📞

Panama miền đất hứa của thương mại, đầu tư

10:23 | 03/07/2012
Panama là quốc gia thịnh vượng và phát triển tại khu vực Trung Mỹ. Với Kênh đào Panama, dài 80 km nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, Panama được coi là một trung tâm hậu cần quốc tế gắn liền với sự phát triển của các lĩnh vực hàng hải, công nghiệp, du lịch, thương mại. Có thể nói, Panama là miền đất hứa của thương mại đầu tư. Để thấy rõ hơn về vấn đề này, đặc biệt là các tiềm năng hợp tác với Việt Nam, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Hoàng Công Thúy – Đại sứ Việt Nam tại Panama.

Người ta thường ví Panama là miền đất hứa của thương mại đầu tư, Ông có cảm nhận sao về điều này?

Panama có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi với Kênh đào Panama dài 80 km nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Kênh đào không chỉ mang lại lợi ích kinh tế quan trọng cho Panama mà còn giúp các tàu biển của rất nhiều nước trên thế giới tiết kiệm thời gian và chi phí trong giao thương hàng hải. Kênh đào đảm bảo cho hơn 15.000 lượt tầu thuyền hàng năm vận chuyển, tạo ra nguồn lợi kinh tế đáng kể cho thương mại quốc tế. Các nhà đầu tư có thể sử dụng Panama như một vị trí chiến lược để thâm nhập các thị trường mới hoặc thị trường đã có sẵn ở khu vực Trung Mỹ, Mỹ Latinh và châu Mỹ.

Panama giữ vai trò trung tâm tài chính ở Mỹ Latinh, là nơi cung cấp tín dụng, vốn đầu tư, thanh toán quốc tế, bảo hiểm... cho các hoạt động kinh tế, thương mại của thị trường khu vực và thế giới.

Panama còn là thị trường trung chuyển lớn trên thế giới với Khu Tự do Thương mại Colón và các kho ngoại quan miễn thuế lớn thứ 2 thế giới sau Hồng Kông và lớn nhất Tây Bán cầu cùng các chính sách cởi mở. Hiện nay có hơn 2000 công ty đặt văn phòng tại Khu Thương mại Tự do Colón, trao đổi thương mại đạt trị giá hơn 10 tỷ USD/năm, trong đó nhập khẩu chiếm 45% và tái xuất chiếm 55%. Khu miễn thuế này hàng năm đóng góp 7,5% GDP cho Panama.

Khu Tự do Thương mại Colón nằm gần các quốc gia phát triển của khu vực Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và tương đối gần châu Âu, gần như mọi tuyến đường giao thông trên thế giới đều qua Colón khiến nơi này trở thành một trung tâm lý tưởng trong thời đại toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới như hiện nay với tốc độ và hiệu quả của việc trung chuyển hàng, giá cả cạnh tranh, thuế suất nhập khẩu là 0%, và 100% cơ hội dành cho các doanh nghiệp với rất nhiều thuận lợi, ưu đãi và thủ tục đơn giản. Colón đặt mục tiêu trở thành trung tâm phân phối hàng hóa thương mại chính yếu cho khu vực châu Mỹ. Panama có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, trong lĩnh vực dịch vụ đồng thời có nhu cầu lớn nhập khẩu nhiều chủng loại hàng, nhất là trang thiết bị, máy móc, hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng các loại.

Xin Ông cho biết khái quát về tình hình hợp tác giữa hai nước và trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam có thể "khai thác" gì đối với thị trường Panama?

Quan hệ giữa Việt Nam và Panama thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ và vững chắc trên cả các lĩnh chính trị - ngoại giao và các lĩnh vực kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Panama năm 2011 đạt 207.164.000 USD, tăng 30% so với năm 2010, chiếm 52,4% XK của VN sang toàn khu vực Trung Mỹ và Caribe. Kết quả này là đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Cho đến nay, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước còn nhiều hạn chế. Việt Nam còn được ít người biết đến như một đất nước đang phát triển nhanh về kinh tế, thương mại mà vẫn được nghĩ tới như là xứ sở của những năm tháng đạn bom, khói lửa chiến tranh chống Mỹ, nhiều người còn chưa rõ mức độ phát triển của Việt Nam, chưa hình dung được Việt Nam có thể mua gì, bán gì, đầu tư được gì, còn nghe đến Việt Nam như một xứ sở "vùng sâu, vùng xa". Panama được biết đến như miền đất của con Kênh đào huyền thoại, ít người biết về tiềm năng và cơ hội thương mại và đầu tư mà đất nước này có thể mang lại…

Doanh nghiệp Việt Nam nên và cần sử dụng lợi thế của Kênh đào Panama, Khu Tự do Thương mại Colon với hệ thống kho ngoại quan… để hợp tác kinh doanh và đầu tư trên hầu hết mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề tùy theo "tầm với" của mình từ gạo, nước mắm, cá, vật liệu xây dựng, máy móc nông nghiệp, hàng dệt may, giày dép, cao su, xây dựng nhà ở, cao ốc… Nếu có cửa hàng đầu tiên của Việt Nam bán các món ăn, trong đó có món phở, bún chả, xôi… sẽ rất tuyệt vời. Ẩm thực - một nét đẹp của văn hóa Việt Nam còn được ít người Panama biết đến, trong khi cửa hàng ăn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ rất nhiều.

Những kỳ vọng của Đại sứ đối với Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư lần này?

Chúng tôi hết sức hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến cũng như nỗ lực tổ chức Diễn đàn Việt Nam-Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư tại Hà Nội từ 5-6/7/2012 và tràn đầy niềm tin và hy vọng Diễn đàn sẽ tạo những bước đột phá về hoạch định chính sách, sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng của các cơ quan chức năng, hình thành các cơ chế trao đổi và thúc đẩy hợp tác thiết thực… qua đó giới doanh nghiệp của Việt Nam và Panama sẽ vượt qua rào cản địa lý và thông tin để hiểu biết nhau hơn và tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư tương xứng với tiềm năng của hai nước, phù hợp với sự phát triển của xu hướng hội nhập từng khu vực và hợp tác liên khu vực.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Minh Hòa (thực hiện)