Cuộc gặp lịch sử năm 1972 giữa Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ Richard Nixon khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, đồng thời định hình lại nền chính trị toàn cầu. (Nguồn: AP, Kyodo) |
Thế vận hội mùa Hè đã chính thức được khai mạc tại Tokyo, nhưng giới chuyên gia lại hướng sự chú ý vào Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022 – sự kiện được coi là sự giao thoa giữa thể thao và chính trị quốc tế.
Một ngày sau khi kết thúc Thế vận hội Bắc Kinh – ngày 21/2/2022 sẽ là một ngày quan trọng khi đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Bắc Kinh và bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông ở Trung Nam Hải.
Ngày 21/2 của năm sau sẽ cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình quan tâm như thế nào đến một quyết định lịch sử được đưa ra cách đây nửa thế kỷ của Chủ tịch Mao Trạch Đông – nhà lãnh đạo mà ông Tập Cận Bình vẫn noi theo.
Nếu Mỹ và Trung Quốc dự định tổ chức hoạt động kỷ niệm cuộc gặp đã làm thay đổi trật tự quốc tế thời hậu Thế chiến II thì mọi công tác chuẩn bị phải được hai bên thực hiện trước Thế vận hội mùa Đông.
Giới quan sát cho rằng, nếu hai nước không tổ chức kỷ niệm sự kiện chính trị quan trọng này, hay Chủ tịch Tập Cận Bình không đưa ra một tuyên bố nào, thì động thái này vẫn có thể gây sự chú ý đối với cộng đồng quốc tế.
Động thái "tẩy chay"
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng Năm đã kêu gọi "tẩy chay ngoại giao" đối với Đại hội thể thao Bắc Kinh với lý do liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật vào tháng Sáu, bao gồm lệnh cấm chi tiêu liên bang áp dụng cho các quan chức chính phủ Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh được cho là cũng theo chân Mỹ khi thông qua các nghị quyết kêu gọi "tẩy chay ngoại giao" đối với Thế vận hội mùa Đông nếu tình hình nhân quyền của Trung Quốc không được cải thiện.
Khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội mùa Hè vào năm 2008, lễ khai mạc đã quy tụ sự tham dự của hơn 80 nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Tổng thống Mỹ George W. Bush, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda.
Bất chấp những động thái ban đầu hướng tới việc tẩy chay lễ khai mạc do tình hình bất ổn ở Tây Tạng vào tháng 3/2008, nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài cuối cùng vẫn tham dự sự kiện do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chủ trì.
Thế cờ lật ngược sau nửa thế kỷ
Truyền thông Trung Quốc cho biết, Ngoại trưởng Vương Nghị đã xác nhận sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thế vận hội mùa Đông năm 2022.
Quyết định này được đưa ra khi ông Vương Nghị gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov ngày 15/7 tại Tashkent, Uzbekistan.
Về phía Nga, đây được coi là cơ hội để "lật ngược thế cờ".
Ngày 15/7/1971, Tổng thống Mỹ Nixon từng đưa ra một tuyên bố bất ngờ rằng, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã bí mật đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng.Tổng thống Nixon cũng nói rằng, bản thân ông sẽ thăm Trung Quốc vào năm sau, nghĩa là năm 1972.
Sự kiện đó được giới nghiên cứu quốc tế gọi là "cú sốc Nixon" ở Nhật Bản, bởi thời điểm này Mỹ và Trung Quốc chưa thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày 15/7 lịch sử đó, Nga đã xác nhận chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Bắc Kinh, dù từ nay đến khi Thế vận hội mùa Đông vẫn còn hơn 6 tháng nữa.
Đây có thể được coi là “lá bài” tốt nhất mà Nga dành cho Trung Quốc vào thời điểm này.
Sự tái hợp tác năm 1971 giữa Washington và Bắc Kinh là nhằm chống lại Liên Xô. Nhưng nửa thế kỷ sau, Trung Quốc và Nga lại đang xích gần nhau hơn.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tham dự cuộc họp tại Tajikistan vào ngày 14/7. Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã xác nhận tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh năm 2022. (Nguồn: Reuters) |
Vòng luẩn quẩn của quan hệ Mỹ-Trung
Từ quan điểm ngoại giao, Trung Quốc cũng muốn ổn định quan hệ với Mỹ theo một cách nào đó trước sự kiện kỷ niệm chuyến thăm của Tổng thống Nixon.
Nền tảng của quan hệ Washington-Bắc Kinh hiện tại bắt nguồn từ Thông cáo chung Thượng Hải, được ban hành khi Tổng thống Nixon đến thăm nước này vào tháng 2/1972.
Vấn đề Đài Loan vẫn được coi là "hòn đá tảng" trong quan hệ Mỹ-Trung, khi các chính quyền tiếp theo của Mỹ vẫn thể hiện cam kết chắc chắn đối với an ninh của Đài Loan.
Giới phân tích nhận định rằng, bất kỳ sự rung chuyển nào trong nền tảng này đều có thể khiến quan hệ Mỹ-Trung trở lại tình trạng xa cách như nửa thế kỷ trước.
Một số nhà quan sát nói rằng, căng thẳng Mỹ-Trung ở một mức độ nhất định sẽ có lợi cho Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nếu ngày càng có nhiều lời kêu gọi ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền với tư cách là nhà lãnh đạo duy nhất có thể giúp Trung Quốc vượt qua cơn bão, chính trị gia 68 tuổi này sẽ dễ dàng đạt được điều mình muốn.
Dù bằng cách nào, các quyết định chính sách đối ngoại của ông Tập sẽ được đưa ra dựa trên nền tảng chính trị trong nước.
Ngày 9/7 vừa qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã tham dự một sự kiện trực tuyến đánh dấu kỷ niệm 50 năm chuyến thăm bí mật của ông tới Trung Quốc. Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện.
Ông Vương Kỳ Sơn nêu rõ: “Thách thức lớn nhất đối với Mỹ không phải là Trung Quốc, mà chính là bản thân nước Mỹ. Chính sách Mỹ-Trung nên tránh biến thành một vòng luẩn quẩn của sự đánh giá sai lầm và ngộ nhận".
Trung Quốc tiếp tục "làm khó" Mỹ. Quan hệ song phương không có dấu hiệu cải thiện, một phần do lập trường cứng rắn của Tổng thống Joe Biden.
Thế vận hội mùa Hè đang diễn ra tại Tokyo bất chấp sự phức tạp của đại dịch Covid-19, được coi là “cứu tinh” cho Trung Quốc. Nếu Thế vận hội này bị hủy bỏ, áp lực quốc tế có thể dồn lên Trung Quốc khi đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Đông.
Từ nay đến Thế vận hội mùa Đông chỉ còn chưa đầy 200 ngày nữa. Sự kiện thể thao tại Bắc Kinh được nhìn nhận là một "phép thử" cho tương lai của quan hệ Mỹ-Trung, cũng như vị thế của Trung Quốc trên chính trường quốc tế.
Đây cũng được coi là cuộc thử nghiệm cho quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, khi hai nước láng giềng Đông Bắc Á sẽ kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm tới.
*Katsuji Nakazawa đã có 7 năm làm việc tại Trung Quốc với tư cách là phóng viên, sau đó là Trưởng văn phòng của Nikkei Asia tại Trung Quốc. Ông nhận giải thưởng Nhà báo quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.