lại có những nhận định tình hình khá khác nhau. Một số người cho rằng Việt Nam chỉ là một công cụ trong chiến lược của Liên Xô nhằm tạo ra một thành trì trong khu vực. Một số người thậm chí còn ví ông như là một Bộ trưởng Ngoại giao của Liên bang Xô Viết tại Đông Nam Á.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Ít có quốc gia nào chịu nhiều âm mưu đô hộ của ngoại bang như Việt Nam. Lần nào cũng vậy, chúng tôi xác định hi sinh chiến đấu. Với lịch sử đất nước của chúng tôi như vậy, làm sao bạn có thể nghĩ rằng Việt Nam sẽ chịu khuất phục dưới sự thống trị của bất cứ thế lực ngoại bang nào. Trung Quốc, Pháp và Mỹ đều cố gắng mà không thành công.
Ngược lại, Liên Xô tôn trọng nền độc lập của Việt Nam. Chúng tôi phân biệt được đâu là bạn, và chúng tôi không mong muốn có bất cứ kẻ thù nào, ở các nước phương Tây, hay bất cứ đâu trên thế giới này. Tôi xin đưa ra một ví dụ: Năm 1976, Việt Nam trở thành thành viên của Ngân hàng Thế giới. Các nước phương Tây đã rất vui mừng chào đón sự gia nhập này của chúng tôi.
Năm 1979, khi Mỹ và đồng minh xúi giục phong tỏa kinh tế đối với Việt Nam, chúng tôi đã xin gia nhập COMECOM, tổ chức hợp tác kinh tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa.
Về nguyên tắc, chúng tôi muốn có mối quan hệ thân tình với Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Cho đến ngày nay, Việt Nam vẫn là thành viên của Ngân hàng Thế giới, mặc dù chúng tôi không được hưởng lợi từ các chương trình của ngân hàng, do Mỹ duy trì cấm vận với chúng tôi.
Cùng lúc đó, chúng tôi cũng là thành viên của COMECON. Chúng tôi không tự cô lập mình khỏi các hệ thống chính trị hoặc kinh tế khác. Bây giờ thử nói về trường hợp của đất nước của bạn, Đan Mạch. Tôi nghĩ rằng Đan Mạch có lẽ chỉ tham gia Ngân hàng Thế giới. Nói cách khác, chẳng phải Đan Mạch và các nước phương Tây khác còn một chiều hơn chúng tôi? (Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói, với một nụ cười châm biếm và một cái nháy mắt).
Một sự che đậy vụng về
Thomas Bo Pederson: Các nhà phê bình phương Tây cho rằng chính phủ Heng Samrin của Campuchia chỉ có thể tồn tại nhờ hậu thuẫn của quân đội Việt Nam. Họ thậm chí còn gọi Samrin là một con rối của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Trung Quốc, Mỹ và một số nước phương Tây dùng luận điệu này để che đậy quyết định ủng hộ Pol Pot của họ. Họ biết rất rõ rằng Pol Pot là kẻ giết người hàng loạt. Heng Samrin lãnh đạo cuộc nổi dậy của quần chúng chống Pol Pot ngay từ đầu năm 1977. Cuộc nổi dậy chống Pol Pot chắc chắn không phải do Việt Nam ngụy tạo. Bạn đang thấy kết quả trực tiếp của tội ác diệt chủng của Pol Pot đối với chính dân tộc của hắn.
Trung Quốc đang hỗ trợ quân sự lớn cho tàn dư của quân đội Pol Pot. Chính phủ Heng Samrin hiện đang lãnh một trách nhiệm to lớn là tái thiết đất nước Campuchia. Nếu Việt Nam rút quân sớm sẽ khiến tình hình Campuchia càng thêm khó khăn.
Cái giá phải trả
Thomas Bo Pederson: Sự hiện diện quân sự của Việt Nam ở Campuchia đã tạo cho Mỹ và các đồng minh cái cớ để cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Chính người dân Việt Nam đang phải trả một cái giá đắt cho sự ủng hộ của Việt Nam đối với chính phủ Heng Samrin?
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Chúng tôi thực sự phải trả giá đắt. Chúng tôi có một điểm chung quan trọng với những người bạn của chúng tôi ở Lào và Campuchia: Chúng tôi đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa bành trướng đang diễn ra của Trung Quốc. Nếu chúng tôi không duy trì đấu tranh vì tự do và độc lập, chúng tôi sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều trong tương lai.
Thomas Bo Pederson: Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố rằng Việt Nam phải chịu trách nhiệm về xung đột hiện tại giữa hai nước vì sự hiện diện của Việt Nam ở Campuchia?
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Có thể là những hành động khiêu khích của Trung Quốc hiện nay là một nỗ lực nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu của Pol Pot và những người trung thành với hắn. Nhưng trên thực tế, xung đột hiện nay còn dựa trên lịch sử xâm lược lâu dài của Trung Quốc đối với Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều con phố ở Hà Nội và các thành phố khác của Việt Nam được mang tên những anh hùng, những người đã hy sinh thân mình để ngăn chặn quân xâm lược phương Bắc. Trong 1.000 năm qua, người Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam ít nhất 10 lần, gần đây nhất là vào năm 1979.
Thomas Bo Pederson: Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều bộ đội Việt Nam trong một chuyến thăm các khu vực biên giới. Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược khác từ Trung Quốc?
(Bộ trưởng Thạch trả lời bằng một tràng cười trứ danh của mình. Nó vang lên như một tiếng sấm nhỏ trong phòng).
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Tôi đọc trên báo Nhân dân sáng nay, rằng bạn đã có trải nghiệm của riêng mình, chạy khỏi trận pháo kích của Trung Quốc hôm qua ở Hà Giang. Tôi rất vui vì quân đội của chúng tôi đã đưa bạn trở về an toàn sau cuộc chạm trán với người Trung Quốc.
Tôi xin cam đoan rằng Trung Quốc sẽ không dễ dàng xâm lược Việt Nam. Họ chỉ thành công một lần; tất cả các lần khác đều thất bại. Bản chất tôi là một người lạc quan. Chúng tôi cũng đã trải qua thời kỳ hòa bình lâu dài với Trung Quốc, thậm chí có lần kéo dài tới 350 năm. Việt Nam tiếp tục nỗ lực cho mối quan hệ tốt nhất có thể với Trung Quốc, nhưng lịch sử đã dạy chúng tôi chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Việc Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng trái phép các đảo của Việt Nam ở Biển Đông là một lời nhắc nhở hàng ngày về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Đây không chỉ là vấn đề đối với Việt Nam. Nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Biển Đông, nó sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng với những hệ lụy trong khu vực cũng như toàn cầu.
Quyền con người
Thomas Bo Pederson: Việt Nam thường bị chỉ trích về các vấn đề nhân quyền. Một số nhà quan sát phương Tây đã so sánh các trại cải tạo của Việt Nam với các trại tập trung của Đức Quốc xã.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Vậy ư? Hãy để tôi nhắc bạn rằng một số nhà lãnh đạo cấp cao của Đức Quốc xã đã bị hành quyết sau Thế chiến thứ 2. Kể cả 40 năm sau, những người Do Thái vẫn tiếp tục truy lùng những kẻ Đức quốc xã còn sót lại. Có thể vì cách làm này của phương Tây mà cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger đã tiên đoán trước công chúng rằng sẽ có một cuộc tắm máu xảy ra sau khi Sài Gòn thất thủ.
Tôi đề nghị bạn nên nhìn vào những gì đã xảy ra hơn là những cáo buộc vô căn cứ. Tại Việt Nam, không một người nào của chế độ miền Nam bị xử tử, mặc dù một số người trong số họ đã gây ra những tội ác dã man đối với nhân dân Việt Nam.
Thay vào đó, chúng tôi đã đưa họ đi cải tạo và họ hầu hết đã được thả. Tất cả chúng ta đều biết rằng những cáo buộc này đã không xảy ra. Đất nước chúng tôi đã thống nhất một cách hòa bình sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ. Ngay cả những tội phạm chiến tranh tồi tệ nhất cũng được tha.
Vẫn còn một số lãnh đạo chế độ Sài Gòn bị giam giữ, những người chịu trách nhiệm về các vụ thảm sát và các tội ác khác đối với thường dân vô tội trong chiến tranh. Thỉnh thoảng, chúng tôi nhận được yêu cầu từ chính phủ Hoa Kỳ để trả tự do cho họ. Chúng tôi thậm chí đã đề nghị thả họ ra để họ tái định cư ở Mỹ. Người Mỹ nói không, cảm ơn. Họ không muốn để những tên tội phạm này tự do lang thang trên đất nước của họ.
Tôi đề nghị bạn và các nhà báo phương Tây khác đến Việt Nam hãy viết về những gì bạn nhìn thấy tận mắt. Tôi không hy vọng bạn chỉ nghe tôi thuyết phục. Hãy tận mắt chứng kiến, trò chuyện với những người dân Việt Nam ở đây về cuộc sống, về hy vọng và ước mơ của họ. Và hãy tự mình đến thăm Campuchia và đánh giá tình hình ở đó.
Bạn sẽ thấy tại sao Việt Nam trân trọng hòa bình hơn bất cứ điều gì. Ở đất nước này, mọi gia đình đều trải qua mất mát chiến tranh. Chúng tôi sẵn sàng đứng lên bất cứ lúc nào chống quân xâm lược, nhưng chúng tôi không phải là người khơi mào cho bất kỳ cuộc xung đột nào.