Nói dễ
Nhằm tránh vết xe đổ trong chính sách chống khủng bố của người tiền nhiệm George W.Bush, Tổng thống Obama đã tuyên bố sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo trong vòng 100 ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức; khẳng định nước Mỹ đã bước vào một kỷ nguyên mới, “Kỷ nguyên tôn trọng nhân quyền”. Bốn tháng sau (5/2009), ông đã có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, ông kéo dài thời hạn này thành “trong năm đầu tiên”, đồng thời tuyên bố thành lập một tòa án đặc biệt dành cho tù nhân Guantanamo.
Trong quá trình thực thi kế hoạch đóng cửa Guantanamo, ông Obama cũng đưa ra những quy định bảo vệ quyền lợi cho các tù nhân như: không công nhận bằng chứng có được do sử dụng hình thức tra tấn trong quá trình thẩm vấn; hạn chế sử dụng bằng chứng “miệng”; và kéo dài thời gian lựa chọn luật sư bào chữa của tù nhân. Ông Obama còn ra lệnh đình chỉ các phiên xét xử của “Ủy ban Quân sự”. Ủy ban này được lập ra dưới thời Tổng thống Bush, là nơi quân đội Mỹ có thể thoải mái xét xử các tù binh mà không cần tuân thủ các tiêu chuẩn tòa án dân sự. Lý do chính quyền Bush đưa ra là nhà tù Guantanamo giam giữ những tên khủng bố thuộc loại “chiến binh thù địch”, tức là thành viên của các nhóm vũ trang phi pháp. Đây là những biện pháp tình thế nhằm trấn an tù nhân và các tổ chức nhân quyền, tuy nhiên, điều dư luận thực sự quan tâm là những bước đi cụ thể nhằm thực hiện kế hoạch đóng cửa nhà tù này.
Làm khó
Mặc dù nhất trí với quyết định của ông Obama không công bố những bức ảnh thẩm vấn và tra tấn tù nhân tại nhà tù Guantanamo, nhưng việc bỏ phiếu hôm 1/10 của Hạ viện Mỹ đã giáng một đòn mạnh vào các nỗ lực của ông Obama. Thậm chí báo giới còn mô tả đây là một thất bại choáng váng đối với Tổng thống. Trước đó, Quốc hội Mỹ cũng đã không phê chuẩn khoản ngân sách cần thiết để đóng cửa nhà tù.
Những người ủng hộ đề xuất cấm dẫn độ cho rằng hầu hết cử tri Mỹ muốn tiếp tục giam giữ nghi can khủng bố tại Guantanamo; khẳng định không có lý do gì mà những kẻ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Mỹ lại không thể bị xét xử ngay tại Cuba. Trong khi đó, những người tán thành kế hoạch đóng cửa Guantanamo lại cho rằng việc tiếp tục duy trì Guantanamo cùng với lệnh giam giữ kéo dài các nghi can đang dần hủy hoại hình ảnh của một nước Mỹ dân chủ và tôn trọng nhân quyền trong mắt bạn bè quốc tế.
Việc thông qua lệnh cấm dẫn độ tù nhân Guantanamo về Mỹ cùng với những quy định nghiêm ngặt trong các đạo luật tài chính cho thấy hiện nay Quốc hội Mỹ, cả phe Dân chủ và phe Cộng hòa, đang rút dần sự ủng hộ với kế hoạch của Obama. Điều tra dư luận cũng cho thấy ngày càng có nhiều cử tri Mỹ không muốn nghi can khủng bố xuất hiện trên đất nước họ vì bất cứ mục đích nào. Vậy liệu kế hoạch của Obama có bị phá sản?
Cuối tháng 9/2009, lần đầu tiên chính quyền Obama thừa nhận rằng có thể nhà tù Guantanamo sẽ không thể đóng cửa đúng thời hạn bởi những khó khăn trong quá trình xem xét hồ sơ của các nghi can và những vấn đề thuộc khuôn khổ pháp lý và hậu cần. Tuy nhiên, ông Obama sẽ không thể từ bỏ cam kết đóng cửa Guantanamo. Ông sẽ phải điều chỉnh kế hoạch để lôi kéo sự ủng hộ của cả phe Dân chủ và phe Cộng hòa cũng như dân chúng Mỹ. Hơn 200 tù nhân đang bị giam giữ tại Guantanamo không còn cách nào khác là phải kiên nhẫn chờ đợi.
Khai Tâm