Nhỏ Bình thường Lớn

Pháp – “Ngư ông đắc lợi” ở Trung Đông

Tập đoàn Dassault Aviation của Pháp đã bất ngờ chấm dứt quãng thời gian dài mười năm không bán được chiến đấu cơ đa năng Rafale nào cho quân đội nước ngoài bằng một loạt hợp đồng bán tổng cộng 84 chiếc Rafale trị giá 15 tỷ Euro chỉ trong vài tuần lễ.
Chiến đấu cơ Rafale chuẩn bị hạ cánh ở căn cứ Saint-Dizier, Pháp tháng 2/2015.

Lần lượt Ai Cập đặt mua 24 chiếc hồi tháng Hai, Ấn Độ 36 chiếc hồi tháng Tư và Qatar ký hợp đồng mua 24 chiếc đầu tuần này nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Hollande. Các cuộc thương thảo bán hàng chục chiếc Rafale với Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) của Pháp cũng đang được “lái đi đúng hướng”, theo lời Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius.

Có nhiều lý do khiến các nước nói trên đặt mua chiến đấu cơ Rafale sau thời gian dài do dự. Bruno Tertrais, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp cho rằng, từ năm 2007, Rafale đã tham gia tác chiến trên nhiều chiến trường nguy hiểm từ Afghanistan, Libya cho đến Iraq và mang lại thành công không nghi ngờ. Bên cạnh đó, hiệu ứng “domino” - quyết định mua Rafale của Ai Cập như một chất xúc tác kéo theo quyết định của các khách hàng Trung Đông giàu có khác.

Đặc biệt, các hợp đồng buôn bán vũ khí này là hệ quả của những nghi ngờ bấy lâu nay của các quốc gia vùng Vịnh với cam kết an ninh của Mỹ với khu vực. Mùa hè năm 2013, Tổng thống Barack Obama từng làm cho các đồng minh vùng Vịnh thất vọng khi từ bỏ ý định oanh kích Syria vào giờ chót, trong lúc không quân Pháp đã sẵn sàng tấn công. Đối với các nước vùng Vịnh, sự kiện Washington bỏ rơi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả rập là một “cú đấm” choáng váng.

Nhưng quan trọng hơn cả là việc chính quyền của Tổng thống Obama đang tỏ ra linh hoạt và mềm mỏng để tìm kiếm một thỏa hiệp với Iran trước thời hạn chót 30/6 đang đến gần, trong khi Pháp từ trước đến nay vẫn kiên trì lập trường cứng rắn với chính quyền Tehran. Trong bối cảnh Saudi Arabia thống lĩnh liên minh Ả rập can thiệp quân sự nhằm ngăn chặn phe Houthi thân Iran kiểm soát Yemen, ông Hollande đã làm nhiều nhà quan sát trong nước và nước ngoài ngạc nhiên vì việc ủng hộ chiến dịch này thay vì giữ một lập trường trung lập như các chính quyền cánh tả trước đây trong các cuộc xung đột không đe dọa các lợi ích của Pháp.

Thông qua các quyết sách của mình, Tổng thống Hollande đang mang lại tin mừng cho nền kinh tế Pháp, bởi có thể tạo ra đến 30.000 việc làm trong bối cảnh nước Pháp đang lao đao với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 10%, đồng thời giúp cho Pháp có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ quốc tế khác trong bối cảnh ngân sách quốc phòng ngày càng thu hẹp. Việc Tổng thống Hollande là chính khách phương Tây đầu tiên được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (gồm sáu nước Ả rập) tại Qatar được cho là dấu hiệu cảnh báo với Tổng thống Obama rằng Mỹ có thể sẽ không còn là nhân tố quyết định trong một số diễn biến tại Trung Đông trong tương lai.

Tuy vậy, theo giới quan sát, ông Hollande sẽ không tránh khỏi phản ứng tiêu cực từ các nhóm nhân quyền, bao gồm cả Tổ chức Ân xá quốc tế, khi bán vũ khí cho các quốc gia đang bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã đắc cử một năm sau khi lật đổ nhà lãnh đạo dân cử đầu tiên của đất nước, ông Mohamed Morsi. Một cuộc đàn áp sau đó đối với những người ủng hộ ông Morsi đã khiến ít nhất 1.400 người chết và hàng ngàn người khác phải vào tù. Qatar cũng đã phải đối mặt với những lời chỉ trích trong việc đối xử với lao động nhập cư - một vấn đề khá nhạy cảm với nước Pháp.

Nguyễn Trung