TIN LIÊN QUAN | |
Qatar kêu gọi Liên hợp quốc giải quyết khủng hoảng ngoại giao | |
Ai Cập khẳng định không chấp nhận thỏa hiệp với Qatar |
Hầu hết các biến động chính trị trong lịch sử thế giới đều có thể sử dụng một từ hoặc một cụm từ cụ thể để đặc tả tính chất cốt lõi của sự kiện đó. Trong khi từ "Guillotine" (máy chém) đặc trưng cho cuộc Cách mạng Pháp, từ “đại diện” trong Cách mạng Mỹ thể hiện sự tự chủ của người Mỹ khi không muốn nước Anh đại diện cho Quốc hội Mỹ, thì từ “Chiến tranh Lạnh” lại toát lên sự kình địch giữa Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ XX.
Quốc vương Kuwait Sabah al-Ahmad al-Jaber al-Sabah và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, nói về cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra ở Trung Đông, từ mà người ta nhắc đến nhiều nhất lại là "anh em". Liệu tất cả những người “anh em” Trung Đông này có yêu thương nhau đúng nghĩa hay đó chỉ là một cách để “giữ kẻ thù ở gần hơn cả bạn bè”?
Khi huynh đệ không chung chí hướng
Bản thân các nhà cầm quyền trong khu vực Trung Đông đều miêu tả và đặt mối quan hệ song phương và đa phương của họ trong bối cảnh tình huynh đệ. Vì vậy, khi Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, cấm vận giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không với Qatar thì cũng đồng thời kêu gọi "tất cả các quốc gia và các công ty anh em làm tương tự”.
Một tuần sau khi cô lập Qatar về ngoại giao và kinh tế, nhà ngoại giao hàng đầu của Saudi Arabia - Ngoại trưởng Adel Al-Jubeir - cho biết nước này coi Qatar là một “quốc gia anh em", đồng thời là "một đối tác", bởi vậy các lệnh trừng phạt chống lại nước này mang tính “thiện chí".
Về phần mình, cũng thật thú vị khi Qatar bảo vệ vị thế của mình và lên án sự cô lập ngoại giao từ các nước láng giềng thì nước này cũng đặt trong bối cảnh tình huynh đệ. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Qatar bày tỏ cuộc phong tỏa ngoại giao này là "bịa đặt để chống lại một quốc gia anh em trong Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC)".
Vậy hành động nào của Qatar đã khiến những “người anh em” nổi giận? Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân trực tiếp là việc nước này hỗ trợ tài chính tổ chức Anh em Hồi giáo - mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với các chính thể quân chủ ở Vùng Vịnh. Và động thái này của Qatar đã phải trả giá bằng sự cô lập từ "các quốc gia anh em khác" ở Trung Đông.
Trong khi cuộc khủng hoảng đang sục sôi, Ngoại trưởng Qatar Mohammed Bin Abdulrahman Thani, đã khẳng định với kênh tin tức Al Jazeera trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Chúng tôi sẽ không khởi động các biện pháp leo thang căng thẳng đối với các quốc gia anh em của mình”.
Tuy nhiên, song song với tuyên bố trên, Doha đã cầu cứu Ankara nhằm ngăn chặn "cuộc tấn công anh em" này. Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng tốt cơ hội và lợi thế của mình khi cứu giúp một người anh em đang gặp nạn. Ankara đã nhanh chóng triệu tập một phiên họp đặc biệt và cam kết triển khai đội quân hùng hậu tại căn cứ quân sự ở Qatar.
Bên cạnh đó, nhằm giảm bớt sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Qatar và các nước láng giềng, Quốc vương Kuwait Emir Sheikh Sabah al-Ahmad al-Jaber al-Sabah cũng đã thực hiện các chuyến đi giữa Riyadh, Abu Dhabi (UAE) và Doha để tiến hành đàm phán hòa giải.
Thân tình hay thù hận
Vậy thứ gọi là tình cảm “anh em” có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh chính trị đương thời của các nước Hồi giáo? Chính xác thì những quốc gia "anh em" khi kinh doanh với nhau sẽ khác biệt với các quốc gia thông thường khác ra sao? Và tại sao họ lại gọi hành động cô lập một quốc gia là hành động "anh em"?
Sử dụng thuật ngữ "anh em" là một điều khó lý giải trong thực tế thế giới Hồi giáo. Mặc dù thuật ngữ này thường xuyên được sử dụng nhưng kỳ lạ là nó lại rất mơ hồ. Một mặt, nó có thể mang ý nghĩa là tình cảm huynh đệ đích thực nhưng ở thái cực hoàn toàn ngược lại, nó có thể là một bầu không khí căng thẳng và thậm chí là thù hận. Trong ngôn ngữ nước đôi của ngoại giao đương đại khu vực Trung Đông, từ "anh em" còn có nghĩa là người có thể đẩy lưỡi dao về phía bạn nếu họ có lợi ích.
Trong thế giới Hồi giáo thời Trung cổ, tình anh em vốn mang hàm ý thù hận và là một mối đe dọa lớn. Các nhà lãnh đạo thời đế quốc Ottoman cũng từng đánh bại anh em ruột của họ để lên ngôi. Vào thế kỷ XV, vua Mehmed II đã thông qua một đạo luật tàn sát anh em ruột rằng: “Bất cứ đứa con trai nào của tôi kế thừa vương quốc, nó sẽ phải giết anh em mình vì lợi ích của trật tự thế giới”. Theo nguyên tắc đó, khi lên ngôi, một trong những người con của Mehmed II (Mehmet III sau này) đã tàn sát 19 người anh em ruột và anh em cùng cha khác mẹ rồi chôn họ bên cạnh cha mình.
Trong ngữ nghĩa của ngoại giao Trung Đông hiện nay, từ mà người ta không thể tìm thấy ở bất cứ tuyên bố của một nhà lãnh đạo nào đó là “không phải anh em”. Nếu từ đó được tồn tại, có lẽ nó phù hợp nhất với Qatar, ít nhất trong tình cảnh hiện tại. Nhưng có vẻ như người ta sẽ không bao giờ có thể nghe thấy từ này ở các quốc gia đang tẩy chay Qatar. Tại sao ư? Đơn giản như lời giải thích của Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al-Jubeir: “Bạn có trách nhiệm phải nói với bạn bè hoặc anh em mình cả khi họ làm đúng và khi họ làm điều sai trái”.
Thổ Nhĩ Kỳ và bàn cờ Trung Đông Ankara sẽ cần nhiều hơn một chuyến thăm để có thể xoay chuyển thế cờ trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay. |
Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải ở vùng Vịnh Ngày 24/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẵn sàng nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng Qatar nếu ... |
Khủng hoảng vùng Vịnh: Hy vọng giải quyết trong hòa bình Theo những tài liệu mật được kênh truyền hình CNN bất ngờ công bố ngày 11/7, các nước GCC, trong đó có Qatar, đã tham ... |