TIN LIÊN QUAN | |
5 năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq: Thách thức an ninh vẫn còn | |
70 năm vững vàng giữa dòng chảy thời đại |
Tình trạng trẻ “vô quốc tịch”
Thử tưởng tượng rằng bạn được sinh ra trong một đế chế (caliphate) IS tự xưng. Cha của bạn có thể đã là một trong hàng ngàn chiến binh thánh chiến đến từ Iraq hay Syria hoặc là một thường dân bị buộc phải sống dưới sự cai trị IS. Ông đã gặp và kết hôn với mẹ của bạn, một người phụ nữ có lẽ đã bị bắt ở Raqqa hoặc Mosul. Bằng chứng duy nhất về việc kết hôn của cha mẹ bạn và thậm chí là giấy khai sinh của bạn, nếu có, là các tài liệu do IS ban hành. Trong bối cảnh hiện nay, khi IS đang mất dân kiểm soát tại nhiều khu vực nơi bạn từng sinh sống, bạn đang rơi vào cảnh ngộ không có bất kỳ giấy tờ chính thức nào công nhận. Tình huống phức tạp hơn là cha của bạn có thể đã thiệt mạng, bị giam giữ hoặc được triển khai tại một số khu vực bí mật.
Kể từ khi các nước phương Tây và đồng minh mở chiến dịch tấn công các cứ địa chính của IS, ngày càng có nhiều trẻ em rơi vào tình trạng trên hoặc sắp phải đối mặt với nó. Giống như hầu hết các vấn đề khác gắn liền với những khu vực thuộc sự kiểm soát của IS, rất khó để xác định và làm rõ lý lịch cho những đứa trẻ sinh ra ở IS.
Nhiều trẻ em sinh ra ở IS rơi vào tình trạng “vô quốc tịch”. |
Quilliam Foundation, tổ chức nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan của Anh, hồi tháng Ba đã phát hành báo cáo dẫn lời một quan chức tình báo cho biết hiện có 31.000 phụ nữ mang thai sống dưới sự cai trị của IS. Trong khi đó, ông Ghazwan Hassan al-Jibouri, phóng viên Iraq, đã viết hồi tháng Năm rằng khoảng 300 trẻ em có cha là thành viên IS và không có quốc tịch nên không thể ghi danh vào các trường học tại Iraq. Theo nghiên cứu được tham chiếu bởi Bộ Nội vụ Iraq, khoảng 1/3 phụ nữ trong độ tuổi kết hôn sống trong các khu vực kiểm soát của IS đã cưới thành viên của tổ chức cực đoan này và nhiều người trong số này không phải người Iraq.
Nếu không có một nỗ lực nào được triển khai để giải quyết tình hình này, nhiều trẻ em không quốc tịch sống ở các quốc gia vốn đã mong manh và bị phân mảnh như Iraq, Syria và Libya, sẽ xuất hiện.
Việc lưu trữ tài liệu chứng nhận hôn nhân và sinh đẻ luôn là một thách thức trong thời kỳ xung đột. Thiếu những giấy tờ quan trọng này có thể khiến mọi hoạt động hàng ngày của các cá nhân như đăng ký nhập học hoặc di chuyển là gần như bất khả thi. Tệ hơn nữa, việc thiếu giấy khai sinh có thể làm cho những đứa trẻ rất khó khăn để chứng minh quốc tịch và chúng có thể sẽ mãi mãi không có quốc tịch. Hệ quả của việc nhiều trẻ em sinh ra trong các cuộc xung đột gần đây tại Syria và Iraq thiếu các giấy tờ cần thiết, là tình trạng trẻ em “vô quốc tịch” đang ngày một phổ biến.
Vấn đề nan giải
Theo các nhà hoạt động xã hội ở Raqqa và Mosul, IS đã thiết lập một hệ thống đăng ký kết hôn và khai sinh, nhưng tổ chức này không có thẩm quyền để xác nhận nên các tài liệu này là vô giá trị. Thực tế là, việc IS cắt đứt liên lạc giữa các vùng lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của mình với phần còn lại của thế giới đã làm cho hầu như không một ai sống dưới sự cai trị của IS có thể ghi danh cho đứa con mới sinh của họ với các quan chức chính phủ ở Iraq hoặc Syria. Sự vắng mặt của các tổ chức cứu trợ của Liên hợp quốc (LHQ) và quốc tế trong các hoạt động của IS cũng có nghĩa là khi xung đột lắng xuống, sẽ không có LHQ hay một tổ chức độc lập nào có thể ban hành những tài liệu thiết yếu cho một đứa trẻ, chẳng hạn như chứng chỉ do Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cấp hoặc sổ tiêm chủng.
Các nhà chức trách Iraq cũng đang loay hoay tìm cách xử lý vấn đề này. Mặc dù thủ đô Baghdad không công bố một chính sách chính thức nhưng các nhân viên cứu trợ quốc tế cho biết rằng hiện các gia đình Iraq sau khi thoát khỏi Mosul và Hawija có thể làm giấy khai sinh cho con họ với chính quyền Iraq, miễn là gia đình đó chưa từng đăng ký khai sinh với IS. Tuy nhiên, quy định đăng ký khai sinh hiện tại đều yêu cầu xác nhận của cả cha và mẹ, nếu một hoặc cả hai cha mẹ đều đã chết, mất tích hoặc ở nước ngoài thì sẽ rất khó khăn cho người thân trong việc đăng ký khai sinh cho những đứa trẻ này. Ông Yezidi đã chia sẻ với Tổ chức giám sát Nhân quyền (HRW) rằng ông không thể đăng ký khai sinh với chính quyền địa phương Iraq cho hai đứa cháu của mình từng bị IS bắt cóc vì cha mẹ chúng hiện vẫn bị IS giam cầm trong khi việc đăng kí khai sinh bắt buộc phải có chứng minh thư của cha mẹ.
Mặc dù chính quyền Iraq hoàn toàn có thể mở cửa nhập tịch cho những đứa trẻ sinh ra ở Iraq nhưng khó có thể chứng minh rằng cha mẹ chúng không phải là thành viên IS hay người nước ngoài. Ngay cả trước khi IS xuất hiện, Iraq đã phải đối mặt với vấn đề trẻ em không quốc tịch kể từ năm 2004-2009 khi các chiến binh nổi dậy và al Qaeda đổ xô đến Iraq để chống Mỹ và các nước phương Tây.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc hội Iraq về Nhân quyền năm 2013, có hơn 520 trường hợp trẻ em không quốc tịch đã được sinh ra. Tuy nhiên, con số thực thậm chí còn cao hơn vì theo các tổ chức nhân quyền ước tính cùng thời điểm đó, nhiều gia đình đã che giấu sự tồn tại của những đứa trẻ vì lý do an ninh và sợ bị kỳ thị xã hội. Trong bốn năm qua, số người nước ngoài ở Iraq và Syria ngày càng tăng kéo theo đó là cả số trẻ vô quốc tịch.
Theo các quan chức châu Âu, các đại sứ quán của họ đang mở rộng chế độ xác nhận giấy tờ cho những trẻ em sinh ra và thoát khỏi IS nếu có thể chứng minh được huyết thống với cha hoặc mẹ mình. Tuy nhiên, tình hình sẽ phức tạp hơn đối với trẻ em có mẹ là người các nước như Syria hay Libya vì luật pháp những nước này từ lâu đã không cho phép phụ nữ quyền truyền quốc tịch cho con cái của họ hoặc cho phép họ với điều kiện cực kỳ hạn chế. Trong trường hợp như vậy, quốc tịch thường được truyền từ người cha. Vì vậy, con của những binh sĩ nước ngoài kết hôn với phụ nữ địa phương sẽ chỉ được hưởng các quyền công dân theo cha mình, mặc dù nhiều người trong số này có thể thiệt mạng, bị giam giữ hoặc lẩn trốn.
Một nhà báo đã kể với HRW về trường hợp của 10 đứa trẻ là con của các tay súng IS. Phần lớn trong số này là người Tunisia, được cứu thoát khỏi một cơ sở giam giữ tại Tripoli (Libya). Các nhà chức trách địa phương Libya nói với ông rằng họ muốn đưa những đứa trẻ này về quê hương Tunisia nhưng các nhà chức trách Tunisia đã không tiếp nhận vì không có hồ sơ của các em. Bởi vậy, 10 đứa trẻ này vẫn bị mắc kẹt trong trại giam, trong khi những người thân Tunisia đang tìm cách nhập tịch Tunisia cho chúng để chúng có thể trở về với vòng tay gia đình tại Tunisia.
Dập tắt nguy cơ cực đoan
Tình trạng trẻ em vô quốc tịch kéo theo nhiều hệ lụy, bao gồm việc phân biệt đối xử, tiếp cận với giáo dục, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và việc làm... Điều này cũng làm trầm trọng thêm những rào cản với xã hội mà những cá nhân dễ bị tổn thương phải đối mặt. Một báo cáo năm 2015 của UNHCR cho biết rằng trẻ em không quốc tịch thường cảm thấy bị phân biệt đối xử, thất vọng và tuyệt vọng. Và sự kết hợp nguy hiểm của những cảm xúc này có thể đặt nền móng cho tư tưởng cực đoan trong tương lai.
Rõ ràng, thảm họa hiện hữu này đòi hỏi chính quyền địa phương phải hành động nhanh chóng. Syria và Libya nên sửa đổi luật quốc tịch hoặc ban hành các biện pháp mới để cho phép phụ nữ có thể cấp quốc tịch cho con. Cũng như Iraq, các nước này cần phải đưa ra những thủ tục cấp phát giấy tờ tùy thân cho các trường hợp trẻ em sinh ra ở khu vực mà IS kiểm soát.
Đối với trường hợp có một hoặc cả hai cha mẹ là người nước ngoài, các quốc gia sẽ cần phải hợp tác với nhau để tạo thuận lợi cho việc xác định huyết thống, bảo đảm quyền công dân và giúp những đứa trẻ này hồi hương. Để làm được việc này, giống như giải quyết nhiều vấn đề khác liên quan đến IS, chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, nhưng những đứa trẻ vô tội không đáng bị trả giá cho sự lựa chọn sai lầm của cha mẹ chúng.
Trái tim Nga trong lòng nước Pháp Nhà thờ Chính thống Giáo Nga được khánh thành cạnh tháp Eiffel ở thủ đô Paris có thể coi là biểu tượng đồng thuận hiếm ... |
HLV Kiatisuk: Thái Lan quyết phục thù Indonesia Đó là phát biểu của huấn luyện viên (HLV) đội tuyển Thái Lan Kiatisuk sau trận đấu với Indonesia. |
Tương lai bấp bênh của đảng cầm quyền tại New Zealand Việc Thủ tướng John Key bất ngờ từ chức đã làm thay đổi chính trường New Zealand. |