| Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 8) |
Guareschi Giovanni (1908-1968) là nhà viết tiểu thuyết trào phúng. Tác phẩm chính: Thế giới nhỏ bé của Don Camillo (1948).
Thế giới nhỏ bé của Don Camillo là tiểu thuyết bán rất chạy. Trong tấn bi kịch giày vò lương tâm con người hiện đại, Guareschi chỉ muốn nhìn khía cạnh nực cười của mọi tình huống. Ông đã xây dựng nhân vật Don Camillo, cha xứ một làng tưởng tượng, luôn va chạm với thị trưởng Peppone, Đảng viên Cộng sản.
Hai địch thủ này luôn luôn đấu nhau, nhưng lại không thể không có nhau. Cả hai đều tốt bụng, đều tưởng mình đúng, nhưng thật ra chỉ đúng một phần. Tác phẩm được hoan nghênh trên trường quốc tế nên tác giả tiếp tục viết một loạt tiểu thuyết về Don Camillo (Don Camillo với con chiên, Don Camillo và Peppone, Don Camillo ở Moscow)
***
Leopardi Giacomo là nhà thơ lãng mạn, đại diện cho phong trào Phục Hưng văn hoá và dân tộc Italy. |
Leopardi Giacomo (1798-1837) là nhà thơ lãng mạn, đại diện cho phong trào Phục Hưng văn hoá và dân tộc Italy Risorgimento (Tái sinh). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Những bài ca trữ tình (1836).
Nhà thơ Italy Leopardi cô đơn và ốm yếu từ nhỏ, thất tình, bi quan. Sau hoạt động ái quốc, Leopardi được coi là người mở đường cho nền thơ Italy hiện đại và là nhà thơ Italy lớn nhất từ khi Petrarca qua đời.
Tập thơ gồm 41 bài đề cập đến một số chủ đề: tất cả mọi thứ chỉ là phù phiếm, con người chỉ là hư vô trước tạo vật vô tình. Mặc dù thế, vẫn luôn tồn tại niềm vui của mùa xuân và tuổi trẻ, cũng như nỗi thống khổ vì niềm vui quá ngắn ngủi.
Trong tập có những bài thơ thấm nhuần tình người, tình dân tộc (Tặng nước Italy, Trên đài lưu niệm Dante), những bài giáo huấn luân lý (Brutus trẻ), những bài hát nói lên nỗi tuyệt vọng (Đời sống cô đơn, Cái vô tận), những bài ca diễm tình (Yên lặng sau bão táp, Bài ca đêm của người chăn chiên châu Á đi lang thang).
Bằng những lời thơ cô đọng, nhà thơ diễn tả nỗi đau khổ phải sống khi lòng ham muốn còn nguyên mà hy vọng đã tiêu tan.
***
Levi Carlo (1902-1975) là nhà văn tiến bộ, hoạ sĩ, thầy thuốc, đảng viên Cộng sản Italy. Ông nổi tiếng qua các tác phẩm: Chúa Kitô đã dừng lại ở Eboli (1945), Chiếc đồng hồ (1950), Lời nói cũng là đá (1955), Mật nào rồi cũng sẽ hết (1964). Sau đây chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc tác phẩm Chúa Kitô đã dừng lại ở Eboli.
Chúa Kitô đã dừng lại ở Eboli là luận văn tự truyện nổi tiếng quốc tế của Levi Carlo. Tác phẩm này đánh dấu khuynh hướng văn học "hiện thực mới", viết về những năm phát xít và chiến tranh.
Tác giả kể về thời gian do hoạt động chính trị bị bắt đi an trí một năm (1934-1935) ở vùng quê cằn cỗi hẻo lánh xứ Lucania, miền Nam Italy. Chúa Kitô và lòng nhân từ, niềm hy vọng không đi quá Eboli để đến nơi này, một nơi mà nông dân sống khổ cực, bị khinh miệt quá con vật, như cách đây 3.000 năm.
Mảnh đất này bị tách rời khỏi cuộc sống thế kỷ XX. Dân chia thành hai loại: bần nông và địa chủ. Tác phẩm đã khiến cho dư luận hiểu và chú ý đến một bộ phận nhân dân Italy bị bỏ rơi và bị bóc lột trong một thời gian dài.
***
Machiavelli Niccolo (1469-1527) là nhà văn và chính khách thời Phục Hưng. Tác phẩm chính: Người trị quốc hay Ông hoàng (1513).
Người trị quốc hay Ông hoàng là luận văn triết học chính trị của Machiavelli. Tác phẩm này có ảnh hưởng rất lớn cho đến mãi ngày nay. Machiavelli là lý luận gia của chế độ chuyên chế, thể hiện những quyền lợi quốc gia của giai cấp tư sản ở giai đoạn mới hình thành.
Nước Italy thời đó bị chia cắt thành nhiều quốc gia nhỏ, cần có một chính quyền vững mạnh thống nhất. Machiavelli đề ra những phương pháp cai trị hiệu quả nhất: muốn có một nhà nước vững mạnh cần có một người trị quốc mạnh.
Ông hoàng ấy cần luôn luôn tỉnh táo, không bị vương vấn vì lương tâm và đạo lý. Ông được quyền thất hứa, giết người... cần dũng cảm, sử dụng mưu trí hơn là sức mạnh. Ông cần biết làm cho người ta mến và sợ, nhưng yếu tố "sợ" quan trọng hơn. Thành công là tiêu chuẩn cơ bản, "quyền lợi quốc gia" phải đặt trên cả tôn giáo và đạo lý.
Tham mưu cho dòng họ quý tộc Medici, Machiavelli tán thành thái độ cứng rắn của họ này đối với kẻ thù, nhưng không chủ trương đàn áp vô ích. Ông nhấn mạnh về mặt quân sự, cho là nên sử dụng công dân hơn là lính đánh thuê để bảo vệ quốc gia.