Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: firstpost.com) |
Nếu được nhất trí khởi động tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại Tokyo, đây sẽ cơ chế đối thoại “2+2” thứ 5 kiểu này của Nhật Bản sau các cơ chế tương tự với Mỹ, Australia, Nga và Pháp.
Hiện Tokyo và New Delhi đang đàm phán các thỏa thuận để nâng cấp cơ chế đối thoại hiện tại về ngoại giao và quốc phòng, hiện đang ở cấp Thứ trưởng. Cuộc gặp đầu tiên theo cơ chế này diễn ra vào tháng 7/2010 tại New Delhi và cuộc gặp thứ 2 vào tháng 10/2012 tại Tokyo.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 9 tới, ông Abe và ông Modi dự kiến sẽ khẳng định lại việc hợp tác để bảo đảm an toàn cho các tuyến đường hàng hải thông qua việc giao lưu giữa các lực lượng tuần duyên cũng như việc diễn tập chung giữa Lực lượng phòng vệ hàng hải của Nhật Bản và lực lượng Hải quân Ấn Độ.
Hai nước cũng có thể sẽ đẩy nhanh việc Nhật Bản xuất khẩu loại thủy phi cơ US-2 có thể được sử dụng trong các chiến dịch cứu hộ, sau khi Tokyo nới lỏng các quy định về bán thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ quốc phòng hồi tháng 4 vừa rồi.
Và trong khi Ấn Độ đang dự kiến xây dựng một mạng lưới tàu hỏa giữa Mumbai và Ahmabadad ở miền Tây, Nhật sẽ có cơ hội xuất khẩu công nghệ tàu hỏa tốc độ cao shinkansen sang nước này.
Một lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác mà hai nhà lãnh đạo cũng có thể đề cập là việc tăng cường thảo luận về việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, một điều kiện tiên quyết để Nhật có thể xuất khẩu các lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ.
N.K (theo Japan Times)