Từng được coi là hình mẫu chống Covid-19 trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định khi phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 4. Diễn biến của đợt dịch này phức tạp hơn, từ cuối tháng 4, với số ca nhiễm mỗi ngày thường xuyên ghi nhận trên 3 con số.
Điều đó khiến những biện pháp nghiêm ngặt từng được áp dụng trước đây nhằm kiểm soát dịch bệnh trở nên kém hiệu quả.
Việt Nam liệu có lộ điểm yếu trong việc đối đầu với các mối đe dọa từ tác nhân sinh học? (Nguồn: TTXVN) |
Tình hình cấp bách gây áp lực lên đất nước, không chỉ về mức độ nguy hiểm của Covid-19 mà còn về khả năng chống lại các mối đe dọa sinh học trên diện rộng. Trong bối cảnh đất nước chưa có đủ khả năng giảm thiểu rủi ro từ các tác nhân sinh học một cách triệt để, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược quốc gia về phòng thủ sinh học.
Mối đe dọa an ninh
Theo The Diplomat, Nghị định 81/2019 của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đã phân loại các mối đe dọa sinh học thuộc vào một trong bốn loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm: Hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN).
Vào năm 2018, Liên minh châu Âu (EU) đã giúp Việt Nam hoàn thiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân.
Tuy nhiên, cả nghị định và kế hoạch trên đều mang tính chất chung chung. Các chính sách chỉ đề ra cách giải quyết các mối đe dọa mà không có bất kỳ kế hoạch rõ ràng nào về cách đối phó với các tình huống cụ thể.
Hơn nữa, mặc dù đã thành lập các cơ quan chuyên trách đối phó với các mối đe dọa CBRN, như Binh chủng Hóa học của Quân đội nhân dân Việt Nam hay Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, nhưng hiện giờ Việt Nam vẫn chưa có cơ quan chuyên trách về mảng chống lại các mối đe dọa sinh học.
Ít nhất thì, một chiến lược an toàn sinh học mang tầm cỡ quốc gia sẽ mở ra một tầm nhìn rõ ràng về cách đối phó với các mối đe dọa sinh học, điều mà Việt Nam còn thiếu sót. Nhìn lại hai dịch bệnh lớn là SARS năm 2003 và Covid-19 năm 2020, cách phản ứng của nước ta với các tác nhân sinh học vẫn còn thụ động, ta chỉ hành động sau khi đất nước bị ảnh hưởng mà không có sự chuẩn bị cho hiểm họa mới này.
Khi đối mặt với Covid-19, mặc dù Việt Nam đã giải quyết tốt cuộc khủng hoảng và nhận được nhiều lời khen ngợi từ quốc tế về các biện pháp cách ly và phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng ta vẫn không tránh khỏi những khó khăn khi đối phó với làn sóng dịch thứ 4.
Một góc nhìn mới?
Những phân tích trên cho thấy, Việt Nam rất dễ bị tác động bởi các mối đe dọa sinh học. Trên thực tế, Việt Nam từng trải qua các cuộc tấn công có yếu tố sinh học trong quá khứ, cụ thể là từ thời chiến tranh.
Tuy nhiên, những chính sách phòng chống dịch Covid-19 mà Việt Nam đã áp dụng về cơ bản là mang tính ứng phó có phần bị động. Chỉ có một chiến lược sáng suốt với tầm nhìn toàn diện mới có thể giúp Việt Nam thực hiện hóa được các biện pháp ứng phó chủ động trước các mối đe dọa sinh học một cách hiệu quả hơn.
Việc có một chiến lược an toàn sinh học quốc gia sẽ giúp Việt Nam củng cố an ninh chung. Theo ông Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, các mối đe dọa sinh học không nằm trong các ưu tiên hàng đầu về vấn đề an ninh của Việt Nam. Sách trắng Quốc phòng mới nhất năm 2019 chưa nêu ra cách đối phó với các hiểm họa này.
Hơn nữa, do vũ khí sinh học hoạt động và tiêu diệt mục tiêu theo một cách tương đối khác so với các mối đe dọa hóa học, phóng xạ và hạt nhân, vì tác nhân sinh học thường khó phát hiện hơn và có khả năng lây lan nhanh hơn trong một môi trường nhất định.
Một số quốc gia coi an ninh sinh học là thành phần chính của an ninh quốc gia và tập trung thành lập các cơ chế chuyên biệt để xử lý các vấn đề phát sinh. Ví dụ, Mỹ thành lập Văn phòng Y tế Quốc tế và Phòng thủ sinh học, có nhiệm vụ chống lại các mối đe dọa sinh học và nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm thông qua ngoại giao.
Tháng 5 vừa qua, các nhà phân tích tại Mỹ đã đề xuất Lầu Năm Góc và Bộ Y tế nước này đẩy mạnh ngân sách phòng thủ sinh học lên tới 10 tỷ USD. Theo tạp chí National Defense, những nguồn đầu tư mới này sẽ giúp Mỹ tránh khỏi những ảnh hưởng sâu rộng giống như những gì đại dịch Covid-19 đã đem lại.
Một thành phần quan trọng khác trong việc phát triển chiến lược phòng thủ sinh học quốc gia là năng lực nghiên cứu & phát triển (R&D). Theo The Diplomat, Việt Nam đã chú trọng tăng cường ngân sách cho lĩnh vực này trong những năm gần đây song mới chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP từ năm 2017 - ít hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore.
Vaccine Covid-19 sản xuất trong nước vẫn chưa được đưa vào sử dụng đại trà. (Nguồn: VGP) |
Thực tế, việc thiếu hụt nguồn lực cho R&D là một trong số những lý do chính khiến Việt Nam chậm phát triển vaccine Covid-19. Cho đến nay, nguồn cung của Việt Nam chủ yếu vẫn phải phụ thuộc vào việc đặt mua từ nước ngoài, vaccine sản xuất trong nước vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, từ đó dẫn đến việc chậm trễ so với các nước láng giềng trong việc tiêm chủng cho người dân.
Việt Nam cũng đã nhận ra thiếu sót này. Ngày 7/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, vaccine là yếu tố có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch nói chung và đặc biệt là trong phòng chống dịch Covid-19 nói riêng.
Vì vậy, trong bối cảnh tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới không dễ dàng, ngân sách còn khó khăn, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động thực hiện chiến lược vaccine và phải sản xuất được vaccine trong nước.
Thế nhưng, theo Bộ Y tế, 2 loại vaccine tiềm năng nhất của Việt Nam là Nanocovax và Covivac chỉ có thể được giao sớm nhất vào tháng 9 tới.
Nếu Việt Nam không đầu tư nhiều hơn vào việc nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển thì khó có thể đối phó được với các mối đe dọa về bệnh truyền nhiễm như Covid-19 trong tương lai, cũng như không thể phát triển công nghệ cần thiết để có những bước tiến chủ động trong việc chống lại những hiểm họa sinh học mới.
Một chiến lược phòng thủ sinh học đòi hỏi một nền tảng R&D vững chắc hơn.
Đòi hỏi sự chung tay
Tác giả Phuong Pham cho rằng, an toàn sinh học của Việt Nam không chỉ là vấn đề đối với bất kỳ cá nhân hay lĩnh vực cụ thể nào; nó là một vấn đề hiện hữu đối với quốc gia.
Để triển khai được một chiến lược phòng thủ sinh học tối ưu, Việt Nam phải có sự phân bố nhiệm vụ rõ ràng ở các cấp, các ngành, từ cấp tỉnh đến trung ương, từ tư nhân đến nhà nước. Để kế hoạch hoạt động trơn tru, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Tất cả đều phải được nhận thức rõ về nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, Việt Nam phải tận dụng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn sinh học để tăng cường nguồn lực trong việc giải quyết các vấn đề này. Do năng lực nghiên cứu và phát triển chính sách còn hạn chế, công nghệ y sinh của Việt Nam vẫn chưa có nhiều tiến bộ.
Một trong những cách tốt nhất để cải thiện điểm yếu này là tham gia vào các hoạt động với các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến và nhiều kinh nghiệm hơn trong việc giải quyết các mối đe dọa an toàn sinh học.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và những hậu quả khủng khiếp của nó có thể thay đổi hoàn toàn nhận thức của các quốc gia về an ninh sinh học, thúc đẩy việc cải cách hệ thống phòng thủ sinh học.
Tương tự như vậy, Việt Nam nên tăng cường khả năng phòng thủ của mình và một trong những bước quan trọng để làm được điều đó là triển khai một chiến lược phòng thủ sinh học chặt chẽ để có thể đáp ứng tốt hơn các thách thức trong tương lai.