TIN LIÊN QUAN | |
Thử thách lớn trong quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ | |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhận định chuyến công du vùng Vịnh hiệu quả |
Từ ngày 23 - 25/7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã có chuyến thăm Saudi Arabia, Kuwait và Qatar. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng chuyến thăm có thể góp phần hóa giải căng thẳng vùng Vịnh, phá thế bao vây Qatar, qua đó bảo vệ các lợi ích kinh tế, chính trị của Ankara trong khu vực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Quốc Vương Saudi Arabia Salman trong cuộc thảo luận tại Riyadh ngày 23/7/2017. (Nguồn: AFP) |
Tuy nhiên, cũng giống như những nỗ lực trước đó của nhiều quốc gia khác như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… Thổ Nhĩ Kỳ đã không thành công trong việc kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh nhượng bộ và cùng nhau ngồi lại vào bàn đàm phán. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ do lập trường cứng rắn của các bên trong cuộc khủng hoảng mà còn xuất phát từ quan điểm của Ankara cũng như mối quan hệ gần gũi của nước này với Qatar.
Không tạo biến chuyển mới
Ngay sau khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập tuyên bố cấm vận Qatar ngày 5/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Doha và tuyên bố hành động cô lập quốc gia vùng Vịnh này là “vô nhân đạo”. Tiếp đó, ngày 8/6, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn việc đưa quân đội tới Qatar.
Động thái tích cực hỗ trợ Doha của Ankara không khó hiểu, khi mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Về chính trị, hai nước có cùng quan điểm trong những vấn đề quốc tế, nổi bật là nội chiến ở Syria (năm 2011) hay khủng hoảng chính trị ở Ai Cập (năm 2013). Về kinh tế, hợp tác giữa hai bên đã phát triển mạnh mẽ, đưa kim ngạch song phương từ 38 triệu USD năm 2000 lên 738 triệu USD năm 2014. Quan trọng hơn, Ankara và Doha đã thỏa thuận thiết lập căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar. Động thái này được cho là sẽ tăng cường ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, đồng thời tạo thêm chỗ dựa cho Qatar thực hiện chính sách đối ngoại độc lập của mình.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc Thổ Nhĩ Kỳ tỏ rõ lập trường thân Qatar không chỉ làm cho căng thẳng vùng Vịnh trở nên trầm trọng hơn, mà còn tự đặt mình vào thế khó. Việc Ankara nhanh chóng ngả về phe Doha đã gây tổn hại sâu sắc quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Saudi Arabia, UAE, Bahrain - những nước tham gia cấm vận.
Bên cạnh đó, hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực Trung Đông là một trong những mục tiêu chính của cuộc cấm vận. Vì vậy, việc Ankara và Tehran cùng chung chiến tuyến giúp đỡ Qatar vượt qua cuộc khủng hoảng càng khiến các nước cấm vận quan ngại về lập trường của Ankara. Ngoài ra, động thái triển khai quân đội và thực hiện các cuộc tập trận của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar cũng làm những nước vùng Vịnh cảm thấy bị đe dọa.
Có thể nói, những yếu tố trên đã làm cho nỗ lực hòa giải của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong chuyến thăm vừa qua trở nên ít ý nghĩa hơn. Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cho rằng: “Chuyến thăm của Tổng thống Erdogan đã không mang đến những biến chuyển mới. Sau những tuyên bố vội vã của mình, điều tốt nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm lúc này là đứng ở thế trung lập”.
Cần bước đi khôn khéo
Phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao UAE không phải là không có cơ sở. Trong bối cảnh hiện nay, ông Erdogan sẽ cần có những bước đi khôn khéo hơn để góp phần đưa cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh tới hồi kết. Trên trang Twitter, Ngoại trưởng UAE Gargash cho rằng thay vì sử dụng ngoại giao con thoi, Ankara nên tập trung thuyết phục Doha xem xét việc tuân thủ những điều kiện do phe cấm vận đặt ra.
Dù vậy, trong chuyến thăm vừa qua, bất chấp việc không đạt được kết quả mong muốn, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có những bước đi tích cực trong việc hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông. Việc lên tiếng ủng hộ Kuwait đứng ra làm trung gian hòa giải và bày tỏ mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng Qatar trong hòa bình là sự thay đổi đáng chú ý của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là sau những tuyên bố cứng rắn của ông Erdogan nhắm vào phe cấm vận.
Quan trọng hơn, Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét dừng các hoạt động quân sự tại Doha cũng như những hành động hợp tác với phía Iran, vốn có thể làm tình hình cuộc khủng hoảng ngoại giao tại Qatar trở nên nghiêm trọng hơn.
Thoạt nhìn, những bước đi này là sự nhượng bộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với phe cấm vận, nhưng trên thực tế sẽ mang lại những lợi ích không nhỏ cho Ankara trong quá trình mở rộng ảnh hưởng cũng như khôi phục uy tín trong khu vực. Hơn nữa, trong trường hợp khủng hoảng ngoại giao Qatar được giải quyết một cách ổn thỏa, quan hệ của Ankara với Doha sẽ tiếp tục được duy trì.
Do đó, giới phân tích cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ nên thực hiện những “nước cờ” mang tính trung lập hơn, nhằm khôi phục môi trường hòa bình, ổn định, tối đa hóa lợi ích của nước này trong khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh cáo Israel xâm phạm đền thờ Al-Aqsa Ông Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Israel sẽ phải trả giá cho các biện pháp an ninh mà nước này tiến hành tại khu vực ... |
Ngoại trưởng nhiều nước điện đàm về tình hình ở Jerusalem Ngày 23/7, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc điện đàm về các động ... |
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo không thông qua Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu Tuyên bố này được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát ... |