TIN LIÊN QUAN | |
Iran nêu quan điểm về nạn nhân vụ 'bắn nhầm' máy bay, Canada phản ứng gay gắt | |
Xuất hiện video cảnh 2 tên lửa Iran đánh trúng máy bay Ukraine |
Hiện trường vụ máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine bị quân đội Iran bắn hạ vào ngày 8/1 tại Tehran, Iran. (Nguồn: AP) |
Trong các phương tiện vận chuyển, máy bay được coi là phương tiện vận chuyển an toàn nhất. Mọi quyết định trong hàng không thương mại đều được tính toán, cân nhắc cẩn thận về mặt an toàn. Tuy nhiên, khi xảy sự cố, các tai nạn máy bay đều rất thảm khốc bởi số lượng người thiệt mạng thường rất lớn.
Ngoài những nguyên nhân phổ biến như lỗi kỹ thuật, ảnh hưởng của thời tiết, lỗi của phi công... chuyện máy bay bị bắn nhầm giống như vụ máy bay Ukraine bị bắn rơi ở Iran ngày 8/1 vừa qua, không phải hiếm gặp.
Theo Wikipedia, có ít nhất 37 vụ máy bay dân dụng bị tên lửa bắn rơi trong lịch sử hàng không thương mại với vụ lâu đời nhất xảy ra từ năm 1938.
Chuyến bay 752 của Ukraine
Ngày 8/1/2020, máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu 752 của hãng hàng không quốc tế Ukraine bị một đơn vị của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRCG) bắn rơi, khiến toàn bộ 176 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, nhiều nạn nhân là trẻ em, trong đó có một trẻ sơ sinh.
Theo thông tin ban đầu từ phía Mỹ, chiếc máy bay bị bắn hạ bằng hai quả tên lửa. Phía Iran chối bỏ hoàn toàn thông tin từ phía Mỹ và khẳng định rằng máy bay của hãng Boeing đã gặp sự cố về động cơ; thậm chí, còn lên tiếng sẵn sàng mời chuyên gia Mỹ sang Iran để kiểm tra hiện trường, nhằm chứng minh cho sự trong sạch của mình.
Tuy nhiên, đến ngày 11/1, Quân đội Iran thừa nhận trên truyền hình rằng đã “vô tình” bắn hạ do chiếc máy bay bay tới gần địa điểm quân sự nhạy cảm thuộc về IRCG và các binh sĩ tưởng nhầm rằng đây là một “mục tiêu thù địch” do hình dạng, độ cao của máy bay cũng như việc phi cơ đột ngột chuyển hướng về phía một căn cứ quân sự.
Vụ tai nạn xảy ra khoảng ba giờ sau khi Iran tập kích hai căn cứ Mỹ ở Iraq để trả thù Mỹ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds của IRCG, hôm 3/1.
Tình hình ở Trung Đông trong tuần vừa qua đang ngày một căng thẳng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif biện hộ rằng đây là “lỗi con người” , mắc phải “giữa thời điểm khủng hoảng do hành động phiêu lưu mạo hiểm của Mỹ gây ra” . Hệ quả là, Iran đang vấp phải chỉ trích đến từ nhiều quốc gia.
Ngoài ra, vụ việc này dường như đã bộc lộ những điểm yếu, khiếm khuyết và bất cập của Iran về quốc phòng và quân sự. Các quốc gia phương Tây, nhất là Mỹ - “kẻ thù không đội trời chung” với Iran - đã có cái nhìn khác hơn về thực lực của Iran. Không những vậy, lần hiếm hoi trong lịch sử hơn 40 năm thành lập nền Cộng hòa Hồi giáo Iran, người dân lại đặt câu hỏi về vai trò của Lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei khi Chính phủ nước này phản ứng chậm, thậm chí có ý trì hoãn nhận trách nhiệm.
Chuyến bay 114 của Libya
Ngày 21/2/1973, chiếc Boeing 727 mang số hiệu 114 của hãng hàng không Libyan Arab Airlines đang bay từ Tripoli (Libya) đến Cairo thì bị chiến đấu cơ Israel bắn rơi trên bán đảo Sinai. Trong số 112 người trên máy bay có 4 người sống sót. Theo Thiếu tá John T. Phelps II viết trên tờ Military Law Review, chiếc máy bay này đã bay lệch ra khỏi hành trình được chỉ định khoảng 160 km.
Không quân Israel triển khai máy bay sau khi chiếc Boeing bay ngang qua các căn cứ quân sự của nước này ở bán đảo Sinai, lúc đó do Israel kiểm soát. Giới chức Israel nói các chiến đấu cơ đã tiếp cận chiếc máy bay dân sự để điều hướng và yêu cầu hạ cánh thế nhưng máy bay không đáp trả. Điều này đã khiến chiến đấu cơ Israel bắt buộc phải khai hỏa.
Một phi công sống sót sau vụ tai nạn sau đó cho biết, phi hành đoàn biết rằng Israel yêu cầu họ hạ cánh, nhưng lại quyết định không nghe lời do mối quan hệ không được tốt đẹp giữa Libya và Israel. Tuy nhiên, theo Thiếu tá Phelps, hồ sơ chuyến bay lại cho thấy, phi công này nghĩ rằng anh ta đang ở Ai Cập và những chiếc chiến đấu cơ kia cũng là của quân đội Ai Cập. Ngoài ra, động thái không nghe chỉ dẫn của chiếc máy bay Libya có khả năng bị Israel coi là hành động “thù địch”, nhất là trong bối cảnh quan hệ Ai Cập, Libya và Israel khi đó đang rất căng thẳng.
Chuyến bay 007 của Hàn Quốc
Ngày 1/9/1983, trong khi Chiến tranh Lạnh đang lên đến hồi căng thẳng nhất, máy bay Boeing 747 của hãng Korean Air Lines (Hàn Quốc) bị chiến đấu cơ Liên Xô bắn rơi tại vùng biển gần đảo Sakhalin (Nga), bắc Thái Bình Dương khi đang trên đường từ Alaska (Mỹ) về Seoul.
Một số nguồn nói rằng máy bay đã thay đổi hành trình và bay sai khoảng 500km và đi vào vùng cấm của Liên Xô. Theo New York Times, Phía Liên Xô cho rằng chiếc Boeing 747 là máy bay trinh sát của Mỹ xâm nhập có chủ đích và bắn rơi bằng tên lửa không đối không, còn phía Mỹ phủ nhận hoàn toàn. Toàn bộ 269 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có Nghị sỹ Mỹ Larry McDonald và sau đó 5 ngày, giới chức Liên Xô thừa nhận đã bắn rơi máy bay Hàn Quốc.
Chuyến bay 655 của Iran
Vào năm 1988, giữa cuộc chiến tranh Iran-Iraq, Mỹ vừa kết thúc chiến dịch Praying Mantis - lần tham chiến lớn nhất của các tàu nổi thuộc Hải quân Mỹ kể từ sau Thế chiến II, nhằm trả đũa việc Iran tấn công tàu khu trục USS Samuel B. Roberts.
Ngày 3/7, tàu tuần liễu USS Vincennes đã bắn hạ chuyến bay 655 của Iran làm toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Chiếc bay xuất phát từ Bandar-e Abbas, Iran đến Dubai, UAE và bị bắn hạ khi đang bay qua Eo biển Hormuz. Chính phủ Mỹ tuyên bố chiếc máy bay chở khách đã bị nhầm với một chiếc máy bay chiến đấu F-14 Tomcat của Iran.
Thuyền trưởng tàu Vincennes cho biết họ đang hoạt động ở vùng biển quốc tế ở thời điểm đó và lo ngại rằng họ đang bị tấn công. Trong khi đó, phía Iran cho rằng, chiếc Vincennes thực tế đang trong vùng lãnh hải Iran, và chiếc máy bay phản lực chở khách của Iran đang lượn vòng và tăng độ cao sau khi cất cánh. Điều này sau đó đã được Đô đốc Hải quân Mỹ William J. Crowe thừa nhận trên kênh ABC.
Không những vậy, Mỹ còn khẳng định rằng chuyến bay 655 nằm ngoài hàng lang dân sự nhưng sau đó đã được chứng minh là không đúng sự thật. Mãi đến năm 1996, Chính phủ Mỹ mới bày tỏ sự hối tiếc, xin lỗi và hứa đền bù cho gia đình của những hành khách xấu số. Tuy nhiên, Mỹ lại không hề đưa ra lời xin lỗi chính thức tới Chính phủ Iran.
Chuyến bay 17 của Malaysia
Ngày 17/7/2014, máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines có số hiệu MH17 xuất phát từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur đang bay qua không phận thuộc miền Đông Ukraine - nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt giữa quân Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai, bất ngờ bị nổ ở trên không.
Toàn bộ 298 người trên máy bay đã thiệt mạng. Trong đó bao gồm 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn, hơn một nửa là công dân Hà Lan. 15 thành viên phi hành đoàn đều là người Malaysia. Chính quyền Kiev và phe đòi ly khai cáo buộc lẫn nhau về việc bắn rơi máy bay.
Năm quốc gia bị ảnh hưởng bởi thảm họa bao gồm Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine đã cùng nhau triển khai một cuộc điều tra chung. Nhóm điều tra nói rằng họ có bằng chứng cho thấy Nga có liên quan tới vụ bắn rơi máy bay.
Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng vào thời điểm đó, Nga được cho là đang cung cấp đạn dược cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine và nhiều người Nga đang chiến đấu cùng với phe ly khai. Ngoài ra, hệ thống tên lửa BUK của Nga được cho là đã bắn hạ chiếc máy bay xấu số này.
Hầu hết các vụ “bắn nhầm” máy bay đều là hậu quả của những cuộc chiến tranh, xung đột quân sự... Dù phần lớn đều xuất phát từ những lỗi được cho là “vô tình", cái giá phải trả khi những người dân thường bị cuốn vào vòng xoáy xung đột là quá đắt.
Nga lên kế hoạch sản xuất hàng loạt máy bay ném bom tối tân Kế hoạch sản xuất hàng loạt máy bay ném bom tầm xa PAK DA đầy triển vọng, dự kiến được Nga triển khai vào năm ... |
Câu chuyện Mỹ - Iran: Lối rẽ bất ngờ TGVN. Cuộc đối địch giữa Mỹ - Iran có lối rẽ bất ngờ mới, tác động mạnh đến Iran, cục diện Mỹ - Iran cũng ... |
Máy bay Ukraine bị Iran 'bắn nhầm', Thủ tướng Canada: 'Nếu như....' TGVN. Ngày 13/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đề cập căng thẳng leo thang ở Trung Đông cũng như vụ máy bay UKraine bị ... |