📞

Nhật Bản 'đi trên dây' trong chính sách với Trung Quốc

Gia Kỳ 14:16 | 01/06/2021
Sau chuyến đi của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến Washington, mối quan hệ ổn định giữa Nhật Bản với Trung Quốc có thể không còn nữa, theo bình luận trên trang East Asia Forum.
Nhật Bản 'đi trên dây' trong chính sách với Trung Quốc. Ảnh: Thủ tướng Suga Yoshihide và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Mỹ của ông Suga giữa tháng 4 vừa qua. (Nguồn: East Asia Forum)

Trong thập kỷ qua, Nhật Bản đã tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các nước Bộ tứ (Quad) trong khuôn khổ chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tokyo cũng đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy các quy tắc thương mại chất lượng cao thông qua việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản-EU và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Theo Rumi Aoyama*, tác giả bài báo trên East Asia Forum, điều quan trọng là Nhật Bản đã duy trì được một sự "cân bằng tinh tế" để đảm bảo căng thẳng an ninh không cản trở hợp tác kinh tế.

Chuyến thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide tới Mỹ vào giữa tháng 4 vừa qua đã chứng tỏ sự thành công của chính sách ngoại giao cân bằng của Nhật Bản. Nhật Bản và Mỹ đã gửi thông điệp mạnh mẽ về các giá trị chung và hành động thống nhất, đề cập "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định" trên eo biển Đài Loan (Trung Quốc).

Thêm vào đó, cả hai cũng nhấn mạnh “mối quan ngại nghiêm trọng” về vi phạm nhân quyền ở Hongkong và Tân Cương. Tuyên bố chung cũng phản ánh ý định của ông Suga trong việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình và tránh khiêu khích Trung Quốc một cách mù quáng, bên cạnh cách tiếp cận vững chắc đối với việc lập kế hoạch dự phòng liên quan đến eo biển Đài Loan.

Lá chắn và mũi giáo

Tuy nhiên, thành công trong chính sách Trung Quốc của Nhật Bản phụ thuộc phần lớn vào hai yếu tố: sự thận trọng của Nhật Bản trong việc không khiêu khích Trung Quốc quá mức và sự “khoan dung” của Bắc Kinh đối với các chính sách mang tính kiềm chế Trung Quốc của Tokyo.

Sau chuyến đi của Thủ tướng Suga đến Washington, mối quan hệ ổn định với Trung Quốc có thể không còn, vì Nhật Bản sẽ phải xây dựng các chính sách cụ thể vào cuối năm 2021 liên quan các cam kết với chiến lược kinh tế và an ninh ở châu Á của Mỹ .

Hiện các chính sách an ninh kinh tế của Nhật Bản đã được công bố. Tokyo đã đưa ra các quy định nhằm loại bỏ dần các sản phẩm của Huawei và ZTE trong hoạt động mua sắm thiết bị của các cơ quan chính phủ và thực hiện trợ cấp cho việc dịch chuyển ngành sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Tokyo và Washington cũng đã đồng ý đầu tư 4,5 tỷ USD vào dự án phối hợp phát triển mạng viễn thông 6G, với mục tiêu thương mại hóa vào những năm 2030, cũng như hợp tác trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn và các sản phẩm quan trọng chiến lược khác.

Chính quyền ông Suga cũng đang dẫn đầu trong nỗ lực tạo điều kiện thúc đẩy chuỗi cung ứng giữa Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, mà không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, hợp tác an ninh có thể phức tạp hơn nhiều.

Dựa trên luật an ninh hiện hành của Nhật Bản, nếu có trường hợp khẩn cấp xảy ra ở eo biển Đài Loan, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể hỗ trợ hậu cần hoặc thực hiện quyền tự vệ tập thể có giới hạn trước khi lãnh thổ Nhật Bản bị tấn công.

Akira Amari, nhân vật chủ chốt phụ trách chính sách kinh tế và thương mại đứng sau chính quyền của cựu Thủ tướng Abe, từng kêu gọi Nhật Bản phải sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong việc thực hiện quyền tự vệ tập thể.

Trong khi chính phủ Nhật Bản vẫn đang xem xét các kịch bản có thể xảy ra, các cuộc thảo luận này có thể thúc đẩy cuộc tranh luận thêm về vai trò của Nhật Bản như một tấm "lá chắn" còn Mỹ là "mũi giáo" trong quan hệ an ninh Mỹ-Nhật.

Khả năng triển khai các tên lửa tầm trung thông thường trên đất liền ở Nhật Bản để bổ sung cho Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về việc Tokyo sẽ bị kéo sâu hơn vào căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Thực tế hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh thay thế Mỹ, trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Trong năm tài khóa 2020, Trung Quốc chiếm 22,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, lần đầu tiên vượt qua mốc 20%.

Tuy nhiên, với 74% số người được hỏi nhất trí về ủng hộ sự can thiệp của Nhật Bản vào eo biển Đài Loan trong một cuộc thăm dò do Nikkei thực hiện, chính phủ Nhật Bản có nhiều khả năng mở rộng vai trò của mình trong việc ngăn chặn Trung Quốc.

Điều này đồng nghĩa với việc chính sách của Tokyo với Bắc Kinh là "không thể quay đầu".

Chiến lược “chờ và xem” của Trung Quốc

Trung Quốc hiện đang áp dụng cách tiếp cận “chờ và xem”, hay còn gọi là cách tiếp cận chờ thời.

Một mặt, Trung Quốc tỏ ra nhạy cảm về sự hợp tác giữa các nước Bộ tứ và gay gắt chỉ trích khối này là một "NATO châu Á".

Đối với Trung Quốc, cam kết của Nhật Bản với Đài Loan và việc triển khai tên lửa là đáng báo động và không thể chấp nhận được. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi về vấn đề này qua điện đàm.

Mặt khác, Trung Quốc vẫn đang kiềm chế không phát động một chiến dịch tuyên truyền quốc gia chống lại Nhật Bản. Bởi điều quan trọng nhất, Tokyo có vị trí then chốt trong chiến lược của Trung Quốc nhằm đối đầu với Mỹ. Trong khi Washington đang theo đuổi chiến lược chia tách có mục tiêu, Bắc Kinh đang quyết tâm thiết lập một chuỗi cung ứng tập trung ở châu Á và giữa các quốc gia nằm trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI).

Là một nước láng giềng có ảnh hưởng toàn cầu đáng kể, Nhật Bản vẫn cần được coi trọng trong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc.

Với việc đưa ra lập trường cứng rắn hơn chống lại Bắc Kinh trong khi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đang gia tăng, Nhật Bản đang "đi trên dây". East Asia Forum kết luận: Thành công của chính sách Trung Quốc của Nhật Bản khó được đảm bảo và không dễ dàng được nhân rộng.

* Rumi Aoyama, tác giả bài báo, là Giáo sư Khoa Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại Waseda tại Đại học Waseda.

(theo East Asia Forum)