📞

Nỗ lực gom những di sản cuối cùng

09:00 | 29/04/2016
Tổng thống Barack Obama đã dành 4 ngày ở châu Âu để đến thăm hai đồng minh thân thiết nhất và gắn bó nhất của Washington. Chuyến đi này nhằm dốc sức giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất đối với Mỹ và châu Âu, đồng thời là dịp để ông Obama gom thêm những di sản trước khi chính thức rời nhiệm sở vào đầu năm tới.

Ngày 24/4, Tổng thống Obama  đặt chân đến nước Đức - chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 6 ngày thăm Trung Đông, Anh và Đức. Mặc dù đây là điểm đến cuối cùng nhưng lại là chuyến thăm thu hút sự chú ý lớn nhất bởi tại Đức, nhà lãnh đạo Mỹ tập trung vào hai vấn đề quan trọng: thoả thuận thương mại tự do Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) và cuộc khủng hoảng Syria. Tháo gỡ được hai vấn đề này không hề dễ, nếu không muốn nói là rất khó, nhưng nếu giải quyết được thì đó sẽ là những di sản lớn mà ông Obama có thể tự hào khi tổng kết hai nhiệm kỳ lãnh đạo. 

Thúc đẩy hoàn tất đàm phán TTIP

Không phải vô cớ mà Tổng thống Obama chọn Hanover – một thành phố ở miền Bắc nước Đức, để tham gia một hội chợ thương mại công nghệ lớn cùng với Thủ tướng Angela Merkel và có bài phát biểu quan trọng tại đây. Thực tế, ông Obama muốn nhân sự kiện này thúc đẩy hoàn tất Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ - EU.

Tổng thống Obama đã dành nhiều giờ tại hội chợ để tham quan các gian hàng và nói về những lợi ích kinh tế của TTIP. Đến nay, tuy được đánh giá là cú hích lớn cho nền kinh tế Mỹ, quá trình đàm phán TTIP diễn ra không mấy thuận lợi.

Người dân Đức biểu tình phản đối TTIP (Nguồn: Getty)

Nỗ lực của ông Obama nhằm hoàn tất quá trình đàm phán TTIP vào cuối năm nay diễn ra trong bối cảnh sự phản đối của người dân hai bên đối với hiệp định này đang gia tăng. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận của Quỹ Bertelsmann có trụ sở tại Đức vừa được công bố hôm 21/4, chỉ có 17% người dân Đức ủng hộ TTIP, giảm mạnh từ tỉ lệ 55% cách đây 2 năm. Ở Mỹ, chỉ 18% người dân tin TTIP là một thoả thuận tốt so với 53% vào năm 2014.

Cuộc khảo sát của Quỹ Bertelsmann cho thấy, nhiều người dân Đức lo ngại thoả thuận TTIP sẽ hạ thấp mức tiêu chuẩn về sản phẩm, bảo hộ người tiêu dùng cũng như thị trường lao động, khiến họ mất việc làm; đồng thời làm nới rộng hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo. Vì vậy, tại thành phố Hanover, ông Obama đã phải chứng kiến cuộc biểu tình của hàng ngàn người phản đối TTIP.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Hannover, ông Obama cho rằng: “Thời gian đang không ủng hộ chúng ta. Nếu chúng ta không hoàn tất tiến trình đàm phán TTIP trong năm nay, những cuộc chuyển giao chính trị ở Mỹ và châu Âu sắp tới sẽ khiến thoả thuận này sẽ tiếp tục bị trì hoãn”.

Tập trung chống IS

Bên cạnh vấn đề TTIP, Tổng thống Obama sẽ không thể vui được nếu rời Nhà Trắng mà tình hình Syria không được cải thiện. Khủng hoảng Syria được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với ông trên cương vị Tổng thống Mỹ. Cuộc xung đột ở Syria và hệ luỵ của nó là cuộc khủng hoảng di cư, cũng như sự nổi lên của chủ nghĩa khủng bố, đang thực sự là bài toán đau đầu đối với ông Obama nói riêng và các nhà lãnh đạo phương Tây nói chung.

Tuy nhiên, dù đã nỗ lực rất nhiều và đã phải chấp nhận thoả hiệp với Nga về số phận của Tổng thống Bashar al-Assad, Tổng thống Obama cũng không có mấy hy vọng để điền tên việc kết thúc cuộc khủng hoảng Syria vào danh sách những di sản của ông. Bởi lẽ, bạo lực leo thang trở lại ở Syria và các phe phái đối lập ở nước này vẫn bế tắc trong vấn đề tương lai của ông Assad.

Mọi hy vọng của ông Obama giờ đây đặt vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tại Hanover, Tổng thống Obama đã thông báo quyết định đưa thêm 250 binh sĩ Mỹ đến chiến trường Syria. Đây là mức tăng quân lớn nhất mà Mỹ thực hiện kể từ khi cuộc xung đột ở Syria nổ ra.

 Mặc dù mong muốn đạt được thành tựu đột phá trong cuộc chiến chống IS, Tổng thống Mỹ cũng phải thừa nhận cuộc chiến này sẽ không thể nhanh chóng kết thúc trước khi ông rời Nhà Trắng. Như vậy, ông Obama chỉ có thể hy vọng gặt hái thêm ít nhiều thành công trong cuộc chiến chống IS trong vài tháng còn lại.

Có thể nói, chuyến thăm Đức cuối cùng của ông Obama trên cương vị Tổng thống không thể được xem là một kỷ niệm đẹp, khi mà những mục tiêu ông mong muốn hầu như không đạt được.  Hơn thế nữa, nhà lãnh đạo Mỹ còn phải đối mặt với những giây phút khó xử khi phải chứng kiến cuộc biểu tình chống TTIP và làn sóng chỉ trích về vai trò của Mỹ trong cuộc khủng hoảng nhập cư.