📞

Những dấu ấn của Đại hội Phật giáo toàn quốc

HÀ ANH 20:00 | 01/12/2022
Với tinh thần Đoàn kết - Kỷ cương - Hợp tác - Phát triển, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027 đã diễn ra thành công tại Hà Nội, để lại những dấu ấn quan trọng cho sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong giai đoạn mới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX. (Nguồn: BTC)

Thống nhất sửa đổi Hiến chương

Dự thảo Hiến chương sửa đổi về căn bản kế thừa các nội dung, điều khoản của Hiến chương hiện hành, gồm có 14 chương và 87 điều, nhiều hơn một chương và 16 điều so với Hiến chương hiện hành.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự GHPGVN Trưởng ban nội dung Đại hội cho biết việc sửa đổi nhằm hoàn thiện Hiến chương theo hướng phù hợp với Hiến pháp, và các luật liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tầm nhìn, định hướng tương lai hoạt động Phật sự của Giáo hội.

Sửa đổi Hiến chương lần này nhằm khẳng định tính thống nhất trong tổ chức Giáo hội. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự là chủ trương thống nhất kỷ cương của Giáo hội. Theo đó, điều chỉnh một số câu chữ, nội quy phù hợp với thực tiễn điều hành Phật sự và sự ổn định phát triển Giáo hội lâu dài trong tương lai.

Theo Hòa thượng Thích Đức Thiện, một nội dung quan trọng chủ yếu trong sửa đổi Hiến chương là bổ sung Chương tám về GHPGVN cấp cơ sở. Trong đó, quy định, chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường là cơ sở tôn giáo thuộc GHPGVN (gọi chung là tự viện).

Là cơ quan hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự tại tự viện, Ban Quản trị tự viện có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chủ trương, đường hướng, chương trình hoạt động Phật sự tại tự viện theo sự hướng dẫn của Giáo hội cấp trên.

Nhiệm kỳ của Ban Quản trị tự viện là năm năm, tương ứng với kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam cấp huyện.

Coi trọng trí tuệ và kỷ cương

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ XI đã tiến hành suy cử Hội đồng trị sự gồm 235 Ủy viên chính thức, 45 Ủy viên dự khuyết, trong đó có 65 thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN nhiệm kỳ 2022-2027; thực hiện nghi thức tấn phong 3.342 tăng ni lên hàng giáo phẩm hòa thượng, ni trưởng, thượng tọa, ni sư.

Đặc biệt, Đại hội đã ba lần nhất tâm cung thỉnh và suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng trụ ngôi Pháp chủ GHPGVN.

Ngay sau khi được suy tôn, Đệ tứ Pháp chủ Thích Trí Quảng đã ban đạo từ, nhắc lại những băn khoăn của Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ trước những vấn đề của giáo hội thời kỳ mới.

Theo đó, khi đến Đại hội lần thứ VIII, Ngài gọi ông tới ký thác: “Tôi đã lớn tuổi, muốn làm nhiều việc nhưng không thể làm được. Mong các hòa thượng cùng chư tôn đức trong Hội đồng chứng minh cố gắng xây dựng Hội đồng giám luật để chấn chỉnh đạo phong của tăng, ni. Nếu đạo phong, cốt cách mà khiếm khuyết thì làm tổn thương cho giáo hội cũng không ít".

Bởi vậy, Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng đánh giá cao trí tuệ và kỷ cương có ý nghĩa tạo sự đoàn kết trong giáo hội. Ông kỳ vọng tăng, ni và Phật tử trong đại hội này trở thành những nhân tố tốt trong giáo hội, trong xã hội.

Đồng hành cùng đất nước

Tại phiên bế mạc Đại hội, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN khẳng định thành công của Đại hội mở ra một chương mới cho sự trưởng thành và phát triển của GHPGVN trong chặng đường hơn 40 năm cùng đất nước.

Nghị quyết Đại hội kêu gọi tăng ni, cư sĩ, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước tu tập, thực hành lời dạy của Đức Phật để chung sức, chung lòng xây dựng GHPGVN ngày càng vững mạnh trong lòng dân tộc.

Nghị quyết cũng kêu gọi toàn thể tăng ni, cư sĩ, tín đồ Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động Phật sự ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị chung tay xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hưởng ứng mạnh mẽ các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nền văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc; đưa kết quả của bốn đề án văn hóa Phật giáo vào thực tiễn xây dựng hệ giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Tới tham dự lễ khai mạc Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động của các tôn giáo có đường hướng hành đạo tích cực, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định phát huy nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Gặp gỡ các đại biểu tham dự Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng tin tưởng, GHPGVN với tinh thần từ bi, trí tuệ và phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh quan trọng trong thúc đẩy đoàn kết; phát huy các giá trị cao đẹp; nỗ lực làm việc tốt, điều thiện; chung tay xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng.