Nhỏ Bình thường Lớn

Những ý nghĩa của Hiệp định Paris dưới ngòi bút của sử gia người Mỹ

Hiệp định Paris ký ngày 27/01/1973 cùng các giá trị và ý nghĩa của nó đã trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều học giả trong nước và quốc tế, trong đó có Pierre Asselin.

Trong bài viết gửi Báo TG&VN nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973-27/1/2023), Pierre Asselin cho biết, đây là sự chia sẻ thông tin cá nhân sau nhiều năm nghiên cứu tư liệu về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Ông bày tỏ mong muốn được đóng góp vào đề tài này, giúp cho bạn đọc hiểu nhiều hơn về một thời kỳ quan trọng trong lịch sử Việt Nam.

Theo tác giả, việc bốn bên (Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLT) và Chính quyền Sài Gòn) ký Hiệp định Paris đã làm hài lòng trước tiên nhu cầu của các bên - tạo điều kiện cho Mỹ cuối cùng cũng có thể rút khỏi Việt Nam trong danh dự, cho chính quyền Sài Gòn và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thêm thời gian tồn tại và duy trì mối quan hệ với người Mỹ, nhưng quan trọng hơn là đã mang lại khoảng thời gian quý báu để VNDCCH và CPCMLT hồi phục lực lượng.

Pierre Asselin cho rằng, Hiệp định Paris đã góp phần “phi Mỹ hóa” cuộc chiến tranh vốn bắt đầu từ những năm 1940 ở Việt Nam, qua đó nhận định Hiệp định có ý nghĩa quan trọng giống như Hiệp định Geneva năm 1954 đã chấm dứt sự dính líu của Pháp vào cuộc chiến tranh này.

Hiệp định Paris: Chiến thắng không dành cho riêng ai
Khu vực Bệnh viện Bạch Mai sau các vụ ném bom của Mỹ năm 1972.

Phân tích về những "cái lợi" mà Việt Nam có được khi ký kết Hiệp định, tác giả cho rằng, đầu năm 1973, tình hình ở cả hai miền Nam-Bắc Việt Nam đều có nhiều thách thức. Cả quân đội và người dân Việt Nam đều cần một thời gian “nghỉ ngơi” sau những trận chiến rất cam go trong năm 1972. Viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô thời gian này cũng giảm. Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon lần lượt thăm Trung Quốc và Liên Xô, Hà Nội đã phải bận tâm nhiều về những người bạn của mình ở Bắc Kinh và Moscow.

Do đó, tác giả nhấn mạnh "thành công rất lớn" mà Hiệp định Paris mang lại, trước hết là việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam. Bởi chiến dịch Linebacker và Linebacker II – tên Mỹ đặt cho chiến dịch ném bom B52 vào Hà Nội và Hải Phòng – năm 1972 đã mang lại một chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của Việt Nam nhưng cũng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và các nguồn lực cho kháng chiến.

Nhà nghiên cứu lịch sử này cho rằng các vụ ném bom B52 đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần của người dân, buộc họ phải đi sơ tán với nhiều khó khăn, thiếu thốn, bên cạnh nỗi lo về sự an nguy của người thân trong gia đình. Bởi vậy, Hiệp định Paris đã giúp vực dậy tinh thần của người dân khắp miền Bắc, khiến họ "thở phào nhẹ nhõm" - rằng cơn ác mộng cuối cùng đã qua. Sản xuất nông nghiệp và sản lượng công nghiệp đã có thể bắt đầu phục hồi, giúp họ có thể giảm sự lệ thuộc vào sự viện trợ của Trung Quốc và Liên Xô. Đối với các lực lượng phòng không của Việt Nam, việc Mỹ ngừng ném bom cũng khiến họ như giải được bài toán hạn chế về nhân lực cũng như về kho tên lửa đất đối không.

Hiệp định Paris: Chiến thắng không dành cho riêng ai
Hiệp định Paris và việc chấm dứt các cuộc không kích của Mỹ đã giúp vực dậy tinh thần của người dân khắp miền Bắc, khiến họ thở phào nhẹ nhõm - rằng cơn ác mộng cuối cùng đã qua.

Hiệp định Paris được ký kết nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Theo Pierre Asselin, đến đầu năm 1973, lực lượng quân đội của Chính quyền Sài Gòn vẫn có hơn một triệu quân chính quy và bán quân sự. Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Chính quyền Sài Gòn, khiến lực lượng này trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Bởi vậy, Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng ở miền Nam dừng mọi hoạt động chiến đấu và thực hiện “năm không”: không đánh đồn địch; không trả đũa các cuộc tấn công của kẻ thù; không bao vây đồn địch; không sử dụng pháo binh và không tạo lập hay mở rộng vùng giải phóng. Tuy nhiên, giới lãnh đạo ở miền Bắc Việt Nam cũng nhấn mạnh, cuộc chiến vẫn tiếp diễn, dù là chỉ trên phương diện chính trị. Sách lược này đã được các chỉ huy quân đội tán thành.

"Về cơ bản, sau tháng 1/1973, Hà Nội đã sử dụng chiến lược đối với khu vực từ vĩ tuyến 17 trở vào giống với chiến lược mà chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã áp dụng từ năm 1954, sau khi ký hiệp định Geneva. Điểm khác biệt chính là lần này, lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam có thể ở lại miền Nam sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực", Pierre Asselin viết.

"Cam kết hòa bình được các bên đưa ra vào tháng 1/1973, nhưng các nhà lãnh đạo ở Hà Nội hiểu rằng cuộc chiến sẽ nhanh chóng được nối lại. Lê Duẩn và các đồng chí của ông đã đoán được rằng Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và các lực lượng của ông ta sẽ không tôn trọng Hiệp định. Do đó, tự vệ sẽ là điều cần thiết, đây cũng là một cái cớ hợp lý để sớm hoàn thành việc giải phóng miền Nam".

Hiệp định Paris: Chiến thắng không dành cho riêng ai
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, chúc mừng nhau sau lễ ký tắt Hiệp định Paris.

Tác giả dẫn lời nhà khoa học chính trị William Turley: Các nhà lãnh đạo VNDCCH quyết định tôn trọng Hiệp định Paris, chính xác vì họ cho rằng Thiệu sẽ phá hoại nó".

Tác giả cũng cho rằng, quyết định của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam về việc ký kết Hiệp định Paris đã được hầu hết người Việt Nam hoan nghênh. Vì sau gần một thập kỷ “đại chiến”, sự giết chóc và tàn phá cuối cùng cũng chấm dứt, "họ có thể nghĩ đến ngày thống nhất đất nước".

Ông kết luận: Hiệp định Paris thực sự mang lại hòa bình. Cũng giống như Hiệp định Geneva 1954, Hiệp định Paris 1973 tạm dừng cuộc chiến ở Việt Nam. Sự khác biệt chính là lần này, thay vì đợi vài năm trước khi nối lại chiến sự, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã ra lệnh tiếp tục cuộc chiến gần như ngay lập tức. Quyết định đó đã dẫn đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975 và chính thức thống nhất đất nước Việt Nam dưới một chính quyền chung ở Hà Nội một năm sau đó.

* Pierre Asselin (Đại học San Diego, Hoa Kỳ) là một học giả đã dành hơn 20 năm nghiên cứu về quan hệ quốc tế và cuộc kháng chiến chống Hoa Kỳ của nhân dân Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trao các giải thưởng khoa học uy tín như: Giải thưởng Quốc gia của Hoa Kỳ Kenneth W. Baldridge với tác phẩm “A Bitter Peace: Washington, Hanoi, and the Making of the Paris Agreement” năm 2003; Giải thưởng Sách Arthur Goodzeit với tác phẩm “Hanoi’s Road to the Vietnam War, 1954-1965” năm 2013…
Đóng góp của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris

Đóng góp của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một mốc son sáng chói trong lịch sử ngoại ...

'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' - Chiến thắng quyết định cho thắng lợi của Hiệp định Paris

'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' - Chiến thắng quyết định cho thắng lợi của Hiệp định Paris

Chiến thắng của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 và thắng lợi của Hiệp định Paris đầu năm 1973 để ...

Hiệp định Paris dẫn đến hòa bình và thống nhất đất nước

Hiệp định Paris dẫn đến hòa bình và thống nhất đất nước

Thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Paris với việc Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam là một bước tiến vô ...

Đấu tranh quân sự ở Nam Bộ sau Hiệp định Paris

Đấu tranh quân sự ở Nam Bộ sau Hiệp định Paris

Sau khi Hiệp định Paris đã được ký kết, chiến tranh chưa chấm dứt mà vẫn tiếp diễn ở chiến trường Nam Bộ. Những động ...

Đặc sắc mũi tiến công ngoại giao quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Đặc sắc mũi tiến công ngoại giao quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Ký Hiệp định Paris, Mỹ phải chấp nhận thất bại và lùi một bước về chiến lược, nhưng mưu đồ sâu xa của Mỹ là ...

Nguyễn Kim (dịch)